Việc vận hành tàu sân bay rất tốn kém, nhưng Trung Quốc điều 2 tàu sân bay tới ở Biển Đông để làm gì?
Dưới đây là bản tin thế giới ngày 21/12/2021:
Nội dung chính
2 tàu sân bay Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy điều gì?
Một nhà phân tích cho biết Trung Quốc gần đây đã triển khai cả 2 tàu sân bay của nước này trong các cuộc tập trận ở Biển Đông. Đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh ngày càng tự tin hơn về năng lực của hạm đội tàu sân bay của mình, theo nhà nghiên cứu Ian Storey, thành viên cấp cao của VIỆN ISEAS-Yusof Ishak (Singapore)
Ông Storey cho biết: “Việc cho hai tàu sân bay hoạt động trên vùng biển gần như cùng một lúc, cùng với các tàu hỗ trợ, cho thấy Hải quân Trung Quốc ngày càng tự tin hơn về việc sử dụng những khí tài này để phát huy sức mạnh nhằm thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Trung Quốc”.
Ông nói thêm: “Các tàu sân bay rất phức tạp và tốn kém, đó là lý do tại sao rất ít hải quân vận hành chúng.”
Tỉ lệ đi bầu cử của người Hồng Kông thấp kỉ lục
Số người đi bầu đã chạm mức thấp lịch sử trong cuộc bầu cử lập pháp ở Hồng Kông gần đây, theo Nikkei. Chỉ có 30,2% cử tri đã đăng ký là đi bỏ phiếu trước khi các cuộc bỏ phiếu đóng cửa vào Chủ nhật (19/12).
Hiện tượng này xuất hiện khi Bắc Kinh “đại tu” hệ thống bầu cử tại Hồng Kông, theo đó chỉ những “người yêu nước” mới được phép ứng cử. Những “người yêu nước” mà Bắc Kinh ám chỉ là những người tuân theo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Nikkei, các nhà quan sát cho rằng sự việc tỉ lệ bỏ phiếu ở Hồng Kông rớt nghiêm trọng là điều “đáng xấu hổ” đối với chính phủ Trung Quốc.
Các nước Ngũ Nhãn quan ngại về cuộc bỏ phiếu ở Hồng Kông
5 nước thành viên của Ngũ Nhãn (gồm Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) đã ban hành một tuyên bố chung để bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp ở Hồng Kông, trong đó chỉ những người trung thành với Bắc Kinh mới được phép tranh cử.
Các bộ trưởng ngoại giao của 5 quốc gia cho biết họ lo ngại về “tình trạng xói mòn các yếu tố dân chủ” trong hệ thống bầu cử của Hồng Kông.
Mỹ bổ nhiệm điều phối viên đặc biệt về Tây Tạng
Hoa Kỳ đã bổ nhiệm một “điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng” mới vào ngày 20/12, theo CNA. Điều phối viên này là Thứ trưởng Ngoại giao Uzra Zeya.
Bà có nhiệm vụ khởi động lại cuộc đối thoại giữa lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma và Trung Quốc, cũng như thúc đẩy tình hình nhân quyền ở Tây Tạng.
Tập Cận Bình lo thiếu lương thực
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng lương thực ở Trung Quốc, mặc dù các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin Trung Quốc được mùa lương thực 18 năm liên tiếp.
Tại một hội nghị kinh tế mới đây, ông Tập lưu ý rằng “đất canh tác vẫn đang giảm dần”, theo kênh truyền thông nhà nước CPC News.
Ông Tập nói: “Một số nơi có nhiều đất tốt, nhưng họ không trồng ngũ cốc… Vậy làm sao để có ngũ cốc đây?”