EU vẫn đang cố tỏ ra đoàn kết quyết tâm ban hành vòng trừng phạt thứ 9 với Nga, như để che đậy vụ tham nhũng nổ ra vào đầu tuần mà tờ Politico mô tả là “vụ bê bối tham nhũng đang nhấn chìm Nghị viện Châu Âu”.
Kể từ khi Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, bà Eva Kaili bị bắt giữ vì tình nghi có liên quan đến một đường dây hối lộ nhằm đánh bóng hình ảnh nước chủ nhà World Cup Qatar, vụ việc hiện đã mở rộng đáng kể, không chỉ về số người liên quan mà còn cả số lượng các tổ chức và các nước thứ ba, hiện bao gồm cả Ma-rốc.
Câu hỏi giờ đây là, liệu vụ bê bối này có liên quan đến Ủy ban hành pháp của EU hay không? Những tiết lộ gần đây cho thấy người đứng đầu Ủy ban đối ngoại EU Josep Borrell có thể bị liên lụy.
Khi vụ bê bối bùng nổ, cả Nghị viện lẫn Ủy ban Châu Âu đều gấp rút ra các tuyên bố nhằm kiểm soát thiệt hại. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola hôm 15/12 đã cam kết công bố “gói cải cách trên diện rộng”.
Hiện tại, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Nghị viện châu Âu, nhưng liệu có nguy cơ lan sang cơ quan hành pháp của EU là Ủy ban châu Âu hay không? Khi được hỏi liệu ông có lo lắng về một kết quả như vậy hay không, Didier Reynders, Ủy viên công lý của EU, nói với tờ Politico rằng đó “luôn luôn là một khả năng”.
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula Von der Leyen đã phát biểu như sau trong cuộc họp báo sáng ngày 12/12:
“Các cáo buộc chống lại Phó Chủ tịch Quốc hội [Eva Kaili] là đáng quan tâm nhất, rất nghiêm trọng. Đó là vấn đề niềm tin của người dân vào các thể chế của chúng ta, nó cần những tiêu chuẩn cao nhất. Tôi đã đề xuất thành lập một cơ quan độc lập bao gồm tất cả các tổ chức của EU… và không cho phép bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào.”
Bà Von der Leyen nói thêm rằng Ủy ban đang xem xét sổ đăng ký minh bạch của riêng mình đối với tất cả các cuộc họp được ghi lại giữa nhân viên và quan chức Qatar. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Corporate Europe Observatory cho biết, các cải cách minh bạch năm 2014 của Ủy ban chỉ áp dụng cho 250 quan chức cấp cao nhất trong Ủy ban EU. Nhiều quan chức cấp thấp hơn trong số hơn 30.000 nhân viên của Ủy ban thường xuyên gặp gỡ những người vận động hành lang nhưng họ không nằm trong quy tắc.
Bà Von der Leyen cũng từ chối trả lời các câu hỏi về mối quan hệ của Phó Chủ tịch Châu Âu Margaritis Schinas với vụ bê bối Qatar, đã gây ra phản ứng dữ dội từ các phóng viên trong phòng họp. Ông Margaritis Schinas là “Ủy viên Hy Lạp đã đại diện cho EU tại lễ khai mạc World Cup vào tháng trước, và bị chỉ trích nặng nề vì đã ca ngợi những cải cách lao động ở Qatar”, nơi có ít nhất 6.500 công nhân nhập cư đã chết để xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự kiện thể thao đình đám này.
Về phần mình, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell mô tả vụ bê bối Qatar là “rất, rất đáng lo ngại”. Nhưng ông cũng cho rằng “Không có gì và không có ai” trong cơ quan ngoại giao do ông lãnh đạo đang bị điều tra.
Tuy nhiên điều đó có thể thay đổi trong những ngày hoặc tuần tới khi cựu Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Eva Kaili đang là trung tâm nguồn cơn của các cáo buộc hối lộ, đã phủ nhận việc nhận 1,5 triệu euro tiền mặt được tìm thấy tại nhà riêng, và tuyên bố bà chỉ hành động theo lệnh của cấp trên.
Theo luật sư của bà Kaili là ông Michalis Dimitrakopoulos, những mệnh lệnh đó đến trực tiếp từ Chủ tịch Nghị viện EU Roberta Metsola và Josep Borrell.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MEGA TV của Hy Lạp, luật sư Dimitrakopoulos cho biết, bà Kaili không liên quan gì đến việc nhận hối lộ từ Qatar.
Ông này nói: “Điều mà dư luận cần biết là Qatar không cần hối lộ bà Kaili vì bà ấy đến Qatar với tư cách là đại diện của Nghị viện châu Âu, các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của bà ấy là theo thỏa thuận và chỉ đạo của Chủ tịch nghị viện Roberta Metsola” .
“Bà Metsola đã cử bà ấy đến Qatar, những gì bà ấy định nói đã được bà Metsola chấp thuận […] Bà Metsola cũng đã cử quan chức EU, ông Roberto Bendini đi cùng để theo dõi tất cả các cuộc họp của bà Kaili”.
Vị luật sư này nói thêm: “Những lời phát biểu của bà Kaili, là bà ấy đang thực hiện một kế hoạch đã bắt đầu từ năm 2019 bởi Đại diện cấp cao Josep Borrell và Ylva Johansson [Ủy viên Bộ Nội vụ] đã quyết định ở cấp Ủy ban, hợp tác với Qatar, Kuwait và Oman”, theo Euractiv.
Hiện tại, đây chỉ là những cáo buộc của luật sư của một nghi phạm trong một cuộc điều tra tham nhũng rất nghiêm trọng. Nhưng có một điều rõ ràng là Josep Borrell với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của châu Âu, đã đóng vai trò hàng đầu trong việc củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Qatar từ lâu.
EU đã cho thấy một sự thèm khát năng lượng ngay từ mùa hè năm 2021, vào thời điểm khối này đang được cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, trong khi vẫn đi tìm kiếm một thỏa thuận năng lượng khác. Trong chuyến thăm đầu tiên tới quốc gia này vào tháng 9 năm 2021 với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của EU, ông Borrell đã ca ngợi Qatar là một “đối tác năng lượng đáng tin cậy”.
Không rõ liệu người đứng đầu ủy ban đối ngoại EU Josep Borrell có bị cuốn vào vụ bê bối đình đám này không, nhưng có một điều chắc chắn là từ rất lâu trước khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, Josep Borrell là người đã đóng vai trò hàng đầu trong việc leo thang căng thẳng với Nga. Điều trớ trêu là Nga lại là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU.
Có thể bạn quan tâm: