Tuấn khai đưa cho ông Quốc Anh – cựu giám đốc BV Bạch Mai số tiền trị giá hơn 600 triệu đồng; nhưng Quốc Anh chỉ thừa nhận một nửa con số đó.

Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cùng Phạm Đức Tuấn – Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS và 6 đồng phạm. Những người này bị cáo buộc câu kết nâng khống giá thiết bị y tế từ 7,4 tỷ lên 39 tỷ đồng, hậu quả khiến mỗi bệnh nhân phẫu thuật sọ não bị đội chi phí thêm khoảng 16,5 triệu đồng.

Khám nhà, đọc lệnh bắt ông Nguyễn Quốc Anh.
Công an khám nhà, đọc lệnh bắt ông Nguyễn Quốc Anh. Ảnh chụp màn hình báo Bảo vệ Pháp luật.

Theo kết quả điều tra, Tuấn đã nhiều lần chi tiền cho giám đốc BV Bạch Mai. Vietnamnet dẫn kết luận điều tra cho thấy, chủ tịch BMS khai đã chi cho ông Quốc Anh 3.000 USD vào tháng 5/2016. Sau đó, vào các ngày lễ tết, ngày Thầy thuốc Việt Nam từ năm 2017 – 2019 (trước khi ông Quốc Anh nghỉ hưu), Tuấn đưa cho ông này 50 triệu đồng/lần; có một vài lần đưa 1.000 – 2.000 USD/lần.

Ngoài ra, tháng 6/2018, Tuấn đưa cho ông Quốc Anh 5.000 USD để đề xuất đưa các hệ thống robot vào danh mục trang bị cho Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai.

Như vậy, từ tháng 5/2016 đến cuối năm 2019, Tuấn đưa cho Quốc Anh nhiều lần với số tiền khoảng 400 triệu đồng và 10.000 USD (tổng trị giá hơn 600 triệu đồng).

Tuấn khai, việc biếu tiền nhằm duy trì quan hệ “ngoại giao” để lãnh đạo bệnh viện giúp thúc đẩy triển khai đề án, đảm bảo “đôi bên cùng có lợi”.

Về phần Quốc Anh, ông này khai rằng, chỉ nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD từ Phạm Đức Tuấn.

Bệnh nhân thành nạn nhân

Theo kết luận của cơ quan điều tra, bệnh nhân và người thân của họ là những nạn nhân của phi vụ câu kết nâng khống giá thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai.

Cụ thể, sau khi thống nhất, Quốc Anh và Tuấn đã ký kết thành lập liên doanh lắp đặt và sử dụng Robot Rosa để điều trị ở bệnh viện Bạch Mai. Số tiền thực tế chi cho thiết bị là hơn 7,4 tỷ đồng, song đã nhóm lợi ích nâng khống lên thành 39 tỷ đồng. Khoản tiền nâng khống hơn 30 tỷ này, bị dồn lên đầu người bệnh. Theo đó, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa nếu làm đúng giá là hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng liên doanh Bệnh viện Bạch Mai – Cty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca.

Vẫn theo công an, họ đã làm việc với người bệnh, người nhà người bệnh tại 15 tỉnh, thành phố để biết về phương thức tư vấn của bệnh viện Bạch Mai. Người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, họ đều được bệnh viện tư vấn về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh – sọ não, trong đó hình thức phẫu thuật thông thường, không có sự hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần.

Còn hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, là điều trị dịch vụ không được bảo hiểm chi trả, chi phí cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ca tùy thuộc vào số ngày giường, vật tư tiêu hao… trong quá trình phẫu thuật nhưng người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh hơn.

Người bệnh, gia đình người bệnh không được biết thiết bị robot do đối tác liên doanh, liên kết lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, không được giải thích cụ thể từng loại chi phí trong quá trình phẫu thuật, không được biết chi phí khấu hao thiết bị robot.

Song, với mong muốn nhanh lành bệnh, nhiều người đã lựa chọn phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, ký giấy cam đoan sử dụng dịch vụ.

Theo VTC, khi vụ việc được phanh phui, các nạn nhân đều đề nghị được cơ quan tố tụng cho nhận lại số tiền 16,5 triệu đồng.