Các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang phá hoại hòa bình trong khu vực. Nó cũng đặt ra một vấn đề rằng liệu những mâu thuẫn hàng hải có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh trên Biển Đông hay không?
Theo SCMP, các tàu thuyền Trung Quốc quấy rối các tàu dân sự của Việt Nam ở Biển Đông gần như “hàng ngày” trong nhiều năm qua. Ngoài Việt Nam, các nước khác ven Biển Đông như Malaysia, Indonesia, Philippines cũng bị Trung Quốc quấy nhiễu.
Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER), Bắc Kinh thường xuyên xâm phạm vùng biển của Việt Nam và các nước ven Biển Đông khác nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc về tài nguyên dầu khí.
Kéo dài từ Singapore và eo biển Malacca ở phía tây nam đến eo biển Đài Loan ở phía đông bắc, Biển Đông là một điểm nóng địa chính trị; và là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới, theo Oilprice.
Biển Đông cũng là nơi có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) ước tính vùng biển này có “chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên”.
Trung Quốc liên tục thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông
Năm 2020, Asia Times đưa tin Trung Quốc đã gây hấn nhằm ngăn cản các dự án phát triển tài nguyên của Việt Nam.
“Tuy nhiên, Việt Nam không phải là nạn nhân duy nhất của Bắc Kinh”, theo Oilprice. Bài báo cho biết hoạt động khoan dầu của Indonesia cũng bị Trung Quốc quấy nhiễu.
Bài báo của Asia Times cho biết Bắc Kinh nhắm đến việc ép buộc tất cả các công ty dầu khí nước ngoài phải rời khỏi Biển Đông; để Trung Quốc trở thành đối tác phát triển chung tiềm năng duy nhất cho các bên tranh chấp trên biển.
Mới đây, theo các báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), Malaysia cũng bị Trung Quốc bắt nạt hàng ngày trong hai năm qua. Công ty dầu khí nhà nước Malaysia Petronas đang phát triển một số mỏ dầu và khí đốt ở bãi cạn Luconia. Tại đây, các tàu Trung Quốc thường lái tàu đi qua theo kiểu gây nguy hiểm và thất thường; với ý đồ là ngăn cản dân thường nhận hợp đồng trong khu vực đó.
“Các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân hàng hải bán quân sự, bao gồm hàng trăm tàu đánh cá dân sự, để giúp thực thi các yêu sách của mình”, tờ SCMP đưa tin.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng những đoàn tàu đánh cá dân sự này không phải do quân đội điều động; mà họ tham gia theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, nhiều cơ quan quản lý khác (bao gồm cả Hoa Kỳ) cho rằng các tàu đánh cá này nằm dưới sự chỉ huy của Hải quân Trung Quốc.
Có thể xảy ra chiến tranh trên Biển Đông không?
Bài báo của Oilprice cho rằng Trung Quốc không có ý định để cho các cuộc mâu thuẫn bùng nổ thành chiến tranh.
“Một cuộc chiến tranh về dầu mỏ ở Biển Đông sẽ cực kỳ tốn kém đối với Trung Quốc, và cuối cùng có thể không đem lại lợi ích tốt nhất cho nước này”, Oilprice viết.
“Việc xâm lược quốc gia khác rất tốn kém; và trong khu vực này, trận chiến có thể dễ dàng biến thành một loại ‘chiến tranh mãi mãi”.
“Và sau đó là thực tế là Trung Quốc có nguy cơ phá hủy chính vùng biển mà họ muốn tuyên bố chủ quyền, gây nguy hiểm cho lượng lớn cơ sở hạ tầng có giá trị của họ.”
Theo Oilprice, có rất nhiều lý do khiến Trung Quốc không nên và có khả năng sẽ không thúc ép các bên tranh chấp bắt đầu một cuộc chiến.
Hơn nữa có nhiều lý do khiến các nước có lực lượng quân sự kém hơn như Malaysia và Indonesia phải nhẫn chịu các hành vi của Trung Quốc nhằm tránh xảy ra chiến tranh trên Biển Đông.
Nhưng các hành vi của Bắc Kinh trong những năm qua đã cho thấy rằng Trung Quốc sẵn sàng thử nghiệm giới hạn chịu đựng của các quốc gia đó, theo Oilprice.