Mục điểm tin trên các trang báo tối 7/7 có các nội dung chính sau

  • Ông Nguyễn Thanh Long làm quyền Bộ trưởng Y tế
  • Nguyên phó phòng VKS bị bắt
  • Covid-19 chưa qua, Liên Hiệp Quốc cảnh báo về đại dịch tiếp theo
  • Người Trung Quốc bất ngờ với smartphone 5G Việt Nam
  • “Khảo sát 1 người”  ở Sở Công thương Đà Nẵng
  • Ấn Độ không tham gia bất kỳ hiệp định thương mại nào có Trung Quốc
  • Nga phòng bị sau ca nhiễm “cái chết đen” ở Trung Quốc
  • Mỹ cân nhắc cấm Tiktok

Sau đây là nội dung chi tiết:

(Tuổi Trẻ) – Ông Nguyễn Thanh Long làm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

Sau hơn 8 tháng ghế bộ trưởng Bộ Y tế trống do bà Nguyễn Thị Kim Tiến được điều chuyển, hôm nay 7/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định giao ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, làm quyền bộ trưởng bộ này.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Ông Nguyễn Thanh Long sinh năm 1966, quê Nam Định, là giáo sư – tiến sĩ y khoa, chuyên về bệnh truyền nhiễm.

Ông Long đảm nhiệm vị trí thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 2012 trước khi chuyển sang làm phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương từ năm 2018.

Từ 31/1/2020, ông Long được điều trở lại Bộ Y tế làm thứ trưởng và sau đó được giao nhiệm vụ là thứ trưởng thường trực. Ông có vai trò đáng kể trong phòng chống dịch COVID-19.

(VnExpress) – Nguyên phó phòng VKS bị bắt

Trịnh Minh Châu, nguyên phó phòng kiểm sát, khiếu tố của VKSND tỉnh Đồng Nai bị bắt với cáo buộc lừa nhiều người mua dự án “ma”.

Ông Châu bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an Đồng Nai cho biết ngày 7/7.

Trước đó, nhiều người trình báo, hai năm trước ông Châu lợi dụng mối quan hệ kêu gọi góp vốn mua bán đất dự án. Tin tưởng ông này làm ở VKS, họ đã đưa tiền để đặt cọc hoặc góp vốn nhưng sau đó không được cung cấp giấy tờ pháp lý hay vị trí các thửa đất đã mua.

Công an Đồng Nai xác định ông Châu có dấu hiệu lừa đảo hơn 5 tỷ đồng của các nạn nhân.

(Thanh Niên) – Covid-19 chưa qua, Liên Hiệp Quốc cảnh báo về ‘đại dịch tiếp theo’

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc ngày 7/7 đưa ra báo cáo cảnh báo rằng Covid-19 chỉ là một ví dụ cho thấy xu hướng ngày càng có nhiều bệnh lây từ động vật, đồng thời cảnh báo về “đại dịch tiếp theo” và đưa ra các khuyến cáo quan trọng.

Theo báo cáo, các bệnh lây từ động vật sẽ còn xuất hiện nếu con người không tăng cường nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã và môi trường. Sự thờ ơ đối với các bệnh này khiến 2 triệu người tử vong hằng năm, trong khi kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại đến 9.000 tỉ USD trong 2 năm vì Covid-19.

(VnExpress)- Người Trung Quốc bất ngờ với smartphone 5G Việt Nam

Chủ đề “Việt Nam sản xuất smartphone 5G đầu tiên” đang thu hút sự chú ý của người dùng Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Các bài viết liên quan đang có hơn 6,3 triệu lượt quan tâm và gần 7 nghìn lượt bình luận.

Phần lớn người dùng tại Trung Quốc bất ngờ khi có một thương hiệu Việt Nam sản xuất được smartphone 5G. Nhiều người nói đây là lần đầu tiên họ nghe nói về công nghệ bảo mật bằng điện toán lượng tử và cũng muốn trải nghiệm thử. Số khác nói thiết kế của Vsmart Aris 5G không quá đặc biệt, nó giống nhiều mẫu di động của Trung Quốc. “Trông model này không khác nhiều smartphone của Huawei hoặc Xiaomi. Việc lắp ráp điện thoại bây giờ đã dễ hơn nhiều”, một tài khoản bình luận.

Không ít người tỏ ra bất ngờ vì Việt Nam đã triển khai công nghệ 5G. “Vậy là họ đang đi cùng thế giới, không còn đi sau nữa. Chúc mừng Việt Nam, tôi khá bất ngờ về thông tin này, có vẻ ngành công nghiệp của họ đang phát triển rất nhanh”, tài khoản có tên Yang Xiao viết.

(Thanh Niên) – ‘100% công dân không hài lòng thái độ công vụ’: Sở Công thương Đà Nẵng nói gì?

Trước việc Ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng công bố thông tin ‘100% không hài lòng với thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận’, Sở Công thương vừa có phản hồi.

Theo Sở Công thương, số liệu này chưa chính xác, bởi Ban Pháp chế sử dụng kết quả tại phần mềm khảo sát trực tuyến www.cchc.danang.gov.vn từ ngày 1/1 – 25/62020, giai đoạn này Sở Công thương chỉ có 1 công dân đánh giá mức độ hài lòng vào ngày 3/3/2020 và đánh giá kết quả là “chưa hài lòng”.

Phía Sở nói, chỉ căn cứ vào 1 đánh giá của công dân trên phần mềm khảo sát để xác định tỷ lệ 1 đánh giá chưa hài lòng/tổng số 1 đánh giá (tương đương với 100% đánh giá) là số liệu chưa đảm bảo yêu cầu về tính khoa học, chưa khách quan, chưa mang tính đại diện…

Ảnh chụp mành hình báo Thanh Niên

Dưới bài viết này, đã có nhiều độc giả để lại bình luận trái chiều:

“Hài không chịu được 1/1 = 100% với Ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng, các vị cần xem lại cách làm việc và thẩm định lại thông tin trước khi công bố và cũng nên công khai xin lỗi trước công luận”, người ký tên Anh lái tàu họ Nhạc bình luận.

“Chỉ có một người vào đánh giá trong vòng một tháng, có nghĩa là phần còn lại họ chán chẳng buồn tham gia, điều này còn nặng nề hơn với những con số % kia ông ạ!”, độc giả Bảo Trần Quốc bày tỏ.

(Truyền thông Mỹ) – Ấn Độ không tham gia bất kỳ hiệp định thương mại nào có Trung Quốc

Mới đây, quan chức chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết họ sẽ không tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ông cũng nói rằng ông sẽ không gia nhập vào bất kỳ hiệp định thương mại nào có Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham gia.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do cấp cao bao gồm tổng cộng 16 quốc gia do 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khởi xướng và có 6 quốc gia khác có các hiệp định thương mại tự do với ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ. Các cuộc đàm phán đã hoàn tất vào ngày 4/11/2019. Trung quốc đã tích cực thúc đẩy thỏa thuận này, nhưng Ấn Độ tuyên bố rút lui vào năm ngoái.

Một quan chức cấp cao của Ấn Độ nói rằng New Delhi đã quyết định không tham gia bất kỳ thỏa thuận thương mại nào có Bắc Kinh tham gia là thành viên. Một quan chức khác nói rằng Thủ tướng Modi đã đưa ra một kế hoạch kinh tế đặc biệt ‘Ấn Độ tự cung tự cấp’ (Admanirbar Bharat) vào tháng 5. Mục tiêu kế hoạch hy vọng sẽ tăng cường công nghiệp sản xuất của Ấn Độ và sử dụng các sản phẩm nội địa của Ấn Độ.

(Zing News) – Nga phòng bị sau ca nhiễm “cái chết đen” ở Trung Quốc

Nga đang tăng cường tuần tra để ngăn chặn hoạt động săn bắn sóc marmot tại khu vực biên giới giữa nước này với Trung Quốc và Mông Cổ.

Nga đưa ra quyết định trên trong bối cảnh Trung Quốc và Mông Cổ đang ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh dịch hạch có nguồn gốc từ động vật hoang dã, theo The Guardian.

Nga đang tăng cường tuần tra để ngăn chặn hoạt động săn bắn sóc marmot tại khu vực biên giới (ảnh: National Geographic).

Trước đó một ngày, chính quyền thành phố Bayan Nur thuộc khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) đã phát cảnh báo sau khi ghi nhận một ca nhiễm dịch hạch – còn gọi là “cái chết đen”.

(Zing News) – Mỹ cân nhắc cấm cửa TikTok và các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc

Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn ngày 6/7 với biên tập viên Laura Ingraham của Fox News, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh chính phủ Mỹ “đang xem xét rất nghiêm túc” khả năng cấm cửa những ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc.

“Liên quan đến các ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại mọi người, tôi có thể cam đoan với cô rằng Mỹ sẽ xử lý ổn thỏa luôn, Laura ạ”, ông Pompeo phản hồi sau khi biên tập viên Laura Ingraham hỏi về khả năng cấm ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, “cụ thể là TikTok”.

“Tôi không muốn nói sớm hơn tổng thống, nhưng vấn đề đó đang được chúng tôi nghiên cứu”, ông Pompeo tiết lộ.

Ảnh minh họa.

Ngoại trưởng Mỹ còn mỉa mai rằng chỉ những ai “muốn thông tin cá nhân của mình rơi vào tay Trung Quốc” mới dám tải ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc về điện thoại, theo CNN.