Các bài bình luận và bản tin phần lớn không lên án, phơi bày, và nhắc nhở khán giả về những hành động đ.ồi bại của Hamas.

Vụ tàn sát dã man 1.200 thường dân vô tội và bắt giữ hơn 200 con tin bắt đầu từ ngày 07/10, vốn là cuộc thảm sát lớn nhất mà người Do Thái phải gánh chịu kể từ Holocaust, đã khiến tất cả mọi người bàng hoàng.

Thứ cảm xúc bàng hoàng đến từ một sự kiện như vậy vẫn đọng lại trong tim mỗi người trên khắp các cộng đồng quốc tế. Đối với những người trực tiếp bị ảnh hưởng, cảm giác đó sẽ được nhân lên gấp 100 lần nếu không muốn nói là hơn.

Nhóm khủng bố Hamas được Iran hậu thuẫn cùng giới lãnh đạo bại hoại về mặt đạo đức chịu trách nhiệm về hành động tàn bạo này cần phải bị lên án mạnh mẽ và loại trừ.

Tuy nhiên, đa số các phương tiện truyền thông phương Tây miêu tả phản ứng dễ hiểu của Israel — hành vi được cho phép theo tất cả các luật pháp và nghi thức quốc tế — là vi phạm nhân quyền, quá đáng, nếu không muốn nói là hoàn toàn bất hợp pháp.

Các bài bình luận và đưa tin phần lớn không lên án, phơi bày, và nhắc nhở khán giả về các hành vi đồi bại, bao gồm cả việc cưỡng gian cha mẹ ngay trước mặt trẻ em trước khi sát hại họ. Danh sách các hành vi tàn bạo được ghi chép lại này vô cùng đáng sợ.

Tệ hơn nữa, bằng chứng được ghi lại đó đến được với chúng ta lại nhờ vào video của chính thủ phạm.

Không thể hiểu nổi sự nhẫn tâm coi thường mạng sống người vô tội như vậy.

Tuy nhiên, ngay khi Israel truy đuổi một cách chính đáng những kẻ khủng bố đến tận nơi ẩn náu của chúng (chúng sử dụng chính người dân của mình làm lá chắn sống), thì chúng ta lại thấy các phương tiện truyền thông cổ xúy tư duy đám đông ở phương Tây đang tuyên truyền sự so sánh về đạo đức và khẳng định một cách thiếu hiểu biết rằng Israel phạm tội ác chiến tranh.

Làm thế nào mà bất kỳ người nào có tư duy đúng đắn, công bằng, và đầy lòng nhân ái lại có thể nhượng bộ cho những kẻ khủng bố này, đây thực sự là một điều thực sự khó hiểu.

Người dân tham dự một cuộc tuần hành để thể hiện tình đoàn kết với Israel ở Sydney, Úc, hôm 29/10/2023. (Ảnh: AAP Image/Brent Lewin)
Người dân tham dự một cuộc tuần hành để thể hiện tình đoàn kết với Israel ở Sydney, Úc, hôm 29/10/2023. (Ảnh: AAP Image/Brent Lewin)

Sự thật quan trọng bị đánh mất trong các bản tin

Mất mát những sinh mệnh vô tội là một hậu quả bi thảm của cuộc xung đột. Luật pháp yêu cầu chính xác rằng những tổn thất đó cần phải được giảm thiểu.

Nhận thức được điều này, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thả truyền đơn và gửi thông điệp bằng văn bản cảnh báo thường dân rất sớm trước khi các hành động quân sự diễn ra.

Những kẻ khủng bố đã đáp trả lại bằng cách từ chối cho phép thường dân rời đi, sử dụng chính người dân của mình làm lá chắn một cách hèn nhát.

Sau đó, những thương vong này đã được sử dụng để tuyên truyền đả kích Israel khi số thường dân tử vong tăng lên.

Ngược lại, Hamas lại cố tình tàn sát càng nhiều thường dân Israel càng tốt mà không báo trước.

Một sự so sánh và đối chiếu sẽ rất cần thiết.

Và thay vì gọi Hamas là một “nhóm chiến binh,” tổ chức này nên được gọi đúng như bản chất của mình — một nhóm khủng bố được quốc tế công nhận mà không có bất kỳ “nếu” hay “nhưng” nào (Quý vị có đang đọc điều này trên tờ New York Times phải không?).

Việc liên tục đề cập đến việc dải Gaza bị Israel chiếm đóng cũng rõ ràng là sai sự thật. Israel không kiểm soát một milimet vuông nào ở dải Gaza. Sự kiểm soát của Hamas ở dải Gaza là nguyên nhân dẫn đến sự bần cùng của người dân sống ở đó.

Các đề nghị về một lệnh ngừng bắn lại dễ dàng cho qua việc Hamas đã vi phạm vô số lệnh ngừng bắn trước đây.

Từ góc độ chiến thuật, Hamas sẽ mong muốn có một lệnh ngừng bắn để có thể tái tập hợp và bổ sung vũ khí.

Khi ngay cả bà Hillary Clinton cũng thừa nhận điều hiển nhiên này, thì người ta thắc mắc tại sao giới truyền thông và các nhà bình luận lại gặp khó khăn trong việc nắm bắt điều hiển nhiên đó.

Và trong khi đó, các con tin sẽ tiếp tục phải chịu đựng trong mòn mỏi.

Các thành viên của cộng đồng người Palestine ở Úc cầm cờ và biểu ngữ khi họ tham gia cuộc tập hợp ở Sydney, Úc, hôm 12/11/2023. (Ảnh: David Gray/AFP qua Getty Images)
Các thành viên của cộng đồng người Palestine ở Úc cầm cờ và biểu ngữ khi họ tham gia cuộc tập hợp ở Sydney, Úc, hôm 12/11/2023. (Ảnh: David Gray/AFP qua Getty Images)

Iran và Hezbollah sẽ trở nên táo bạo hơn và xem đây là một dấu hiệu khác cho thấy phương Tây nhụt chí trong việc bảo vệ một nền dân chủ đồng minh.

Vai trò của các phóng viên chắc chắn là đưa tin về những nguyên nhân minh xác đã dẫn đến thương vong cho thường dân cũng như quy trách nhiệm cho thủ phạm, kể cả việc đưa tin rằng các vụ phóng hỏa tiễn thất bại của những kẻ khủng bố đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng và gây tử vong cho chính họ.

Một vấn đề khác là đưa tin về hệ thống đường hầm phức tạp ngầm dưới đất và xung quanh một bệnh viện — một chiến thuật có chủ ý của những kẻ vô lương tâm để tránh bị giám sát và tấn công.

Điều 19 của Công ước Geneva (được thiết lập để giữ cho chiến tranh [diễn ra] một cách văn minh nhất có thể) đặc biệt thừa nhận rằng các bệnh viện được sử dụng cho mục đích quân sự sẽ mất đi quyền bảo vệ mà họ vốn được hưởng.

Thật đáng thất vọng khi hầu hết các phương tiện truyền thông đều không thể hoặc từ chối công nhận những sự thật này trong các bản tin của họ.

Ngôn ngữ nạn nhân và sử dụng vũ lực quá mức cùng với những đề nghị ngừng bắn đều giúp ích cho mục đích của những kẻ khủng bố.

Không thể đặt Hamas và Israel ngang hàng

Việc lặp lại một cách không nghi ngờ những khẳng định của Hamas về con số thương vong là kiểu đưa tin lười biếng và hơn thế nữa còn gây hiểu lầm một cách vô trách nhiệm.

Đây là một tổ chức khủng bố đã tiến hành một cuộc tàn sát máu lạnh quy mô lớn đối với hàng trăm người Do Thái nhưng những tuyên bố của họ vẫn được xem trọng ngang với những tuyên bố của IDF.

Sự tín nhiệm dành cho các nhà tuyên truyền của Hamas mà họ không xứng có được này được đặt ngang hàng cũng như có vị thế tương đương với các quan chức Israel là điều khó có thể chấp nhận được ở mọi cấp độ. Israel là nền dân chủ tự do thực sự duy nhất ở Trung Đông.

Những người diễn hành để lại dấu tay màu đỏ trên hàng rào phía trước Tòa Bạch Ốc trong cuộc tập hợp ủng hộ Palestine ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 04/11/2023. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP qua Getty Images)
Những người diễn hành để lại dấu tay màu đỏ trên hàng rào phía trước Tòa Bạch Ốc trong cuộc tập hợp ủng hộ Palestine ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 04/11/2023. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP qua Getty Images)

Mặc dù việc các bản tin chỉ ra sự đa dạng chủng tộc và tôn giáo của IDF có thể sẽ là một dịch vụ công ích khác mà giới truyền thông phải làm…

Điều đặc biệt đáng lo ngại là các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu của chính phủ như BBC và ABC của Úc đã đưa tin một cách thiên lệch trong khi lờ đi nguyên nhân thúc đẩy các hoạt động [quân sự] của Israel.

Việc mô tả những kẻ khủng bố và người Israel có đạo đức như nhau chính là làm tổn hại nghiêm trọng đến việc đưa tin công bằng.

Chừng nào các ký giả chưa quay trở lại với nhiệm vụ đúng đắn và quan trọng của mình đó là đưa tin về sự thật, thì uy tín nghề nghiệp của họ sẽ tiếp tục xuống dốc, giống như những người bán xe hơi đã qua sử dụng.

Bà Golda Meir đã tóm tắt về con đường dẫn tới hòa bình ở Trung Đông một cách tốt nhất khi bà yêu cầu giới lãnh đạo Palestine hãy bắt đầu yêu thương con cái của họ hơn là thù hận trẻ em Do Thái.

Ngay cả một số ký giả đưa tin về những cảm nghĩ như vậy cũng sẽ giúp cung cấp thông tin cho công chúng và ngăn không cho những kẻ khủng bố có được sự thuận lợi mà họ không xứng đáng có được trên các phương tiện truyền thông.

Tác giả Eric Abetz/Đăng trên The Epoch Times