Cập nhật tối 19/7: Trung Quốc cho nổ đập để xả lũ; Thủ phủ Tân Cương kích hoạt chế độ ‘thời chiến’
Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo tối 19/7 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau
- Bình Phước: Cháu bé mổ lấy nẹp tay nhưng bị hôn mê nguy kịch đã tử vong
- 21 người Trung Quốc bỏ chạy khỏi khu lưu trú: Âm tính qua xét nghiệm lần 1
- Tuyển thầu làm nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số
- Mỹ có thể “giáng đòn” các công ty Trung Quốc liên quan yêu sách Biển Đông
- Trung Quốc cho nổ đập để xả lũ trong khi số người thiệt mạng gia tăng
- Thủ phủ Tân Cương kích hoạt chế độ ‘thời chiến’
Sau đây là nội dung chi tiết:
(Lao Động) – Bình Phước: Cháu bé mổ lấy nẹp tay nhưng bị hôn mê nguy kịch đã tử vong. Sáng 19/7, gia đình anh Lữ Xuân Thủy (ngụ huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) cho biết tin con trai mình là L.Đ.P.C (7 tuổi) đã không thể qua khỏi sau 4 ngày cấp cứu tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo anh Lữ Xuân Thủy, đầu tháng 4/2020, cháu C bị gãy tay trái, được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước và được chẩn đoán bị gãy kín trên lồi xương cánh tay trái/vỡ hố khuỷu trái.
Sau đó cháu được phẫu thuật nắn chỉnh bằng 3 cây đinh, đến ngày 8/4/2020 thì được xuất viện với sức khỏe bình thường. Ngày 14/7, cháu C được người nhà đưa đến BVĐK Bình Phước để tiến hành mổ tháo đinh nẹp ở tay. Đến 15h chiều cùng ngày, gia đình có hỏi bác sỹ thì được biết cháu đang hôn mê, rối loạn nhịp tim, đang trong tình trạng nguy kịch. Gia đình sau đó đã chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 – TP. Hồ Chí Minh để điều trị nhưng không qua khỏi.
(Tuổi Trẻ) – 21 người Trung Quốc bỏ chạy khỏi khu lưu trú: Âm tính qua xét nghiệm lần 1. Chiều 19/7, giám đốc Sở Y tế Quảng Nam – cho biết ngành y tế đã lấy mẫu dịch của 21 người Trung Quốc này để xét nghiệm và chiều nay có kết quả, tất cả đều âm tính với Covid-19.
Trước đó, vào chiều 18/7, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất một biệt thự du lịch tại khối phố Hà My Đông A (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn).
Khi thấy lực lượng chức năng tới, hàng chục khách đang có mặt trong khu lưu trú này bỏ chạy tán loạn, nhiều người trốn bằng cửa sau thoát vào vườn của người dân.
Sau đó, người dân cùng lực lượng chức năng phối hợp tìm và đưa những người này vào khu cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
(Thời Báo Mỹ) – Tuyển thầu làm nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số. Theo báo cáo cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV), hai dự án đang chuẩn bị các bước đầu tư gồm Dự án nhiệt điện Na Dương 2 công suất 110 MW và Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 công suất 2×600 MW.
Ngày 6/1/2020, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án nhiệt điện Na Dương 2, đóng thầu vào ngày 8/4.
Hiện dự án đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc, theo Ban Chỉ đạo quốc gia.
Với dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam.
Theo TKV, nếu lựa chọn được nhà đầu tư và được Thủ tướng chấp thuận vào cuối năm 2020, dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có thể hoàn thành, đưa vào vận hành vào năm 2026-2027.
(Dân Trí) – Mỹ có thể “giáng đòn” các công ty Trung Quốc liên quan yêu sách Biển Đông. Ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, tuần này đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng các công ty nhà nước để “bắt nạt” các nước láng giềng trong khu vực nhằm đảm bảo trữ lượng khoáng sản và dầu mỏ.
Theo ông Stiwell, Mỹ có thể đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức và doanh nghiệp có liên quan tới hoạt động trên của Trung Quốc.
Bắc Kinh bị chỉ trích mạnh mẽ vì hành động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa trái phép tại Biển Đông. Các công ty nhà nước Trung Quốc đã tham gia tích cực vào những hoạt động phi pháp này.
(Thời Báo Mỹ) – Trung Quốc cho nổ đập để xả lũ trong khi số người thiệt mạng gia tăng. Theo hãng tin AP, ngày 19/7, giới chức miền trung Trung Quốc đã cho nổ một con đập để xả nước lũ trong bối cảnh lũ lụt đang lan rộng và cướp đi nhiều sinh mạng.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết con đập trên sông Chuhe ở tỉnh An Huy đã bị phá hủy bằng chất nổ vào sáng sớm Chủ nhật, nhằm giảm mực nước lũ 70 cm.
Mực nước trên nhiều con sông ở Trung Quốc đang dâng cao bất thường, bao gồm cả sông Dương Tử, vì những cơn mưa xối xả kéo dài.
Tuần trước, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã mở ba cửa xả lũ trong khi mực nước trong hồ chứa đạt 160 mét, vượt quá cảnh báo lũ hơn 15 mét. Dự kiến, một đỉnh lũ khác sẽ đến đập Tam Hiệp vào thứ ba tuần sau (ngày 21/7).
Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc cảnh báo, đợt mưa lũ số hai trên sông Dương Tử sẽ còn mạnh hơn đợt lũ hồi đầu tháng 7. Trung Quốc hiện đang đối mặt với nguy cơ lũ chồng lũ, vỡ đê trên diện rộng.
(VnExpress) – Thủ phủ Tân Cương kích hoạt chế độ ‘thời chiến’. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV ngày 19/7 dẫn lời các quan chức Urumqi trong cuộc họp báo cùng ngày cho biết thành phố đã đình chỉ các cuộc tụ tập và yêu cầu cộng đồng không tới thăm nhà người khác.
Chính quyền Urumqi cũng kêu gọi người dân không di chuyển ra ngoài thành phố nếu không cần thiết và yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với bất cứ ai rời đi nhằm ngăn virus lây lan.
Chính quyền Tân Cương cho biết trên Weibo cùng ngày rằng tất cả các ca nhiễm mới và ca nhiễm không triệu chứng trong khu vực gần đây đều được báo cáo từ thủ phủ Urumqi.