Nhiều người bức xúc trước thông tin nữ chủ quán bánh xèo tại Bắc Ninh hành hạ dã man em Trương Quang Duy (15 tuổi), vậy hình phạt nào sẽ dành cho nữ chủ quán này?
- Nữ chủ quán bánh xèo khai: Nhân viên lười làm, ăn vụng, ở bẩn… nên đánh để dạy dỗ
- Cậu bé 15 tuổi làm thuê: Có ngày em nhận 3 trận đòn, phải ăn bánh xèo thừa, ngủ đất
- Tiếng khóc ‘nghe thấy sợ’ lúc nửa đêm tại quán Bánh xèo Miền Trung ở Bắc Ninh
Báo Zing thông tin, theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhận định những hành vi của Tuyết có thể bị truy cứu thêm trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích.
“Cơ quan công an sẽ đưa các nạn nhân đi giám định tỉ lệ thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe và căn cứ vào đó để ra quyết định khởi tố đối với Tuyết”, luật sư Cường cho hay.
Theo luật sư, trong trường hợp thương tích dưới 11%, nhưng một trong hai nạn nhân là trẻ em (em Duy 15 tuổi), cùng với hành vi phạm tội được xác định có tính chất côn đồ, nghi phạm có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Theo đó, mức phạt mà Tuyết có thể phải đối mặt nếu bị quy kết tội danh trên là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
“Trong trường hợp cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xử lý tội Cố ý gây thương tích, thì với những hành vi đánh đập các nạn nhân bằng bàn chải sắt, chày giã tiêu… Tuyết có thể bị xử lý hình sự về tội Hành hạ người khác, quy định tại Điều 140 BLHS năm 2015”, vị luật sư nói.
Tại điểm a, khoản 2, Điều 140 BLHS, quy định về tình tiết tăng nặng là hành hạ người dưới 16 tuổi, luật sư cho biết Tuyết sẽ nhận mức phạt tù 1-3 năm nếu bị kết tội.
Ngoài ra, luật sư Cường cho rằng cần xem xét chủ quán bánh xèo Miền Trung có vi phạm quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về sử dụng lao động chưa thành niên.
“Trong vụ việc này, cơ quan công an cần xác định chính xác tuổi của nạn nhân Duy xem đã đủ 15 tuổi hay chưa, do Bộ luật Lao động quy định người lao động phải từ 15 tuổi trở lên”, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp nói.
Theo luật sư, trường hợp Duy đã đủ tuổi lao động, công an phải tiếp tục làm rõ khối lượng, thời gian, công việc mà nạn nhân đã phải làm.
Theo khoản 2 và 5 Điều 163 Bộ luật Lao động về nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên, người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm việc tối đa 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên được học văn hóa.
“Theo lời khai của Tuyết và các nạn nhân, nghi phạm đã bắt Đức và Duy làm việc từ 7h ngày hôm trước đến 3h-4h ngày hôm sau (khoảng 20 giờ/ngày), điều này là vi phạm quy định”, luật sư cho hay.
Về mức xử phạt, luật sư Cường trích dẫn Điều 28 về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động. Theo đó, Tuyết sẽ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng vì vi phạm quy định sử dụng người đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ.
Trước đó, báo Nhịp Sống Việt thông tin, tại cơ quan công an, bước đầu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (chủ quán bánh xèo) khai nhận, trước đó do nhân viên Duy lười làm, ở bẩn, ăn vụng, chậm chạp, nên có đánh mắng để “răn đe, dạy dỗ”.
Ngày 21/11/2020, Tuyết phát hiện mất tiền, nghi ngờ em Duy ăn cắp nên Tuyết quát mắng, dọa nạt khiến em Duy sợ hãi và bỏ trốn. Nữ chủ quán nói sau đó có đi tìm Duy nhưng không thấy.
Tại cơ quan công an, Duy khai nhận đang làm thuê cho Tuyết, Duy nói em và một nhân viên nữa của quán là Võ Văn Đức thường xuyên bị chủ quán đánh đập, gây nhiều thương tích trên cơ thể, bắt làm việc nhiều giờ.
Duy kể sau những lần chửi mắng, từ cuối tháng 10 liên tục bị ông bà chủ đánh ở phía sau quán. Mỗi lần bực tức hoặc thấy em không làm được việc, cô ấy véo tai, tát vào mặt, đá vào người và dùng chày đập đá đánh vào đầu, lưng.
Có lần Duy bị dùng cái cạo vảy cá đánh thẳng vào lưng nên đến giờ khắp lưng vẫn còn lỗ chỗ. Ông chủ cũng đánh nhưng không dùng hung khí.