Dịch Covid-19 bùng phát khiến vợ chồng anh Hạnh (làm nghề lượm ve chai, bán vé số) cùng hai đứa con nhỏ lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
- Người đàn ông vô gia cư đã tìm được việc làm nhờ sự giúp đỡ của những người xa lạ
- Người đàn ông nhặt ve chai thay đổi sau khi được chàng trai lạ đưa đi cắt tóc
- Giúp công nhân vượt dịch Covid-19, chủ trọ ở Bắc Giang giảm 100% tiền phòng
Cách đây vài ngày, hình ảnh gia đình 4 người phải lang thang, ngủ ngay trên vỉa hè ở đường phố Sài Gòn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội khiến nhiều người xem xót xa.
Câu chuyện xảy ra với gia đình anh Hạnh (58 tuổi), chị Bé Tư (34 tuổi) làm nghề bán vé số, lượm ve chai dạo. Gần một tháng nay, tối nào vợ chồng anh chị cũng phải dắt díu hai con nhỏ một bé lớn 14 tháng tuổi và một bé nhỏ 2 tháng tuổi lang thang, đi ngủ ở khắp ngõ ngách Sài Gòn này.
Sống dưới những mái hiên nhà người
Chia sẻ với Ngôisao.net về hoàn cảnh của mình, anh Hạnh nói: “Trước đây, hai vợ chồng tôi bán vé số, lượm ve chai kiếm sống qua ngày, tạm đủ ăn. Nhưng từ ngày vợ sinh con, tiền bệnh viện nhiều cộng thêm Covid-19 đến khiến hai vợ chồng không kịp xoay xở để trả tiền trọ nên bị người ta đuổi ra ngoài”.
Cực chẳng đã, anh thử tìm đến nhà chùa để xin tá túc nhưng các chùa đều đóng cửa do quy định về việc tạm dừng hoạt động các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khoảng 2 tháng nay.
Vì đường cùng nên vợ chồng anh đành để các con theo mình lang thang ngoài đường. Ban ngày, anh tìm kiếm việc làm, tìm các tổ chức phát cơm từ thiện, tối đến, cả nhà lại trông chờ vào các hộp cơm của mạnh thường quân phát cho người vô gia cư.
“Nói về vất vả thì nhiều lắm. Gần như chúng tôi lang thang ngoài đường nhưng cũng không gặp được mấy ai để bán vé số. Ngày qua ngày, hai vợ chồng chỉ còn cách ôm con nhỏ mà không làm được gì. May là hai con cũng ngoan, không quấy khóc.
Cả nhà nói chung bữa đói, bữa no, có hôm được người ta cho 100.000 – 200.000 đồng, có hôm người ta cho chúng tôi cơm, hôm thì bánh mì, bánh bao” anh kể.
Mong sớm hết dịch để đi bán vé số, lượm ve chai trở lại
Cả hai đứa trẻ đều còn quá bé để phải theo bố mẹ rong ruổi mưu sinh. Vợ chồng anh Hạnh cũng chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, có cơm ăn, áo mặc hay không. Giờ họ chỉ mơ về một hôm nào đó các con có giấc ngủ ngon trên một chiếc giường đoàng hoàng.
“Đứa lớn hơn đã 14 tháng tuổi rồi nhưng chưa biết đi, hôm nào có chút tiền thì tôi mua cháo dinh dưỡng cho con, hôm không có thì con ăn tạm mẩu bánh bao mà người ta phát cho cả nhà. Còn bé nhỏ vẫn đang bú sữa mẹ”, anh Hạnh ngậm ngùi.
Cách đây khoảng một tuần, một mạnh thường quân biết được hoàn cảnh của gia đình anh Hạnh. Người này đã trực tiếp liên hệ với anh và chủ nhà trọ, sau đó tặng anh 4,2 triệu đồng tiền mặt để chi trả hết tiền nhà trọ trong một tháng.
Đồng thời tặng anh thêm 800.000 đồng để cả nhà tạm xoay xở qua mùa dịch. Vì thế, cả gia đình 4 người đã có chỗ để che nắng che mưa và hai con nhỏ không phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”.
Nói về dự tính của mình, anh Hạnh cho hay: “Chúng tôi đã tạm đủ ăn nhưng chưa biết tình hình những ngày tới sẽ thế nào. Khi nào hết dịch, chúng tôi sẽ đi bán vé số, đi lượm ve chai trở lại”.
Điều mà gia đình anh mong mỏi nhất hiện tại cũng giống như những người dân khác, đó là cuộc sống sớm trở lại bình thường, về quỹ đạo vốn có trước khi Covid-19 xuất hiện.
Người vô gia cư nhọc nhằn chờ bữa ăn khi TP giãn cách
Những ngày Sài Gòn bị giãn cách, cuộc sống những người vô gia cư càng thêm phần cơ cực. Tối ngày 12/7, những con đường từng sầm uất nhất của Sài Gòn mang vẻ tĩnh lặng và im lìm. Dọc các dãy phố lớn như Hai Bà Trưng (quận 3), Trần Khánh Dư (quận 1) hay Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), tất cả cửa hàng đều đóng sập cửa.
Số phận của người nghèo trên những con đường ấy cũng đang nhọc nhằn hơn bao giờ hết. Họ là những người vô gia cư, bán vé số hoặc nhặt ve chai. Cuộc sống của họ thường nhật đã rất khó khăn, giờ lại vất vả bội phần.
Chú Chơn (61 tuổi) trải manh chiếu cũ xuống vỉa hè đường Trần Khánh Dư (quận 1). Chú coi đó là ngôi nhà của mình, dù mưa hay nắng vẫn bám trụ để mưu sinh.
Trước đây, chú Chơn làm phụ việc tại một quán hủ tiếu. Giờ đây quán đóng cửa, chú vẫn ở gần chờ hết giãn cách xã hội sẽ quay lại làm việc.
“Tôi không có nhà cửa, cũng không có vợ con. Tôi không buồn gì cả, chỉ mong hết dịch rồi quay lại quán làm việc thôi”, chú Chơn chia sẻ với Zing.
Nói rồi chú lấy trong túi áo ra 2 tấm phiếu ăn. Chú kể rằng được mạnh thường quân tặng, cứ 10h mỗi ngày sẽ đến Nhà thờ Tân Định nhận cơm trưa. Còn bữa tối, chú ở vỉa hè chờ đợi những nhóm thiện nguyện đi qua. Nếu may mắn gặp gỡ, chú sẽ được một bữa no bụng.
“Giờ tôi ngồi đây để chờ được tặng đồ ăn, đêm tôi vào trong hẻm ngủ để ấm cúng hơn”, chú nói.
Cùng hoàn cảnh như chú Chơn, chú Vũ (63 tuổi) và chú Minh (59 tuổi) cũng ngồi sát lề đường Hai Bà Trưng (quận 3) để chờ đợi những mạnh thường quân đi qua phát cơm hoặc đồ ăn.
Hai chú vốn không phải ruột rà nhưng cùng làm nghề nhặt ve chai, trong những lúc khó khăn này đã cố gắng nương tựa vào nhau để cuộc sống bớt cô quạnh.
“Chúng tôi cứ đi, tối đến đâu thì ngủ ở đó. Từ ngày giãn cách xã hội các đại lý ve chai không mở cửa thu mua nữa nhưng chúng tôi vẫn nhặt, chờ khi nào họ mở cửa lại thì bán lấy tiền”, chú Vũ kể với Zing.
Con đường Hai Bà Trưng dài khoảng 3km có đến hàng chục người vô gia cư ngồi, nằm rải rác dưới những mái hiên.