Người dân đổ xô đi xem cầu Rồng phun lửa, phun nước; Đại Sứ Mỹ gửi thông điệp tới người Việt Nam.
Dưới đây là các tin nổi bật sáng 13/2/2022:
Nội dung chính
Hàng nghìn người xem cầu Rồng phun lửa, phun nước
Vào tối 12/2, hàng nghìn người đã đổ xô tới cầu Rồng (Đà Nẵng) để xem công trình này phun lửa, phun nước sau thời gian gián đoạn vì Covid-19.
Theo báo Người Lao Động (NLĐ), việc tổ chức cho cầu Rồng phun lửa, phun nước là do Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng thực hiện. Thành phố tổ chức hoạt động này vào 21 giờ thứ 7, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.
Hai đợt phun lửa, phun nước diễn ra trong khoảng 15 phút. Ngoài việc tổ chức phun lửa, phun nước trở lại đối với cầu Rồng, thành phố Đà Nẵng còn cho phép mở lại các dịch vụ như massage, spa, karaoke… để thu hút khách du lịch.
Đại sứ Mỹ gửi thông điệp tới Việt Nam
Tân đại sứ Mỹ Marc Knapper hôm 12/2 đã gửi một thông điệp bằng video tới người dân Việt Nam nhân dịp mở đầu nhiệm kỳ của ông.
“Tôi và gia đình rất vui và vinh dự được quay trở lại Việt Nam, nơi chúng tôi đã làm việc cách đây 15 năm”, ông Knapper nói bằng tiếng Việt. “Khi đó, tôi đã rất ấn tượng với con người và đất nước Việt Nam tuyệt vời, cũng như tiềm năng mối quan hệ giữa hai quốc gia”.
“Tôi rất phấn khởi được ở đây và làm việc cùng các bạn để ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”, ông Knapper cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị gọi là “cướp biển”
Nhà báo Tom Rogan của Washington Examiner hôm 12/2 gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một “tên cướp biển”.
Trong bài bình luận đăng trên mục “Restoring America” của Washington Examiner, ông Rogan cho rằng ông Tập đang phải đối mặt với “một vấn đề ngày càng tăng”.
“Phẫn nộ trước sự ngạo mạn và bắt nạt của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy quyền kiểm soát đối với Biển Đông, ngày càng có nhiều quốc gia đang đẩy mạnh để chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Rogan viết.
Ông đề cập đến việc gần đây Việt Nam đang tăng cường hợp tác với Hải quân Hoa Kỳ và thực hiện các nỗ lực mới nhằm bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông.
Trung Quốc xuất khẩu chế độ độc tài ra toàn cầu
Báo Nikkei Asia sáng nay (13/2) đăng bài bình luận của thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa, bang Florida); cho rằng “Trung Quốc đang xuất khẩu chế độ độc tài của mình ra toàn cầu một cách thành công”.
“Tất cả chúng ta đều biết về những vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trung Quốc (ĐCSTQ): chế độ nô lệ thời hiện đại, nạn diệt chủng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc khác đang diễn ra ở Tân Cương, các cuộc tấn công nhắm vào tự do tôn giáo và báo chí, và còn nhiều vấn đề khác”, ông Rubio viết.
Nhưng “những gì không được báo cáo rộng rãi là ĐCSTQ cũng đang xuất khẩu thành công các hành vi độc tài, lạm dụng của mình trên toàn cầu”.
Ông Rubio kêu gọi các quốc gia từ chối các thỏa thuận một chiều với Trung Quốc vốn làm xói mòn chủ quyền và lợi ích của công dân nước mình.
Điện đàm Biden-Putin: Không có thay đổi căn bản nào
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm dài cả tiếng đồng hồ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2, theo thông báo của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, cuộc điện đàm không đem lại “thay đổi căn bản nào” liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine hay không, Washington Times đưa tin.
Ông Biden đã cảnh báo ông Putin rằng Mỹ sẽ “phản ứng quyết liệt, mau lẹ và khiến Nga phải trả giá đắt” nếu Nga quyết định xâm lược Ukraine.