Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã thu hồi toàn bộ giáo trình tiếng Trung có in hình bản đồ “đường lưỡi bò” để niêm phong và tiêu hủy.
- Dỡ bỏ công trình giống hình “đường lưỡi bò” của doanh nghiệp Trung Quốc ở Hải Phòng
- Cảnh ‘đường lưỡi bò’ trong phim truyền hình Trung Quốc bị cắt khỏi Netflix
- Tài liệu có ‘đường lưỡi bò’, tổng giám đốc Bayer Việt Nam bị phạt 30 triệu đồng
Chiều nay 18/3, VietNamNet, dẫn lời lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, tài liệu sử dụng cho các môn học trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được xuất bản trong nước rất ít. Vì vậy, cũng như nhiều trường khác có đào tạo ngành học này, nhà trường phải lựa chọn, thẩm định và sử dụng một số giáo trình do nước ngoài xuất bản.
Giáo trình Advanced Listening Course, Developing Chinese có bản đồ “đường lưỡi bò” do Nhà xuất bản Đại học Ngôn ngữ Bắc kinh xuất bản năm 2016. Sau khi phát hiện cuốn giáo trình này có in hình bản đồ có “đường lưỡi bò” ở trang 70, Nhà trường đã thu hồi toàn bộ giáo trình này để niêm phong và tiêu hủy. Đồng thời, làm thủ tục để lựa chọn, thẩm định giáo trình khác thay thế.
Chiều 17/3, nhà trường cũng tổ chức họp các đơn vị, cá nhân liên quan để rà soát quy trình lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình nêu trên.
Theo đó, nhà trường đã có đầy đủ các quy định, thủ tục quy trình liên quan đến đề xuất lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo cho các môn học trong các chương trình đào tạo. Tuy nhiên, Bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc, Khoa Ngoại ngữ chưa nghiêm túc thực hiện dẫn đến có sai sót.
Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc, Trưởng khoa Ngoại ngữ và các cá nhân liên quan đến đề xuất lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình trong quá trình dạy học đã nhận trách nhiệm và làm bản tường trình, kiểm điểm gửi hiệu trưởng.
Tháng 11/2019, báo Tiền Phong thông tin, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng giáo trình in hình “đường lưỡi bò” trong một thời gian dài. Giáo trình Đọc sơ cấp 1 và cuốn Nghe sơ cấp in bản đồ “đường lưỡi bò”.
Ngoài ra, cuốn “Tổng quan về Trung Quốc” (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2018) ghi tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa. Khi phát hiện, lãnh đạo nhà trường cho thu hồi và hủy bỏ toàn bộ giáo trình này. Nhà trường cũng cảnh cáo Ban chủ nhiệm Khoa tiếng Trung-Nhật, Ban giám đốc Trung tâm Dịch vụ A và các cá nhân liên quan.