Các tập đoàn của Mỹ và Nhật hôm thứ Tư (28/10) ký những thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với các đối tác Việt Nam liên quan đến khí hóa lỏng (LNG).
- Vũ khí Mỹ giúp Đài Loan ‘tiêu diệt một nửa lực lượng tấn công của Trung Quốc’
- Bất chấp Trung Quốc đe dọa, truyền thông Ấn Độ tiếp tục ủng hộ Đài Loan
- Bắt Trung Quốc trả giá: Biden dọa đưa B52 bay qua Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 28/10 cho biết tập đoàn AES (có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ) đã ký kết thỏa thuận trị giá 2,8 tỷ USD với PetroVietnam Gas để xây dựng cảng nhập khẩu nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) và một nhà máy điện khí ở Việt Nam, theo báo Zing.
“Việt Nam đã bật đèn xanh cho tập đoàn AES để triển khai dự án”, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPBF). Theo ông Pompeo, thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa nhập khẩu LNG trị giá hàng tỷ USD từ Mỹ vào Việt Nam mỗi năm, đồng thời mô tả đây là điều giúp “đôi bên cùng có lợi”.
IPBF 2020 khai mạc sáng 28/10 tại Hà Nội. Diễn đàn trực tuyến có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường chống lại ảnh hưởng của các công ty nhà nước Trung Quốc trong khu vực.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn ngày 28/10, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết ba tập đoàn Bechtel, General Electric và McDermott đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD để phát triển nhà máy điện khí hóa lỏng Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW. Thỏa thuận này sẽ cho phép sử dụng thiết bị và dịch vụ kỹ thuật của Mỹ. Đây là dự án điện quy mô lớn đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập), Báo Chính phủ đưa tin.
“Các công ty Mỹ tuân thủ pháp quyền, tính minh bạch, đồng thời có tiêu chuẩn chất lượng rất cao đối với sản phẩm của mình. Điều này hoàn toàn trái ngược với những doanh nghiệp nhà nước được Trung Quốc hậu thuẫn”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Cùng ngày, tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ và công ty điện lực lớn nhất Nhật Bản, JERA, cho biết đã ký biên bản ghi nhớ với UBND thành phố Hải Phòng về việc xây dựng nhà máy điện khí và các cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Hải Phòng nhằm đảm bảo nguồn cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện, Reuters đưa tin.
Việt Nam đang xây dựng nhiều nhà máy điện dùng LNG trong bối cảnh than đá không còn được ưa chuộng vì tác động của nó đến môi trường. Theo Reuters, đây là động thái đầy tham vọng, có thể đưa LNG trở thành nguồn năng lượng chính cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam.
Phần lớn LNG cho các nhà máy điện ở Việt Nam sẽ được nhập khẩu từ Mỹ. Quốc gia này đang muốn thu hẹp thâm hụt thương mại với Việt Nam, vốn đã tăng từ 33,96 tỷ USD ba quý đầu năm 2019 lên 44,3 tỷ USD trong ba quý đầu năm nay.