Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia ngày càng bộc lộ rõ nét, trong đó có hoạt động kiểm soát và áp chế người dân thực thi quyền dân chủ.
Nikkei Asian Review đưa tin, giới chức Campuchia công khai thừa nhận họ tìm cách dập tắt các cuộc biểu tình ôn hòa quy mô nhỏ để trấn áp một cuộc nổi dậy lớn hơn.
Tờ báo Nhật Bản cho biết: “Trong quyết tâm loại bỏ những ý kiến bất đồng từ người dân, chính quyền Campuchia đã nhắm vào các cuộc biểu tình nhỏ của các nhà hoạt động thanh niên, các nhà vận động vì môi trường và thành viên gia đình của các chính trị gia đối lập bị bỏ tù”.
Nikkei cho biết ít nhất 24 nhà hoạt động Campuchia đã bị bắt kể từ ngày 31/7. Điển hình là một phụ nữ bị nắm tóc và kéo vào chiếc Lexus màu đen không biển số, trong khi một người khác bị bắt khi rời khỏi tòa nhà Liên Hợp Quốc, nơi cô tìm chỗ ẩn náu. Các nhà quan sát nhân quyền cho biết cảnh sát cũng bắt giữ một nhà sư Phật giáo vì biểu tình và hai rapper trẻ vì các ca khúc của họ có đề cập đến chính trị.
Phát ngôn viên của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền Sok Eysan nói với Nikkei Asian Review rằng “biểu tình nhỏ hay biểu tình lớn, chúng tôi sẽ bắt giữ tất cả nếu họ làm trái luật”.
Trong một tuyên bố trong tháng 9, người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, bà Ravina Shamdasani, bày tỏ lo ngại về tình hình nhân quyền ở Campuchia
Bà Shamdasani nói: “Tình hình hiện nay đánh dấu sự không khoan dung của chính phủ (Campuchia) đối với người bất đồng chính kiến và tình trạng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, tụ tập và hội họp một cách hòa bình”.
Khoảng cách xã hội ở Campuchia ngày càng tăng
Làn sóng biểu tình phản đối chính quyền Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gia tăng, đặc biệt kể từ khi dịch virus corona bùng phát. Nikkei cho biết “đại dịch COVID-19 đã phơi bày sự mong manh và phân bổ của cải không đồng đều” ở Campuchia, vốn đã đeo bám nền kinh tế nước này trong hơn 35 năm cầm quyền của ông Hun Sen.
Ngược lại, khối tài sản khổng lồ của một nhóm nhỏ tầng lớp lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp đã được tích lũy do nạn tham nhũng diễn ra tràn lan, theo Nikkei.
“Họ phát triển đất nước nhưng đó là cho các gia đình chính phủ, không phải cho người dân Campuchia”, nhà hoạt động Lim Kimsor nói với Nikkei. “Người giàu thậm chí còn trở nên giàu hơn và người nghèo lại nghèo đi.”
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia gia tăng
Các nhà quan sát lo ngại Campuchia tăng cường tiếp nhận ảnh hưởng từ Trung Quốc khi ông Hun Sen theo đuổi kế hoạch kéo dài những năm tháng cầm quyền của ông ở xứ sở chùa tháp.
Nikkei hôm 2/9 đưa tin Campuchia có kế hoạch xây dựng bức tường lửa kiểm duyệt internet tương tự Trung Quốc.
Tháng 7/2019, tạp chí Phố Wall (WSJ) tiết lộ thông tin cho biết Campuchia đã có thỏa thuận cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia, gần biên giới với Việt Nam.
Chính phủ Mỹ hôm 15/9 tuyên bố trừng phạt một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc vì vai trò của công ty này trong việc gây ra tình trạng “mục ruỗng” ở Campuchia. Theo thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ, tập đoàn Union Development Group bị đưa vào “danh sách đen” do các hoạt động liên quan tới dự án xây dựng sân bay Dara Sakor ở Campuchia, dự án lớn nhất trong Sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc.
Hôm 2/10, thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết Campuchia đã phá hủy một tòa nhà quân sự do Mỹ tài trợ. Động thái này khiến Campuchia bị nghi ngờ là đang “dọn đường” đón quân đội Trung Quốc.
Campuchia là đồng minh thân cận của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Tháng 7/2016, khi Bắc Kinh đối mặt với sức ép phải tuân thủ Phán quyết Biển Đông, Campuchia đã lên tiếng ủng hộ yêu sách phi pháp của Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng Thủ tướng Hun Sen có xu hướng kết thân với Trung Quốc sau khi phương Tây chỉ trích ông về hồ sơ nhân quyền trong hơn 30 năm cầm quyền ở Campuchia.