“Thật thần kỳ!” – rất nhiều người phải thốt lên như vậy khi đứng trước chiếc cầu thang xoắn ốc trong nhà thờ Loretto thuộc bang New Mexico, Hoa Kỳ.
Nội dung chính
Sơ xuất của vị kiến trúc sư – khởi nguồn cho một huyền thoại
Các tín đồ Thiên Chúa giáo lưu truyền câu chuyện về chiếc cầu thang xoắn ốc như sau: Nhà thờ Loretto thuộc thị trấn Santa Fe đang thi công dang dở, thì vị kiến trúc sư chính đột ngột qua đời. Sau cái chết của ông, người ta cũng bàng hoàng nhận ra ông thiết kế lầu hát nhưng quên không thiết kế cầu thang để lên xuống.
Không gian nhà thờ không đủ lớn nên không thể xây thêm cầu thang theo kích thước tiêu chuẩn. Tuy nhiên họ cần tìm ra cách để lên được lầu hát.
Khi không tìm được giải pháp, các tu sĩ đã cầu nguyện đến Thánh Giuse. Họ cầu nguyện trong chín ngày liên tục. Vào ngày cuối cùng, họ thấy một người thợ mộc cưỡi lừa từ xa đến. Ông mang theo một hộp dụng cụ nhỏ xuất hiện trước nhà thờ.
Người thợ mộc bí ẩn xuất hiện sau nghi thức cầu nguyện
Người thợ mộc chủ động nói với mọi người trong nhà thờ rằng, ông sẽ xây dựng cho họ một chiếc cầu thang như ý nguyện. Với một điều kiện, ông phải được toàn quyền quyết định mọi việc và việc này cần giữ bí mật tuyệt đối. Thêm nữa, ông nói không ai được nhìn trộm trong lúc ông làm việc.
Vì đây là niềm hy vọng duy nhất cho nên mọi người đành đồng ý với ông lão.
Ông lão này ban ngày thì ngủ. Ban đêm, khi người ta đi ngủ thì ông một mình làm việc. Dụng cụ làm việc của ông rất thô sơ, chỉ bao gồm một chiếc thước vuông thợ mộc chuyên dụng và một cái cưa. Tận ba tháng sau, ông mới dựng xong một chiếc cầu thang xoắn ốc bằng gỗ.
Ngay khi chiếc cầu thang hoàn tất thì ông thợ mộc biến mất. Các nữ tu đăng tin tìm ông trên báo để trả tiền công cho ông. Nhưng người ta không thể tìm thấy ông, danh tính của người thợ mộc ấy cho đến ngày nay vẫn không ai biết.
Những người có đức tin cho rằng, chính thánh Giuse – người cha nuôi làm nghề mộc của chúa Giesu, có lẽ ngài đã cảm động trước sự cầu nguyện của con chiên nên hiển linh thi triển Thần tích. Bởi vậy, xong việc, ngài vội vàng ra đi, không cần tiền công, cũng không cầu danh dự.
Trên đây là nội dung câu chuyện thần thoại về nguồn gốc chiếc cầu thang xoắn ốc thần kỳ trong nhà thờ Loretto.
Mặc dù là chuyện xem như thần thoại, tuy nhiên rất nhiều nhà khoa học, khi tận mắt nhìn thấy chiếc cầu thang xoắn ốc này, họ cũng phải thốt lên rằng, đây quả là một kỳ tích trong ngành xây dựng.
Một sự kiện hoàn toàn có thật
Nội dung câu chuyện trên dựa vào một sự kiện có thật diễn ra năm 1852 tại thành phố Santa Fe, bang New Mexico – Hoa Kỳ. Đức cha Jean Baptiste Lamy, giám mục giáo phận Santa Fe, đã cho xây dựng nhà thờ Loretto này. Và ông giao cho 7 nữ tu tại đây nhiệm vụ giám sát công trình.
Người thiết kế là kiến trúc sư Antonio Mouly. Bởi ông là một người Pháp cho nên tổng thể nhà nguyện có một số nét giống Nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhà thờ khởi công đến năm thứ 6, thì vị kiến trúc sư mất. Lúc đó người ta mới phát hiện ra điểm bất thường trong thiết kế là không có cầu thang lên lầu. Các nữ tu đôn đáo đi tìm thợ để sửa chữa nhằm cứu vãn tình thế.
Nhưng tất cả những người thợ mộc tại địa phương đều cho rằng, diện tích nhà thờ quá nhỏ, nếu xây cầu thang sẽ ảnh hưởng đến bố cục. Những ông thợ lành nghề cũng không biết phải xử lý như thế nào.
Họ có đưa ra phương án, chỉ nên dùng một chiếc thang để leo lên. Tuy nhiên, lầu hát cao hơn 6m, làm sao các thành viên dàn hợp xướng với chiếc áo choàng tha thướt của họ có thể trèo lên được? Và người thợ mộc trong câu chuyện kể bên trên đã tìm đến họ. Một mình ông dựng chiếc cầu thang xoắn ốc trong vòng 3 tháng.
Chiếc cầu thang thần kỳ
Thành phẩm của ông lão vô danh là một chiếc cầu thang gồm 33 bậc được ghép hoàn toàn bằng gỗ. Dù chỉ có 33 bậc nhưng xoắn đến 2 vòng.
Để giải thích vì sao cầu thang lại xoắn 2 vòng, các nhà nghiên cứu cho rằng: vòng tròn xoắn ốc nhỏ không chỉ tiết kiệm diện tích mà còn khởi tác dụng như một chiếc cột trụ. Cho nên những chiếc cầu thang thông thường cần có cột trụ, chiếc cầu thang này thì không cần.
Vào ngày khánh thành nhà thờ, những người đến tham dự thì tất thảy đều kinh ngạc trước chiếc cầu thang xoắn ốc kỳ lạ này.
Kỹ thuật ghép mộng âm- dương từ phương Đông
Đối với các kiến trúc sư phương Tây, cách thức dựng nên chiếc cầu thang này là một bí ẩn. Tuy nhiên, đối với người phương Đông, thì cơ bản họ có thể nhận ra, người thợ mộc đã dùng phương pháp ghép mộng âm – dương.
Ông lão đã ghép nối các thành phần lại với nhau không thông qua vật trung gian như keo dán, đinh ốc… Gỗ tốt trường tồn hàng trăm năm, nhưng đinh sắt dễ bị gỉ sét. Dùng mối ghép âm dương vừa đảm bảo kết cấu dẻo dai, bền chặt, vừa duy trì được khối kiến trúc trong khoảng thời gian dài.
Điểm đặc trưng của những kiến trúc được tạo nên bằng phương pháp ghép mộng như sau: dù là cung điện rộng lớn, dù là ngôi chùa cao vút lên hay cây cầu bắc qua sông…vv… các mối nối thông minh khít khao, chúng chịu lực tải lớn, tạo nên kết cấu dẻo dai và đặc biệt chắc chắn.
Điều đáng ngạc nhiên là theo như nghiên cứu của các nhà khoa học, những thợ mộc thời cổ đại không biết về hình học. Nếu quả thực như vậy, thì làm thế nào họ thiết kế được các cấu trúc tầm cỡ tuân thủ đúng nguyên tắc về hình học và cơ học vật lý như thế được?
Người ta chỉ có thể hiểu rằng, trí tuệ của người xưa quả là không như những gì chúng ta từng tưởng tượng.
Kiến trúc nổi tiếng nhất về sử dụng mối ghép mộng âm – dương phải kể đến là Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Khu phức hợp cung điện này vẫn trụ vững dù đã trải qua hơn 200 cơn địa chấn lớn nhỏ trong suốt 600 năm.
Bí ẩn nguồn gốc vật liệu dựng cầu thang
Phương pháp dựng cầu thang thì con người có thể lý giải. Tuy nhiên nguồn gốc của vật liệu dựng cầu thang là điều không ai có thể hiểu nổi. Các bậc thang nhà nguyện Loretto được làm từ gỗ vân sam. Tuy nhiên, người ta không thể xác định được nó thuộc về loài cây nào. Số sỗ vân sam này cũng không có xuất xứ từ bản địa.
Địa điểm gần New Mexico nhất có loại gỗ này là ở Alaska. Khoảng cách giữa hai nơi đến tận đến 6.000km. Ai đã mang nó đến nhà nguyện cho ông lão và họ mang đến bằng cách nào? Điều này thật quá huyền hoặc.
Có thể nói, sự tồn tại của chiếc cầu thang này giống như một câu chuyện thần thoại nhưng là một thần thoại có thật.
Các bạn nghĩ sao về chiếc cầu thang xoắn ốc thần kỳ này? Liệu có phải một bậc thánh đã dựng nên hay chỉ là một người thợ thông thường giàu kinh nghiệm?
Nguồn: DKN/Công giáo và Dân tộc
Có thể bạn quan tâm: