Cuối tuần qua, Trung Quốc đã ngang nhiên đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông. Theo các nhà phân tích việc đặt tên này có thể là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ gặp sự chống đối mạnh mẽ từ phía các nước ASEAN.

Từ Hồng Kông, tờ báo Bưu điện Hoa Nam nhận định việc các nước hay các nhà hải dương học đặt tên cho những thực thể địa lý là chuyện hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng các quốc gia không thể đòi chủ quyền trên các thực thể dưới đáy biển, trừ phi những thực thể đó nằm trong phạm vi 12 hải lý của một thực thể đất liền (theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển).

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông cuối tuần qua, Bắc Kinh đã đặt tên cho 25 đảo, bãi cạn và đá, cũng như cho 55 thực thể dưới đáy biển. Trung Quốc đã từng làm như vậy vào năm 1983 khi họ đặt tên 287 thực thể ở Biển Đông. Trong số 80 thực thể vừa được đặt tên, có 10 bãi cạn và 2 đá nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng, trước đây chưa có tên. Ngoài ra còn có 13 bãi ngầm được mô tả là các thực thể, nằm chung quanh Đá Tây, mà Việt Nam hiện đang bảo vệ.

Ý kiến chuyên gia

Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, cho rằng hành động của Trung Quốc đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông là “bất bình thường”. Và nói vui theo cách gọi của truyền thông Việt Nam là “lạ” và có thể là một sự vi phạm luật pháp quốc tế, bởi vì việc đặt tên chính là một hình thức khẳng định chủ quyền. Chuyên gia này ngạc nhiên bày tỏ: “Không rõ vì sao Trung Quốc lại quyết định đặt tên mới cho 13 bãi ngầm chung quanh Đá Tây mà Việt Nam đang kiểm soát… Và chiểu theo luật quốc tế, không thể đòi chủ quyền trên các thực thể dưới biển.

Việc Bắc Kinh đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông cũng làm cho Giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện các vấn đề Hàng hải và Luật biển của Philippines rất bức xúc. Vị giáo sư này nhấn mạnh: “Việc nghiên cứu và đặt tên cho các thực thể dưới biển trong khuôn khổ nghiên cứu khoa học đại dương không thể được lợi dụng để khẳng định chủ quyền trên bất cứ phần nào của môi trường biển hoặc bất cứ tài nguyên biển nào”.

Còn ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng việc Bắc Kinh đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Những hành động như vậy chỉ gây thêm phần căng thẳng với Việt Nam, Malaysia và Philippines. Sẽ khiến các nước ASEAN vốn nghi ngờ thực tâm của Bắc Kinh trong cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông càng thêm cảnh giác.

Giáo sư Douglas Guifoyle, giảng dạy luật an ninh và quốc tế tại Đại học New South Wales, Úc đưa ra cùng nhận định: “Có một nguyên tắc lâu đời của luật quốc tế về giải quyết tranh chấp biên giới, nhằm xác quyết chủ quyền trên một khu vực không có giá trị pháp lý, nếu khu vực đó đang có tranh chấp”. Nguyên tắc đó chính là để ngăn chặn những hành vi như của Trung Quốc hiện nay.

Nhưng bà Nghiên Nhan, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật và Chính sách Đại dương thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, lại bao biện rằng đó chỉ là hành xử nằm trong chủ quyền của Trung Quốc.

Mời các bạn nghe thêm chi tiết:

videoinfo__video.tin360.tv||738c2c7e6__

Ad will display in 09 seconds