Kinh tế Trung Quốc khó có thể giành vị trí số 1 thế giới và sẽ vẫn “kém thịnh vượng hơn nhiều” so với Hoa Kỳ, theo nhận định của một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Sydney (Úc).
Viện Lowy, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Úc, mới đây đã công bố báo cáo mang tên: “Điều chỉnh sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Báo cáo cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức trung bình từ 2 đến 3% từ nay đến năm 2050. Con số này là thấp đáng kể so với nhận định trước đó của các nhà phân tích.
Đồng tác giả báo cáo và là nhà kinh tế chính của Lowy, ông Roland Rajah cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với một số hạn chế đáng kể đối với nền kinh tế của nước này. Trong đó, có các vấn đề về nhân khẩu học, đầu tư công, và năng suất chậm lại.
Ông Rajah cho biết, đã có khoảng 20 nghiên cứu gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể đạt trung bình khoảng 5% một năm cho đến năm 2030, sau đó giảm xuống khoảng 4% cho đến năm 2050.
Tuy nhiên, dự đoán này nên được “điều chỉnh lại” theo hướng thấp xuống.
Ông Rajah nói: “Kỳ vọng về sự trỗi dậy của Trung Quốc nên được điều chỉnh giảm xuống đáng kể so với hầu hết các nghiên cứu kinh tế hiện có”.
Các nhà phân tích gần như không thể có được dữ liệu thực tế từ Trung Quốc. Số liệu do chính quyền Trung Quốc công bố bị nghi ngờ là không đáng tin cậy và bị thổi phồng quá mức.
Theo Viện Lowy, yếu tố đóng góp rõ ràng nhất vào sự suy giảm tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc là nhân khẩu học.
Sau 37 năm áp dụng chính sách một con hà khắc, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang tiếp tục suy giảm đáng kể.
Ông Rajah cho biết: “[Dự đoán của Liên hợp quốc] cho thấy vào năm 2050, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 220 triệu người — tương đương với khoảng 1/5 dân số so với mức hiện tại”.
Các quốc gia phát triển phương Tây thường đón nhận người nhập cư để bù đắp cho tỷ lệ sinh thấp. Nhưng đây không phải là phương án khả thi với Trung Quốc. Vì thường thì người dân Trung Quốc di cư ra nước ngoài, còn trường hợp ngược lại thì khá hiếm.
Khi dân số già đi và giảm xuống, thì nhu cầu về nhà ở cũng giảm theo. Kết quả là, thị trường nhà ở của Trung Quốc cũng đối mặt với sự suy giảm.
Ông Rajah cho biết: “Thị trường nhà ở Trung Quốc [đang] trải qua một đợt rung chuyển tài chính khó khăn do cơ quan quản lý điều hành sau nhiều thập niên tăng trưởng và đầu tư nhanh chóng.”
Sự sụp đổ gần đây của Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc, công ty nắm giữ khoản nợ lên tới 3% GDP của Trung Quốc, là “thiệt hại lớn” đầu tiên trong các chính sách thắt chặt nhà ở của Bắc Kinh.
Khi Trung Quốc đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về dân số, thì Bắc Kinh trông mong vào năng suất lao động. Nhưng năng suất lao động của người Trung Quốc chưa bao giờ đạt được mức độ ấn tượng.
Khi so sánh nền kinh tế Trung Quốc với các giai đoạn phát triển tương tự của nền kinh tế Bốn con hổ châu Á, thì mức độ tăng trưởng năng suất ở Trung Quốc kém hơn một “biên độ đáng kể”. Vì vậy giới quan sát cho rằng còn xa Trung Quốc mới có thể soán ngôi Mỹ và trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.