Giới lãnh đạo trung ương Trung Quốc dùng các chính sách “kích thích kinh tế trong bóng tối” để dễ dàng đổ lỗi cho địa phương, theo ông Andrew Collier, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Orient Capital Research ở Hồng Kông.

Trong bài phân tích trên Nikkei Asia, ông Collier lập luận: “Ban lãnh đạo Trung Quốc không có con đường dễ dàng nào thoát khỏi các vấn đề trong việc xử lý làn sóng COVID mới nhất, tác động của nó đối với chuỗi cung ứng, sự sụt giảm bất động sản và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Điều đó đã dẫn đến sự chia rẽ công khai trong chính phủ về đường lối chính sách.”

Hai ngày trước đó, Financial Times (FT) đã đưa tin về một cuộc đụng độ chính sách giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương) và hai phó thủ tướng khác là Hàn Chính và Hồ Xuân Hoa. FT cho biết, trong khi ông Lưu muốn giúp ngành bất động sản, thì các phó thủ tướng khác muốn “duy trì áp lực đối với các nhà phát triển.”

Chỉ vài ngày sau, FT báo cáo rằng chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng tìm giải pháp để đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính tiềm tàng của Mỹ.

“Không ai trong cuộc họp nghĩ ra giải pháp tốt đẹp cho vấn đề này”, một người trong cuộc họp nói với FT.

Người này cho biết, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc không được chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp Mỹ cho đóng băng tài sản bằng đồng đô la của Trung Quốc hoặc loại trừ các ngân hàng Trung Quốc ra khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT, như Mỹ đã làm với Nga.

Bất mãn về ông Tập Cận Bình

Vào ngày 12/5, The Wall Street Journal đăng một báo cáo nói rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thuyết phục ông Tập nới lỏng nhiều hạn chế của chính phủ đối với tài sản và các công ty công nghệ. Bài báo kết luận rằng “ngày càng có sự bất mãn đối với sự lãnh đạo của ông Tập.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Điện Kremlin/Wikimedia Commons). Giới quan sát cho rằng việc cho phép Trung Quốc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) năm 2001 là một sai lầm lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Điện Kremlin/Wikimedia Commons). Giới quan sát cho rằng việc cho phép Trung Quốc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) năm 2001 là một sai lầm lớn.

Rõ ràng, đang có một cuộc tranh luận về việc làm thế nào để tăng trưởng kinh tế mà không làm trầm trọng thêm bong bóng nợ vốn đã lớn của Trung Quốc. Bắc Kinh sợ rơi vào vòng xoáy chết chóc không kiểm soát được trên thị trường nhà ở.

Theo nhà nghiên cứu Collier, “có những vấn đề nguy cấp lớn hơn liên quan đến hướng đi của nền kinh tế và ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu mọi thứ trở nên tồi tệ”.

Ông Collier cho rằng ông Tập đang thực hiện chương trình nghị sự “thịnh vượng chung”, vì vậy ông ta coi sự bình đẳng hơn là nền tảng cho tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với ông Tập, ổn định tài chính đứng thứ hai, và tăng trưởng kinh tế dường như chỉ đứng thứ ba.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc biết rằng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ gây ra nhiều vấn đề khác khi thất nghiệp gia tăng, các công ty ngừng kinh doanh và chính quyền các địa phương phải vật lộn để chi trả cho các dịch vụ xã hội.

Giải pháp rõ ràng sẽ là cải cách kinh tế nhằm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước và chuyển của cải từ công nghiệp sang tiêu dùng.

“Tuy nhiên, ông Tập không quan tâm đến việc giảm bớt sự kiểm soát của nhà nước hoặc tham gia vào các cải cách cơ cấu lớn”, theo ông Collier. “Vì vậy, làm thế nào hệ thống có thể phân bổ tài nguyên và quan trọng không kém là phân bổ các nhân tố để có thể đổ lỗi?”.

Giới quan sát cho rằng kinh tế Trung Quốc còn xa mới đạt được vị trí số 1 thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp với giới chức Nga năm 2018 (ảnh: Wikimedia Commons).
Giới quan sát cho rằng kinh tế Trung Quốc còn xa mới đạt được vị trí số 1 thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp với giới chức Nga năm 2018 (ảnh: Wikimedia Commons).

Giải pháp là một thỏa hiệp chính trị, theo ông Collier.

Trung ương chuyển trách nhiệm cho địa phương

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng Trung Quốc đang bổ sung thêm 90 nghìn tỷ nhân dân tệ (13,4 nghìn tỷ USD), tương đương gần một phần ba tổng sản phẩm quốc nội, vào tổng số nợ cho đến năm 2022.

Nhưng thay vì thông qua các khoản vay từ nhà nước và các ngân hàng chính sách, Trung Quốc đang dựa vào nợ của chính quyền địa phương và các công ty nhà nước địa phương.

Theo IMF, nợ của Trung Quốc có thể sẽ tăng thêm 14% nữa vào năm 2023. Nhà nghiên cứu Collier cho rằng đây là một kiểu “kích thích (kinh tế trong) bóng tối” vì nó không trực tiếp từ chính quyền trung ương.

Vì vậy, khi có vấn đề phát sinh, “Bắc Kinh có thể giả vờ rửa tay sạch sẽ và đổ lỗi cho chính quyền địa phương”, theo ông Collier.

Các nhà quan sát phương Tây dễ hiểu cho rằng thực chất sự phân biệt này là vô nghĩa vì tất cả đều là nợ quốc gia. Đúng vậy, nhưng trong giới lãnh đạo Trung Quốc, việc quy kết trách nhiệm là một điều rất quan trọng.

“Giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng mặc dù con thuyền đang đầy nước, thì họ vẫn có thể bưng bít đủ lỗ thủ để giúp nó tiếp tục nổi”, ông Collier bình luận.