Ngành công nghiệp năng lượng đã trở thành lỗ hổng chí tử của Ukraine, khi người Nga hoàn toàn nhận thức rõ ràng điều này, bởi Moscow có kiến thức chuyên sâu về mạng lưới hệ thống sưởi ấm của Ukraine được thừa hưởng từ thời hậu Xô viết.
Nội dung chính
Nga nhận thức rõ điểm yếu chí tử của Ukraine
Hôm 20/10, tờ Time cho biết, tính đến năm 2021, 53% hộ gia đình thành thị Ukraine đều dựa vào hệ thống sưởi này trong mùa đông.
Tờ Time viết: “Trong tuần qua, người Nga đã tiến hành các cuộc tấn công dữ dội nhất vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, phá hủy 30% nhà máy điện của đất nước và gây ra mất điện lớn trên toàn quốc.
Các quan chức Ukraine tin rằng Điện Kremlin có kiến thức sâu sắc về hệ thống nhiệt từ thời Liên Xô và họ sẽ cố gắng phá hủy nó trong mùa đông, khi nhiệt độ giảm xuống âm 3 độ đến âm 5 độ C”.
Theo chuyên gia quân sự Oleksandr Khrolenko, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đang tước đi nguồn điện của Ukraine, khiến chính quyền Kyiv mất dần khả năng kiểm soát và triển khai lực lượng quân đội Ukraine.
Ông Khrolenko lưu ý rằng, mọi thứ liên quan đến vận tải đường sắt, tình báo và thông tin liên lạc đều cần đến điện. Các cuộc tấn công tên lửa của Nga dưới sự chỉ huy của tướng Sergei Surovikin, đã dẫn đến việc phá hủy nặng nề hệ thống năng lượng của Ukraine.
Trước đó, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine – ông Kyrylo Tymoshenko cảnh báo người dân về tình hình năng lượng nghiêm trọng ở Ukraine, với khả năng nước này buộc phải ngừng cung cấp nhiệt, điện và nước, theo vz.ru.
Việc Ukraine dễ bị tổn thương trước mùa đông giá lạnh là điểm yếu chí tử của chính quyền Tổng thống Zelensky. Trong khi Nga đầy đủ và dư thừa về “khí đốt, nhiệt, năng lượng và điện”, cùng lương thực và nhu yếu phẩm thì Ukraine không có gì cả và hoàn toàn trông chờ vào sự tiếp viện từ bên ngoài.
Nước cờ cao tay của ông Putin
Tổng thống Nga Putin đang sử dụng lá bài Năng lượng cực kỳ lắt léo, uyển chuyển và dứt khoát để hạ gục cả Mỹ, NATO, EU trong ván cờ địa chiến lược, địa kinh tế quốc tế.
Có một sự im lặng đến kỳ lạ tại châu Âu, khi đường ống Nord Stream bị phá hoại đúng thời điểm cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Hầu như ít nghe thấy một lời phát biểu nào từ các quan chức châu Âu về sự kiện đình đám này, và thậm chí Đức – quốc gia chịu thiệt hại trực tiếp – còn tránh đề cập đến như thể sự kiện này chưa từng xảy ra.
Trớ trêu là Berlin đang tiến hành cuộc điều tra, nhưng chắc có lẽ còn lâu mới kết thúc hoặc sẽ không tiết lộ thủ phạm, vì sợ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Đức! (dw)
Thụy Điển cũng nói rằng vấn đề quá nhạy cảm để họ có thể chia sẻ bằng chứng mà họ thu thập được với bất kỳ quốc gia nào, kể cả với Đức và Nga!
Trong khi ấy, chính quyền Biden thời điểm này chọn cách phớt lờ, và truyền thông dòng chính Mỹ đang cố tình giảm nhẹ tác hại của vụ phá hoại Nord Stream, để theo thời gian, vụ việc sẽ dần phai mờ và lãng quên trong trí nhớ của công chúng.
Tổng thống Putin không mong đợi bất kỳ phản ứng tích cực nào từ chính quyền Berlin đối với đề xuất của ông về việc mở lại đường ống Nord Stream 2, vốn chỉ bị hư hại nhẹ và có khả năng cung cấp 27,5 tỷ khối mét khí cho Đức. Vì Thủ tướng Scholz đã từ chối, bởi đơn giản Berlin sợ làm phật lòng Washington.
Nga đề xuất tạo ra trung tâm khí đốt mới tại Thổ Nhĩ Kỳ
Tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga vừa được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan hôm 13/10, Tổng thống Putin đã đề xuất tạo ra trung tâm khí đốt mới tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi Nga không còn có thể vận chuyển khí đốt thông qua đường ống Nord Stream, theo reuters.
Động thái cho thấy Tổng thống Putin ngụ ý xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí đốt khác để cung cấp cho một trung tâm khác ngoài châu Âu, và ông đã chọn Thổ Nhĩ Kỳ. Qua đó khí đốt sẽ được trung chuyển cho bên thứ ba, chủ yếu là các nước châu Âu “nếu họ quan tâm.”
Về cơ bản, Nga có kế hoạch thay thế trung tâm khí đốt của mình ở Haidach đặt tại Áo và Jemgum đặt tại Đức. Có thể hiểu, trung tâm ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp ứng cho thị trường ở Nam Âu, bao gồm cả Hy Lạp và Ý và còn nhiều hơn thế nữa.
Nói một cách ngắn gọn, Tổng thống Putin đã thực hiện một bước đi chiến lược trong lĩnh vực địa chính trị về khí đốt. Sáng kiến của ông là nhằm đập vỡ toàn bộ ý tưởng áp đặt giới hạn giá khí đốt Nga của các quan chức EU, và làm phá sản kế hoạch của Mỹ và EU nhằm hạ thấp ‘hồ sơ’ của Nga như một siêu cường về khí đốt.
Đề xuất của Tổng thống Putin trở nên vô cùng hấp dẫn với Thổ Nhĩ Kỳ – vốn là ước mơ bấy lâu của nước này nhằm trở thành một trung tâm năng lượng ở ngưỡng cửa của châu Âu. Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Erdogan cũng nóng lòng với đề xuất này của Tổng thống Putin.
Phát biểu trước các thành viên đảng cầm quyền tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần qua, Tổng thống Erdogan nói: “Ở châu Âu, họ hiện đang giải quyết câu hỏi làm thế nào để giữ ấm trong mùa đông tới. Chúng tôi không có vấn đề như vậy. Chúng tôi đã đồng ý với Vladimir Putin để tạo ra một trung tâm khí đốt ở đất nước của chúng tôi, qua đó khí đốt tự nhiên, như ông nói, có thể được chuyển đến châu Âu. Như vậy, châu Âu sẽ đặt mua khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ”.
Không nghi ngờ gì nữa, việc Tổng thống Putin trao cho Thổ Nhĩ Kỳ một tấm vé năng lượng, không khác gì tạo ra một bước nhảy vọt cho Thổ Nhĩ Kỳ trong chính sách đối ngoại với EU, đồng thời củng cố quyền tự chủ chiến lược của khối này trong chính trị khu vực nếu muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Điều đáng nói là, Thổ Nhĩ Kỳ lại là đồng minh của Mỹ và là thành viên chủ chốt của NATO.
Nước cờ cao tay của Tổng thống Putin cũng trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền tự chủ chiến lược năng lượng. Điều này cũng phù hợp với với chính sách đối ngoại độc lập với NATO, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu của Tổng thống Erdogan, và cũng có tác dụng đòn bẩy đối với Tổng thống Putin trong bối cảnh nước Nga phải đối mặt với hàng ngàn lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Vì sao nói đây là một nước cờ cao tay của Tổng thống Putin?
Về mặt địa kinh tế, các công ty Nga sẽ coi Thổ Nhĩ Kỳ như một cơ sở sản xuất khí đốt, nơi mà các công nghệ phương Tây có thể tiếp cận mà không sợ bị vi phạm các lệnh trừng phạt. Bởi Thổ Nhĩ Kỳ có một thỏa thuận liên minh thuế quan với EU, trong đó xóa bỏ hoàn toàn thuế hải quan đối với tất cả hàng hóa công nghiệp có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Về mặt địa chính trị, Nga đã thành công khi một đồng minh NATO “xé rào” để bắt tay hợp tác kinh doanh với mình. Rõ ràng, trung tâm khí đốt này sẽ mang lại một nguồn lợi tài chính khổng lồ cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng mang lại sự ổn định năng lượng cho nước này trong bối cảnh nhiều đồng minh NATO châu Âu đang phải đối mặt với thảm họa giá năng lượng tăng cao.
Đây được cho là một nước cờ đỉnh cao của Putin, khi các đồng minh châu Âu của Mỹ có thể mua khí đốt của Nga thông qua đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, mà không cảm thấy vi phạm “đạo đức” với Ukraine.
Bước tiếp theo của Nga là liên kết với Qatar, nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới. Qatar cũng là một đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh Hội nghị Tương tác và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) vừa qua, Tổng thống Putin đã tổ chức một cuộc gặp kín với Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Cả hai cùng đồng ý sẽ sớm tổ chức một cuộc họp khác tại Nga.
Lưu ý là, trước đó Bộ trưởng Năng lượng Qatar, ông Saad al-Kaabi hôm 19/10 đã cảnh báo châu Âu có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng “tồi tệ hơn nhiều” vào năm 2023.
Ông Kaabi nói rằng, không thể hình dung một tương lai mà “không có khí đốt Nga” chảy sang châu Âu, theo economymiddleeast.
Điều đáng nói là, vào đầu năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã ghi nhận Qatar là một đồng minh chủ chốt của Mỹ không thuộc NATO. Điều trớ trêu nữa là Qatar cũng trở thành nhà cung cấp khí đốt khẩn cấp của châu u (oilprice)
Việc Qatar ngày càng xích lại gần Nga đã trở thành bài toán hóc búa cho cả Mỹ lẫn EU.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của Tin360.
Có thể bạn quan tâm: