Nữ nhân viên tiệm vàng trộm 2.380 nhẫn vàng với tổng giá trị là 9,63 tỷ đồng đối mặt hình phạt 20 năm tù?
Liên quan đến vụ Lương Thị Nhung – nữ quản lý tiệm vàng Kim Hương ở tỉnh Bình Phước lấy trộm 2.380 chiếc nhẫn vàng, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đây là hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên khung hình phạt cho đối tượng sẽ rất nặng.
Trao đổi với báo Dân Việt, luật sư Khuyên cho biết, theo thông tin ban đầu của cơ quan điều tra và chủ tiệm vàng cung cấp, số nữ trang đối tượng Lương Thị Nhung trộm cắp là 2.380 sản phẩm (chủ yếu là nhẫn vàng) với tổng giá trị là 9,63 tỷ đồng.
Có thể nói với tính chất và mức độ đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, nếu bị chứng minh phạm tội Nhung sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc và phải giao nộp lại số tài sản đã trộm cắp hoặc số tiền thu được từ việc bán nữ trang.
Luật sư Khuyên nhấn mạnh, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ, đối tượng đã thực hiện hành vi trong một thời gian dài, hành vi có tính chất chuyên nghiệp và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn chuyên nghiệp, từ khâu trộm cắp cho đến khâu tiêu thụ tài sản trộm cắp.
Hành vi này cấu thành “Tội trộm cắp tài sản” do số tài sản trộm cắp lớn trên 500 triệu đồng, nên khung hình phạt mà Nhung sẽ phải đối mặt là từ 12 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.
Theo vị luật sư, cơ quan điều tra cũng sẽ điều tra xem xét xem trong vụ án này, chỉ một mình đối tượng thực hiện hành vi hay có các đồng phạm khác cùng thực hiện.
Cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm giấy tờ, biên nhận cầm đồ… trong nhà của vợ chồng đối tượng, nên nếu có thêm vai trò của chồng cùng thực hiện thì người chồng sẽ bị xử lý về tội “Trộm cắp tài sản” với vai trò là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức.
Trong trường hợp chồng của Nhung không tham gia trộm cắp nhưng chứa chấp và tiêu thụ tài sản phạm pháp do vợ mình thực hiện hành vi trộm cắp mà có, người này có thể bị xử lý về “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Nếu chứa chấp và tiêu thụ tài sản, vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm, ngoài ra người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản phạm pháp.
Bởi, về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội thực hiện hành vi này với lỗi cố ý, có nghĩa người phạm tội phải biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ.
Trường hợp người chứa chấp hoặc tiêu thụ không thể biết được tài sản đó là do người khác phạm tội mà có thì không phạm tội này.
“Cơ quan điều tra sẽ thu thập lời khai của các đối tượng liên quan, chứng cứ, đồ vật, tang vật vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám nhà đối Nhung để xem xét đánh giá tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi để cân nhắc chế tài xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật”, luật sư Khuyên cho biết.
Mời quý độc giả xem video khám xét nhà ở của Nhung (Youtube Thanh Niên):
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng cùng ngày, chủ tiệm vàng Kim Hương 1 trình báo về việc bị mất số vàng lớn nghi do Nhung lấy trộm. Sau đó, công an phường Tân Bình đã mời Nhung về trụ sở làm việc.
Làm việc với công an, Nhung đã thừa nhận nhiều lần lấy trộm vàng tại quầy do mình quản lý, mỗi lần lấy 5-8 chiếc nhẫn. Từ tháng 8/2020 đến lúc bị bắt giữ, Nhung đã trộm tổng cộng 2.380 nhẫn vàng loại 18K.
Số vàng trộm được, Nhung nhờ người khác đem đi bán hoặc cầm cố tại các tiệm vàng trên địa bàn TP. Đồng Xoài rồi đưa tiền cho chồng giữ.