Ấn Độ điều thêm 50.000 quân cùng nhiều tiêm kích tới vùng biên giới có tranh chấp với Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi hai bên gặp mặt để thảo luận về vấn đề biên giới.
- Sau tiệc ăn mừng cuối cấp, 600 học sinh phát hiện dương tính Covid-19
- Người dân Triều Tiên đau lòng vì ông Kim Jong Un sụt cân, ‘tiều tụy’?
- Mỹ liệt kê hơn 30 tội ác của ĐCSTQ trong 100 năm qua
Tờ Bloomberg ngày 28/6 đưa tin Ấn Độ đã triển khai thêm ít nhất 50.000 binh sĩ và các phi đội máy bay chiến đấu đến khu vực dọc biên giới giáp Trung Quốc suốt nhiều tháng qua.
Lực lượng này được bố trí đến ba địa điểm nằm giáp biên giới hai nước, đánh dấu đợt chuyển quân mang tính lịch sử và cho thấy khả năng sẵn sàng chiến đấu của quốc gia Nam Á này, theo nguồn thạo tin ẩn danh.
Trước động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo chiều 28/6 rằng tình hình biên giới với Ấn Độ xét tổng thể vẫn ổn định. Hai bên đang tiến hành giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán.
“Hai nước nên có phát ngôn và hành động nhằm mục đích xoa dịu tình hình và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau thay vì làm điều ngược lại”, ông Uông nhấn mạnh.
Theo Bloomberg, tổng số quân Ấn Độ hiện có khoảng 200.000 người tập trung ở biên giới với Trung Quốc, tăng hơn 40% so với năm ngoái.
Các nguồn tin nhận định, trong khi sự hiện diện quân sự của Ấn Độ gần biên giới Trung Quốc trước đây chỉ mang tính phòng thủ nhằm ngăn chặn các động thái khiêu khích, xâm nhập của Bắc Kinh, thì đợt điều quân lần này của Ấn Độ diễn ra trong điều kiện khác.
Theo đó, giờ đây, New Delhi không chỉ phòng ngự, mà còn muốn chiếm thế chủ động tại khu vực biên giới. Các chỉ huy Ấn Độ sẽ có thêm lựa chọn tấn công và kiểm soát lãnh thổ Trung Quốc nếu cần thiết, theo chiến lược “phòng thủ bằng tiến công”.
Đáng chú ý, Ấn Độ gia tăng số lượng trực thăng làm nhiệm vụ vận chuyển binh sĩ giữa các địa điểm tác chiến, bố trí nhiều trọng pháo uy lực như siêu lựu pháo M777.
Ấn Độ cho biết gần đây quân đội Trung Quốc đã tăng cường lực lượng từ Tây Tạng sang quân khu Tân Cương chuyên đảm trách tuần tra các khu vực tranh chấp dọc theo dãy Himalaya.
Việc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc liên tục hiện diện ở khu vực biên giới dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang quân sự. Điều này diễn ra khi một số vòng đàm phán ngoại giao – quân sự gần đây giữa hai nước đạt được tiến bộ nhất định nhằm đưa tình hình biên giới trở lại trạng thái ổn định.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra rạn nứt sau các cuộc đụng độ đẫm máu ở Ladakh vào năm 2020, khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Tuy vậy, một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng việc quốc gia Nam Á điều động thêm quân và xây thêm hạ tầng nhiều khả năng sẽ không làm căng thẳng leo thang, theo SCMP.
Long Hưng Xuân, chuyên gia về quan hệ tại vùng Đông Á và chủ tịch Viện Quan hệ Thế giới Thành Đô (Trung Quốc), cho biết khả năng phóng chiếu sức mạnh của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Ấn Độ. Vì thế, Bắc Kinh sẽ không quá lo ngại trước động thái này của đối phương, theo Zing.