Ông Chử Xuân Dũng và Vũ Hồng Nam đều có đà thăng tiến được coi là hanh thông cho đến khi bị bắt với cáo buộc ‘nhận hối lộ’ vụ ‘chuyến bay giải cứu’.

Ông Dũng sẽ mở đầu cho ‘nhóm địa phương’

Việc ông Chử Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Hà Nội và Vũ Hồng Nam – đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (trước đó là Thứ trưởng Ngoại giao) bị bắt được báo trong nước dẫn lời Bộ Công an đăng ngày 22/12.

Việc ông Dũng bị bắt, theo các nhà quan sát, cho thấy vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ đã động đến các quan chức địa phương ‘đi đêm’ với doanh nghiệp để ăn chặn tiền người dân.

Trước khi bị bắt, cả ông Dũng và Nam đều có đường quan lộ hanh thông.

Ông Dũng sinh năm 1973, xuất thân giáo viên dạy toán trường phổ thông, rồi lên làm hiệu trưởng một số trường trung học có tiếng ở Hà Nội như trường TH Trần Hưng Đạo, Chu Văn An. Sau đó, ông Dũng về làm Phó Giám đốc, rồi giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội (từ 2017 tới 2020). Từ 2020 đến nay, ông Dũng làm Phó Chủ tịch Hà Nội, kiêm trưởng ban phòng chống Covid-19 của thủ đô.

Ông Nam 1963, từ 2014 tới 2018, là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ tháng 10/2018 tới nay, ông là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản.

Báo phương Tây: “Việt Nam mở rộng tiền đồn ở Biển Đông”

Reuters cho hay, Việt Nam đã mở rộng đáng kể việc nạo vét và bồi đắp tại một số tiền đồn của nước này ở Biển Đông trong nửa cuối năm nay.

Một tàu (phía trên) của Cảnh sát biển Trung Quốc được nhìn thấy gần một tàu của Cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông, cách Việt Nam khoảng 210 km, ngày 14/5/2014 (ảnh tư liệu/BBC)

Bài báo dẫn báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington cho biết việc bồi đắp, nạo vét này ở quần đảo Trường Sa, cũng được Trung Quốc và các nước khác tuyên bố chủ quyền, đã tạo ra khoảng 170 héc ta đất mới và nâng tổng diện tích mà Việt Nam đã khai hoang trong thập kỷ qua lên 220 héc ta.

“Quy mô của công việc bồi đắp, mặc dù vẫn còn thua xa so với hơn 3.200 héc ta đất do Trung Quốc tạo nên từ năm 2013 đến năm 2016, nhưng mức độ lớn hơn đáng kể so với những nỗ lực trước đây của Việt Nam và thể hiện một động thái lớn nhằm củng cố vị thế của mình ở Trường Sa”, báo cáo cho biết.

TP. HCM dự kiến cấm xe giường nằm vào nội đô

Thành phố dự kiến cấm xe giường nằm vào nội đô trước Tết Nguyên đán 2023 để giải quyết tình trạng bến cóc, xe dù, đồng thời giúp giảm ùn tắc, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. HCM nói chiều 22/12.

Khu vực hạn chế xe được giới hạn bởi các tuyến: quốc lộ 1 ở hướng Bắc và Tây; xa lộ Hà Nội – Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống ở hướng Đông; hướng Nam là đường Võ Chí Công – cầu Phú Mỹ – đường Trên cao – Nguyễn Văn Linh.

Chủ tịch Sam Sung đến Việt Nam

Từ 21/12, ông Lee Jae-yong và 15 lãnh đạo khác của Samsung, trong đó có Chủ tịch Samsung Roh Tae-moon, Phó chủ tịch Samsung Chung Hyeon-ho, Chủ tịch Samsung Display Choi Ju-seon. Đoàn lãnh đạo Samsung sang Việt Nam bằng máy bay thương mại của Korean Air.

Nguồn tin từ tờ The Korea Herald cho biết ông Lee Jae-yong và đoàn sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tập đoàn Hàn Quốc khởi công xây dựng trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD vào tháng 3/2020. Trung tâm này phụ trách nghiên cứu phát triển các thiết bị di động của công ty, bao gồm điện thoại thông minh và máy tính bảng, những sản phẩm phần mềm và phần cứng. Trung tâm dự kiến thu hút khoảng 2.000 lao động tại Việt Nam.