Cố tình điều tra quân đội Mỹ, quan chức Tòa Hình sự quốc tế bị Trump ký lệnh trừng phạt
Chính quyền Trump cho rằng Tòa án hình sự quốc tế đang đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia Mỹ và mượn cớ điều tra các tội ác chiến tranh ở Afghanistan để cố tình điều tra quân đội Hoa Kỳ.
- Úc cứng rắn với Trung Quốc: Không sợ Bắc Kinh dùng kinh tế trả đũa
- Giữ được nguyên vẹn đôi mắt, bé trai bị bỏ rơi ở hố ga đang phục hồi
- Bé gái 10 tuổi tặng 1500 món quà cho trẻ em nghèo
Ngày 11/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh cho phép trừng phạt các thành viên Tòa án hình sự quốc tế liên quan tới việc Tòa này mở cuộc điều tra về vai trò của các lực lượng Mỹ trong các tội ác chiến tranh ở Afghanistan.
Sắc lệnh của người đứng đầu Nhà Trắng cho phép Ngoại trưởng Mike Pompeo tham vấn với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong việc phong tỏa tài sản ở Mỹ của các thành viên Tòa án hình sự quốc tế tham gia cuộc điều tra nói trên.
Mỹ không phải thành viên của ICC và các quan chức chính quyền Trump từ lâu đã bác bỏ thẩm quyền của Tòa hình sự, do đó không chấp nhận Tòa này mở cuộc điều tra nhắm vào quân đội Mỹ.
Sắc lệnh này cũng cho phép Ngoại trưởng Hoa Kỳ cấm những cá nhân này và gia đình của họ nhập cảnh vào Mỹ. Bước đầu tiên là thu hồi thị thực của công tố viên Bensouda khi bà này cho rằng lực lượng vũ trang Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh và đề xuất mở cuộc điều tra về các tội ác liên quan đến cuộc xung đột ở Afghanistan.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump còn cho rằng Tòa án hình sự quốc tế đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia Mỹ đồng thời cáo buộc Nga đã thao túng, hậu thuẫn cơ quan này nhằm phục vụ cho lợi ích của mình.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh báo các đồng minh thân cận của Mỹ, đặc biệt là các nước thuộc khối NATO đang tham gia chống khủng bố ở Afghanistan, có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của cuộc điều tra này.
Tòa án hình sự quốc tế thành lập năm 2002, trụ sở chính tại Den Haag, Hà Lan nhằm truy tố các tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng và các tội ác chống lại loài người. Mỹ cùng gần 20 quốc gia khác chỉ trích và chưa bao giờ là thành viên của Tòa án này.