Pháp, Đức và Anh hôm 16/9 đã ký công hàm chung gửi lên Liên Hiệp Quốc phản bác các yêu sách phi lý về “đường cơ sở thẳng” và “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Pháp, Đức và Anh (còn gọi là nhóm E3) lên tiếng với tư cách là thành viên của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhấn mạnh công ước này là “khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương”. Các nước phải tôn trọng quyền đi qua vô hại, tự do hàng hải và hàng không được quy định trong UNCLOS, đặc biệt là ở Biển Đông.
Trong công hàm, nhóm E3 khẳng định việc Trung Quốc tự vẽ “đường cơ sở thẳng” ở Hoàng Sa của Việt Nam và khái niệm “quyền lịch sử” mà nước này đưa ra để đòi yêu sách với phần lớn Biển Đông là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS.
“Những tuyên bố liên quan đến việc thực thi quyền lịch sử ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”, công hàm chung nhấn mạnh.
Ba quốc gia châu Âu kêu gọi các nước giải quyết hòa bình các yêu sách hàng hải ở Biển Đông phù hợp với các nguyên tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS.
Trước đó, tháng 12/2019, Malaysia cũng đệ trình công hàm lên Liên hiệp quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc. Hành động mở màn “cuộc chiến công hàm” của Malaysia đã kéo theo cả những nước không tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông như Indonesia, Mỹ, Úc và mới nhất là nhóm E3 tham gia vào.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan, đã đứng về phía Philippines trong vụ kiện Trung Quốc đối với yêu sách “đường lưỡi bò”. Tòa án phán quyết Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý đòi các quyền lịch sử đối với hầu hết Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần từ chối tôn trọng phán quyết của trọng tài.