Trong khi Trung Quốc đang vui mừng với các huy chương vàng giành được tại Thế vận hội Tokyo thì hình ảnh một cựu VĐV vô địch thế giới người Trung Quốc ăn xin tại bến tàu khiến cư dân mạng thảo luận sôi nổi về mặt trái của thể thao nước này.
- VĐV Trung Quốc chửi thề thô bạo tại Olympic bị Hàn Quốc khiếu nại
- Ủy ban Olympic điều tra 2 VĐV Trung Quốc đoạt huy chương vàng đeo huy hiệu Mao
Gần đây, một bức ảnh của Zhang Shangwu (Trương Thượng Vũ), cựu vô địch thể dục dụng cụ Trung Quốc , được lan truyền mạnh mẽ trên Weibo. Trong ảnh, anh mặc đồng phục thể thao của đội tuyển quốc gia Trung Quốc, tay cầm một tấm biển có tên mình khi đi ăn xin trong một toa tàu điện ngầm.
Bức ảnh không ghi rõ thời gian, tuy nhiên dựa vào việc hành khách trên tàu không đeo khẩu trang có thể suy ra đây không phải là ảnh chụp thời điểm hiện tại.
你国的体操冠军👇 pic.twitter.com/n7i4Orfjw3
— Vanessa 姗 (@Vanessa_ZhangUK) August 7, 2021
Zhang Shangwu sinh năm 1983, cao 1,5 mét. Khi lên 5 tuổi, anh học thể dục dụng cụ tại Trường Thể dục thể thao nghiệp dư Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc. Đến năm 12 tuổi, anh được chọn vào đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia. Năm 2001, Zhang Shangwu đã giành chức vô địch tại Đại hội thể thao sinh viên thế giới lần thứ 21 tổ chức tại Bắc Kinh, và chức vô địch đồng đội thể dục dụng cụ nam.
Năm 2002, Zhang Shangwu rút lui khỏi đội tuyển quốc gia và trở lại Đội thể thao tỉnh Hà Bắc. Vào tháng 6/2005, anh giải nghệ sau chấn thương đứt gân gót chân. Không còn nguồn thu nhập ổn định, anh từng 3 lần bị bỏ tù vì tội ăn cắp, từng biểu diễn nghệ thuật đường phố ở Bắc Kinh, Thiên Tân và nhiều nơi khác để kiếm sống. Anh túng quẫn đến nỗi phải bán cả huy chương vàng.
Theo Sound of Hope, một số người nói rằng đây chỉ là một trong những bi kịch của nhiều vận động viên ở Trung Quốc đại lục.
Ví dụ, vận động viên Judo Zhuang Duoduo (Trang Đóa Đóa), người từng giành nhiều chức vô địch trong các cuộc thi ở Diên An và Thiểm Tây, đã giải nghệ vào năm 2009 vì bệnh hen suyễn. Sau khi nghỉ thi đấu, Zhuang Duoduo không có việc làm và không có tiền khám bệnh, chính quyền cũng bỏ mặc cô.
Duoduo từng công khai vạch trần sự đen tối của thể thao Trung Quốc. Cô cho biết vì chưa đến tuổi thi đấu theo quy định nên đã dùng thân phận của chị để tham gia thi đấu, bị huấn luyện viên cho ăn bột trắng không rõ nguồn gốc, tiền trợ cấp bị lấy mất, tiền thưởng cũng không được nhận.
Trong khi đó, nhà vô địch cử tạ quốc gia Zou Chunlan (Trâu Xuân Lan) có cuộc sống khó khăn sau khi giải nghệ, đồng thời do khổ luyện lâu dài, nội tiết tố nam cao hơn bình thường khiến cô bị lồi thanh quản, mọc râu và mắc chứng vô sinh. Cô cho rằng điều này là do dùng thuốc trong thời gian dài.
Nhà vô địch cử tạ của Đại hội thể thao châu Á Bắc Kinh Cai Li (Tài Lực) từng phá kỷ lục châu Á, giành hơn 40 chức vô địch quốc gia và hơn 20 chức vô địch châu Á. Nhưng sau nghỉ thi đấu, anh sống trong cảnh nghèo khó và mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Năm 2003 anh qua đời vì áp lực cuộc sống và bệnh tật.
Một cư dân mạng Weibo để lại lời nhắn: “Tôi mong rằng đất nước sẽ chú ý đến sự phát triển trong tương lai của các vận động viên đã nghỉ hưu. Họ đã đánh đổi tuổi thanh xuân của mình để đem vinh quang về cho đất nước, nhưng cuối cùng cuộc đời họ lại bi thảm như vậy”.