Một vụ ám sát vừa xảy ra ở Nga đang gây dư luận. Truyền thông Nga hôm 6/12 đưa tin thi thể cựu nghị sĩ đảng đối lập Ukraine Ilya Kiva đã được tìm thấy ở khu vực Moscow.

Thi thể của ông Kiva nằm trong khuôn viên khách sạn Velich Country Club gần ngôi nhà nhỏ nơi ông đang sinh sống. Các nguồn thực thi pháp luật cho biết ông nằm úp mặt trên vũng máu dưới lớp tuyết dày. Theo Tass, ông Kiva có một vết thương ở đầu. 

Vậy chính trị gia quá cố Ilya Kiva là ai? Tờ MK cho biết, chỉ mới đầu giờ chiều hôm qua thứ Tư, cựu nghị sĩ Kiva còn nói về việc Zelensky sợ bị dẫn độ về Moscow hoặc bị thanh lý sau khi ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ. Thật không may, Kiva đã không chờ đợi sự sụp đổ của chế độ Zelensky. 

“Số phận nghiệt ngã như vậy. Nhưng chỉ cách đây vài năm, thật khó có thể tưởng tượng rằng chính trị gia Ukraine này lại sống ở khu vực Moscow và mong Zelensky chết”, tờ MK viết.

Vốn ban đầu Ilya Kiva được biết đến là người chống Nga cuồng nhiệt. Hành trình chính trị của ông bắt đầu sau Maidan 2014. Ông gia nhập đảng “Right Sector” (bị Nga nhìn nhận là một tổ chức cực đoan và bị cấm), và sớm đứng đầu tiểu đoàn đặc nhiệm “Poltava”. Từ năm 2016 đến 2017, ông ta làm cố vấn cho người đứng đầu Bộ Nội vụ Ukraine Arsen Avakov.

Năm 2017, ông gia nhập Đảng Xã hội Ukraine và tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2019, nơi ông chỉ nhận được 0,03% số phiếu bầu. Sau đó ông tham gia đảng Nền tảng đối lập – Vì sự sống và được bầu làm phó của Verkhovna Rada.

Kiva là nghị sĩ Ukraine từ năm 2019 – 2022 và là thành viên của một đảng đối lập bị cấm ở Kiev vào tháng 6/2022. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022, ông chỉ trích Mỹ và NATO vì đã sử dụng Ukraine làm “mồi nhử” để khiêu khích Nga tham gia cuộc xung đột.

Chính trị gia này rời Ukraine không lâu trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, đầu tiên ông chuyển đến Tây Ban Nha và sau đó đến Nga.

Cơ quan thực thi pháp luật Ukraine cũng buộc ông tội phản quốc, cáo buộc ông làm mọi cách để “dẫn đường” lực lượng Nga đến nước này. Ông bị kết án vắng mặt 14 năm tù ở Ukraine.

Điều đáng nói là sau cái chết của Ilya Kiva, các cơ quan tình báo của Ukraine đã tranh nhau khoe công lao ám sát. Đại diện Tổng cục Tình báo (GUR) của Bộ Quốc phòng Ukraine Andrey Yusov xác nhận vụ sát hại cựu phó Verkhovna Rada. Ông đã công bố điều này trên ICTV rằng.

“Kiva là tất cả. Số phận như vậy đang chờ đợi tất cả những kẻ phản bội Ukraine… Công lý đã chiến thắng”, thuộc cấp của ông trùm GUR Kirill Budanov lên tiếng.

Nhưng lập tức, các phương tiện truyền thông khác của Ukraine cho rằng Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã ra tay. Điều này đã khiến cho tại Ukraine xuất hiện loạt tranh luận rằng, các cơ quan tình báo của nước này tranh nhau ‘vòng nguyệt quế’ giết người để mang về vinh quang cá nhân.

Cụ thể, cựu cố vấn của người đứng đầu văn phòng tổng thống Alexey Arestovich cho rằng, Người đứng đầu Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, Kirill Budanov, đang cố gắng nhận trách nhiệm về vụ sát hại cựu phó Rada Ilya Kiva gần Moscow, mặc dù đây là công việc của SBU.

Cựu cố vấn Arestovich nói: “Hết lần này đến lần khác, chúng tôi rất ngạc nhiên trước phản ứng quá nhanh của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng, nơi “xác nhận việc thanh lý Kiva.” Những nỗ lực của Tình báo Bộ Quốc phòng GUR nhằm đánh chặn công lao của những người khác trên các phương tiện truyền thông, bắt đầu từ vụ đánh Cầu Crimea, từ lâu đã là một bất ngờ dai dẳng đối với tôi. Tôi không biết ai ở Ostrov (nơi đặt trụ sở của Tổng cục Tình báo Quân đội)  đang thực hiện dự án này, nhưng ai đó đang đưa thông tin sai lệch một cách có hệ thống cho giới truyền thông, xã hội, đối tác nước ngoài và gieo mầm mống thù địch giữa các lực lượng đặc biệt ở một quốc gia đang có chiến tranh”

Cựu cố vấn Arestovich gửi lời cảnh báo tới ng trùm GUR Kirill Budanov rằng: “Đối với tôi, có vẻ như đã đến lúc phải kéo anh chàng này lại một chút”; đồng thời khẳng định vụ ám sát là do SBU thực hiện.

Có thể thấy, trong giai đoạn gần đây, nội bộ chính quyền Kiev xuất hiện hàng loạt sự nghi kỵ lẫn nhau. Trong đó, tổng thống Zelensky đang đặc biệt để mắt đến nhất cử nhất động của các đối thủ cùng ngồi trong hệ thống quyền lực như Tổng tư lệnh Zaluzhny hay trùm tình báo Kirill Budanov. Nếu như Tổng tư lệnh Zaluzhny có lợi thế nắm trong tay quân đội; thì  Kirill Budanov có thế mạnh là đội ngũ quân báo, ngoài ra có thể là sự hậu thuẫn ngầm từ tình báo phương Tây như CIA hay MI6 của Anh.

Bản thân Budanov thời gian qua dường như cũng muốn thoát ra khỏi cái bóng một sĩ quan tình báo chuyên cần dưới trướng Zelensky. Với việc thường xuyên đứng ra nhận trách nhiệm trong các vụ ám sát, khủng bố vượt ngoài lãnh thổ Ukraine, ông Budanov muốn cho thấy tên tuổi của mình được người dân trong nước nhắc đến nhiều hơn – một khâu quan trọng trên hành trình chuyển đổi hình ảnh từ một quân nhân đơn thuần sang một chính trị gia nhiều tham vọng.