Chiến hạm của 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Australia đồng loạt tham gia diễn tập hải quân ở Biển Đông nhằm phát đi thông điệp thúc đẩy tự do hàng hải và ủng hộ Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Mỹ, Nhật, Australia tập trận tại Biển Đông
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (CPF) ngày 17/3 thông báo về đợt diễn tập giữa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Momsen (DDG 92) của Mỹ cùng chiến hạm của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) và Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) ở Biển Đông kết thúc hôm 15/3. Địa điểm cụ thể của đợt diễn tập không được công bố.
Ngoài tàu Momsen, cuộc tập trận còn có sự tham gia của tàu khu trục Murasame của Nhật Bản, tàu khu trục Arunta của Australia và một chiếc máy bay P-8 của Hải quân Mỹ.
CPF cho biết cuộc diễn tập nhằm giải quyết các ưu tiên và mối quan tâm chung về an ninh hàng hải, tăng cường khả năng tương tác và giao tiếp, đồng thời phát triển các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, cũng như thúc đẩy tự do hàng hải nhằm ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở hơn.
Cuộc diễn tập bao gồm các nội dung tăng cường khả năng tập thể để duy trì an ninh hàng hải và mức độ sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào trong khu vực.
“Cuộc diễn tập ba bên này tái khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa hải quân của chúng ta và nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh và quan hệ đối tác”, trung tá Erik Roberts, sĩ quan chỉ huy tàu Momsen, cho biết.
Liên tục hội nghị thượng đỉnh
Từ tháng 1 đến nay, các nước thuộc “bộ tứ an ninh” gồm Mỹ – Nhật Bản – Australia – Ấn Độ đã thúc đẩy việc tăng cường hợp tác đa phương lẫn song phương, thậm chí cả với các nước ngoài khu vực.
Nhật Bản và Australia hồi tháng 1 đã ký kết Thỏa thuận tiếp cận đối ứng cho phép lực lượng quân sự hai nước có thể tiếp cận cơ sở của nhau. Theo chuyên gia, thỏa thuận này giúp gắn Mỹ vào mạng lưới an ninh hợp tác của khu vực.
Đến tháng 2, hội nghị cấp ngoại trưởng của “bộ tứ” diễn ra tại Canberra đã thông qua tuyên bố chung khẳng định việc cần thiết xây dựng khả năng hồi phục sau đại dịch và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng để không bị Bắc Kinh gây sức ép.
Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 5 của bộ tứ sẽ là bước ngoặt tiếp theo của nhóm này về chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.