Dường như mỗi tuần đều có các bản tin khác nhau về những tranh chấp nhỏ leo thang thành bạo lực cực đoan, hoặc thậm chí là sát nhân.
Tất cả chúng ta đều từng đọc được các tiêu đề gây sốc như, “Người đàn ông bị truy tố vì tội cố ý sát hại đồng nghiệp bằng cờ lê,” hay “Mâu thuẫn hàng xóm dẫn tới việc tấn công người khác bằng máy cắt cỏ.”
Chúng ta có thể suy nghĩ một cách tự mãn rằng, “Làm sao mà người ta có thể điên rồ và mất lý trí tới vậy nhỉ?”. Tất nhiên, đây là những ví dụ cực đoan. Nhưng, tất cả chúng ta đều có thể trải qua việc mất kiểm soát ở một thời điểm nào đó, dù chỉ là lời nói gay gắt với người phối ngẫu hay là lời mắng mỏ người lái xe đã cắt đầu xe chúng ta.
Thật dễ dàng để đổ lỗi hay trút giận lên người khác, tuy nhiên, người Trung Hoa xưa có một cách khác để giải quyết những căng thẳng xã hội tất yếu trong cuộc sống: đó là lòng khoan dung.
Tư tưởng này cho rằng, khi bạn để người khác làm xáo trộn sự bình an nội tâm của mình nghĩa là bạn đã trao cho họ quá nhiều quyền lực. Tốt hơn hết là hãy tha thứ cho lỗi lầm của người khác và cảm thông cho những khuyết điểm trong con người họ. Việc thể hiện lòng khoan dung cũng có thể có tác dụng chuyển biến người khác vì hành động đó đã chạm đến trái tim họ, hoặc thậm chí là giúp nâng cao đạo đức xã hội. Đồng thời, nếu bạn có thể giữ được tâm hòa ái khi đối diện với sự bất công thì bạn vẫn là người làm chủ lãnh địa của riêng mình và bảo trì được nội tâm bình hòa nguyên vẹn.
Dưới đây là một số giai thoại về tấm lòng khoan dung vĩ đại từ văn hóa Trung Hoa truyền thống. Những câu chuyện này có thể truyền cảm hứng cho bạn vào lần tới, nếu đồng nghiệp lỡ lấy trộm bữa trưa của bạn trong tủ lạnh văn phòng.
Nội dung chính
Phải làm gì khi người hàng xóm phá hoại khu vườn của bạn … cách ứng xử của người Trung Hoa xưa.
Tống Tựu là một huyện lệnh ở nước Lương trong Thời Chiến Quốc (năm 722 TCN đến năm 481 TCN) ở Trung Quốc cổ đại. Giáp với nước Lương là nước Sở, và biên giới giữa hai nước được đánh dấu bằng một cột mốc. Nông dân trồng dưa của mỗi nước đều canh tác trên mảnh đất phía bên nông trang của mình. Người nước Lương cần cù siêng năng và thường xuyên tưới tiêu cho ruộng dưa, vì vậy mà dưa của họ lớn và phát triển tươi tốt. Còn người nước Sở lại lười biếng. Họ hiếm khi tưới nước cho ruộng dưa nên dưa của họ nhỏ và teo tóp. Vì ganh ghét, một đêm nọ người nước Sở đã trèo sang phía bên kia và dẫm nát những giàn dưa của người Lương, làm gãy nhiều dây leo. Ngày hôm sau, khi người Lương phát hiện ra thiệt hại, họ rất tức giận và báo lên huyện lệnh Tống để tìm cách trả thù. Quan Tống lắc đầu và nói, “Chúng ta không nên làm vậy. Gây thù chuốc oán chỉ rước họa vào thân. Ăn miếng trả miếng là hẹp hòi.”Ad
Thay vào đó, quan Tống đã nghĩ ra một kế: Một nhóm người Lương sẽ được cử đi để bí mật tưới nước cho vạt dưa của người nước Sở hằng đêm. Nhưng đó phải là một bí mật, ông nhấn mạnh; không ai được nói với người nước Sở.
Sáng hôm sau, khi người nước Sở ra ngoài kiểm tra cây trồng thì phát hiện ruộng dưa đã được tưới nước. Nhờ sự giúp đỡ âm thầm của người Lương, giàn dưa của nước Sở ngày một phát triển tươi tốt. Người nước Sở nghĩ điều này thật kỳ lạ và bắt đầu điều tra. Khi họ phát hiện ra người Lương đã giúp đỡ mình thì rất cảm động và bẩm báo [sự việc] lên triều đình.
Vua nước Sở sau đó đã xin lỗi người nước Lương bằng những món quà hậu hĩnh, cam kết mối bang giao giữa hai nước. Nước Lương và Nước Sở sau đó đã phát triển một liên minh lớn mạnh và lâu dài.
Suốt nhiều thế kỷ, người ta luôn ghi nhớ trí tuệ và tấm lòng độ lượng của Tống Tựu, và câu chuyện về cách ông đáp trả một hành động gây hại bằng một hành động tử tế được lưu truyền qua nhiều thời đại.
Giải quyết tranh chấp đất đai như vị tể tướng Trung Hoa thời xưa
Ở huyện Đồng Thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc, có một con ngõ nổi tiếng dài khoảng 100 mét và rộng 2 mét. Nó được gọi là “Con đường 6 thước,” và có một câu chuyện đẹp đằng sau đó.
Trương Anh là viên quan nổi tiếng sống vào Thời nhà Thanh, sinh ra ở huyện Đồng Thành. Cạnh nhà ông là một mảnh đất trống và người hàng xóm đã xây một bức tường trên đó để tuyên bố quyền sở hữu. Gia đình ông Trương đã tranh chấp với người hàng xóm về bức tường này mà vẫn chưa ngã ngũ.
Khi đó, ông Trương đang là tể tướng và sống ở kinh thành. Các thành viên trong gia đình đã gửi cho ông một bức thư yêu cầu ông can thiệp vào vụ tranh chấp đất đai này. Sau khi ông Trương đọc bức thư, ông đã viết một bài thơ ngắn để trả lời:
一紙書來隻為牆,
讓他三尺又何妨。
萬里長城今猶在,
不見當年秦始皇。
Phiên âm:
Nhất chỉ thư lai chích vi tường,
Nhượng tha tam xích hựu hà phương.
Vạn Lý Trường Thành kim do tại,
Bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng.
Tạm dịch:
Một bức thư đến chỉ vì một bức tường,
Nhường họ ba thước ngại gì đâu.
Vạn Lý Trường Thành vẫn còn đó,
Mà Tần Thủy Hoàng nay đâu còn.
Vạn Lý Trường Thành được xây dựng theo lệnh của hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần, khoảng 2,000 năm trước triều đại nhà Thanh. Khi nhắc đến sự kiện lịch sử này, Trương Anh muốn nhắn nhủ với gia đình ông rằng, cuộc sống quá ngắn ngủi và quý giá để tranh giành những vật chất nhỏ nhoi.
Khi đọc bài thơ này, người thân của Trương Anh cảm thấy hổ thẹn. Ngay lập tức, họ đã làm theo chỉ dẫn của ông là nhường ba thước đất cho người hàng xóm. Người này sau đó rất cảm động trước sự khiêm nhường và cách đối nhân xử thế của Tể tướng Trương, nên đã phó xuất thêm ba thước nữa trên đất của mình, từ đó mà hình thành nên một con đường rộng sáu thước. Câu chuyện về tấm lòng khoan dung độ lượng này cũng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Trung Quốc.
Cách hóa giải những mối đe dọa và tin đồn thất thiệt như một vị sứ giả thời Trung Hoa xưa
Lận Tương Như là sứ giả của nước Triệu thời Chiến Quốc, người sau này đã trở thành Tể tướng. Sự thành công nhanh chóng của ông khiến cho tướng quân Liêm Pha rất tức giận vì ông buộc phải tuân lệnh của Lận Tương Như.
Tướng quân Liêm Pha lòng đầy oán giận và nói công khai rằng: “Ta là một vị tướng, thu phục nhiều thành trì mới có được địa vị này. Tương Như có địa vị trên ta chỉ nhờ chút công chót lưỡi. Khi gặp Tương Như, ta quyết sẽ khiến ông ta phải hổ thẹn.”
Nghe được lời đe dọa của tướng Liêm Pha, tể tướng Lận Tương Như vẫn bất động tâm và cố gắng tránh đối đầu với ông ta, gồm cả việc né tránh đoàn tùy tùng của ông ta khi ông thấy họ đến gần.
Cận vệ của Lận Tương Như lầm tưởng rằng ông sợ vị tướng quân kia. Họ nói với ông, “Mặc dù địa vị của ngài cao hơn Liêm tướng quân, nhưng ngài lại sợ và cố gắng tránh mặt ông ta. Ngay cả người bình thường cũng thấy xấu hổ khi làm như vậy. Xin ngài cho phép chúng tôi không theo phò ngài nữa.”
Tể tướng Lận Tương Như thuyết phục họ ở lại và giãi bày lý do cho hành xử của mình trước những lời đe dọa của tướng Liêm Pha.
Đầu tiên, ông hỏi, “Các ngươi nghĩ xem ai mạnh hơn: Liêm tướng quân hay là Vua Tần”?
Tất nhiên các cận vệ đều khẳng định là Vua Tần, vì nước Tần rất hùng mạnh vào thời điểm đó.
Rồi tể tướng Lận Tương Như bèn nói: “Ta đã dám tranh cãi với vua Tần và quát mắng cả ông ta. Há lại sợ Liêm Tướng quân hay sao?”
Tể tướng Tương Như giải thích thêm: “Nước Tần không dám đánh nước Triệu là vì e sợ ta và Liêm tướng quân. Hai con hổ không thể cùng tồn tại nếu chúng xâu xé lẫn nhau. Ta khoan dung cho hành vi của ông ta là vì ta đặt lợi ích quốc gia lên trên sự kiêu hãnh cá nhân.”
Sau khi Liêm tướng quân biết được những lời này của tể tướng Tương Như, ông cảm thấy rất xấu hổ và nhanh chóng đến tạ tội. “Ta hạ mình trước sự khoan dung của tể tướng. Ta không ngờ ngài lại độ lượng với ta như vậy!”, ông nói với tể tướng Tương Như.
Vậy là mọi hiềm khích giữa hai người được hóa giải và họ trở thành bằng hữu thân thiết của nhau.
Biết tự sửa mình được xem là một đức hạnh có từ thời xa xưa. Mọi người ca ngợi Liêm tướng quân vì ông có tính cách mạnh mẽ khi chân thành nhận lỗi và quy chính tư tưởng của mình. Còn tể tướng Lận Tương Như cũng được tán dương nhờ thái độ khoan dung độ lượng khi gặp mâu thuẫn, đặt lợi ích quốc gia lên trên tự tôn cá nhân.
Tấm lòng khoan dung như biển lớn
Khoan dung độ lượng là một trong những đức hạnh quan trọng nhất trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Nó phản ánh lòng vị tha, trí tuệ, và tư duy khoáng đạt, xuất phát từ tính kỷ luật tự giác, là biểu hiện tự nhiên của lòng tốt, sự lương thiện, và lòng nhân ái. [Tấm lòng khoan dung] sẽ đưa mọi người đến gần nhau hơn bằng cách cải thiện mối quan hệ giữa họ.
Quay về thời xa xưa, các bậc thánh nhân quân tử đều rất coi trọng quan điểm của người khác. Khi gặp khó nạn, họ sẽ nghĩ đến người khác trước tiên, họ là những hình mẫu rất được kính trọng và là những tấm gương cao thượng để mọi người noi theo.
Lão Tử, vị thánh nhân đáng kính thời Trung Quốc cổ đại từng dạy rằng, người có đức lớn có thể hành xử hòa hợp với “Đạo” hay “Đại Đạo”. Ông từng giảng rằng: “Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kỳ thiện hạ chi. Cố năng vi bách cốc vương,” ý là: “Sở dĩ sông biển mênh mông và sâu thẳm đến thế là vì chúng ở nơi đất thấp, dung nạp trăm ngàn con suối nhỏ mà trở nên rộng lớn.”
Điều này có nghĩa là để có thể ôm trọn và chứa đựng vạn vật, người ta phải có một trái tim bác ái. Lòng người càng rộng rãi khoáng đạt thì thế giới mà người ta dung nạp mới càng lớn hơn.
Người có đại đức hoàn toàn không tư tâm và luôn giữ mình theo tiêu chuẩn đạo đức cao thượng. Họ tử tế hơn, khoan dung hơn, sẵn lòng giúp đỡ và quan tâm đến người khác, cũng sẽ không bao giờ dao động vì tư lợi và tư tâm.
Vậy nên, nếu lần tới xảy ra xung đột, bạn hãy hình dung đến đại dương có sức chứa vô hạn đã dung nạp tất cả nước từ các con sông và suối. Chúng ta cũng có thể trở thành đại dương đó.
Bài đăng lại từ epochtimesviet.com. Quý vị có thể đọc bài gốc tại đây.