Nhận được tin bố bị tai biến, chàng trai khuyết tật (không ngón tay) vội ra sân bay Tân Sơn Nhất; anh vét sạch trong người 350.000 đồng để đặt vé cho chuyến bay sớm nhất.
- Nước mắt người cha lần đầu đi máy bay: ‘Con gái tôi mất rồi, cô cho tôi bay sớm với’
- Ba đứa con thơ khóc nghẹn cầu xin sự sống cho cha bị vỡ hộp sọ sau tai nạn
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về “vị khách đặc biệt với tấm vé cuối ngày về chăm bố bị tai biến” của chàng trai khuyết tật, vét sạch số tiền lẻ trong túi cũng không đủ mua vé máy bay.
Thanh Niên dẫn lời chị Lương Thị Thu Thảo (25 tuổi, nhân viên quầy vé của Bamboo Airways) cho biết, vị khách đặc biệt trong câu chuyện trên là anh Nguyễn Quốc Phương (quê Hải Dương) vào Sài Gòn bán vé số.
Khoảng 16 giờ ngày 31/5, anh Phương được an ninh cổng sân bay dẫn vào hỏi mua vé đi Hà Nội. Đứng trước quầy, anh đưa giấy chứng nhận khuyết tật rồi hỏi có thể đi được không.
“Tôi trả lời giấy tờ này anh không được đi rồi anh ơi. Ảnh nói, anh chị giúp đỡ giùm em đi, em bị cụt hai tay nên đâu thể nào lăn tay được mà làm CMND. Nhìn mặt ảnh khắc khổ, tôi báo cấp trên của mình là anh Trí hỏi xem có cách nào hỗ trợ giúp hành khách được không…”, chị Thảo kể.
Dù biết là sẽ khó, nhưng anh Nguyễn Đoàn Trí vẫn hy vọng giúp được chàng trai khuyết tật này nên đồng ý dẫn anh đến các cửa để xin “giải quyết linh động”. Bất ngờ là mọi chuyện khá suôn sẻ, cả hai nhận được câu trả lời: “Được, em!” từ cấp trên.
Sau khi anh Trí lo xong giấy tờ hỗ trợ bay, đến lượt Thu Thảo làm thủ tục xuất vé thì chàng trai khựng lại, hỏi: “Vé bây giờ nhiều tiền không?”.
Chị Thảo báo giá vé thấp nhất cho chuyến bay cuối cùng lúc 17h50 về sân bay Nội Bài, Hà Nội là 900.000 đồng. Chàng trai móc trong chiếc túi đựng vé số cũ mèm ra một xấp tiền tiền lẻ tờ tiền to nhất là 10.000 đồng, tổng cộng là 350.000 đồng, và nói đây là toàn bộ “gia tài” của mình.
“Anh ấy kể, vào Sài Gòn được ba năm nay, hàng ngày bán vé số kiếm tiền gửi về quê. Trước đây, mỗi lần về thăm bố anh đều phải đi xe khách”, chị Thảo chia sẻ với VnExpress.
Vừa bán vé xong nghe tin bố bị tai biến nên anh chạy ra về luôn, anh chàng tần ngần một lúc rồi nhờ chị Thảo giữ hộ số tiền, còn mình quay ra bắt xe ôm về quận 7 vay tiền của bạn rồi quay lại mua vé. Nhưng nếu như vậy chắc chắn anh sẽ lỡ chuyến bay cuối cùng trong ngày hôm nay.
Chị Thảo và anh Trí cùng kéo tay anh lại nói: “Anh cứ ở đây, tiền thiếu này tụi em sẽ bù cho anh”. Ngay lập tức, tấm vé mang tên Nguyễn Quốc Phương được xuất.
“Biết thiếu nhưng ảnh không hề hỏi hay nhờ ai ủng hộ mà định quay về đi vay tiền. Tôi thấy rất đáng quý nên cùng mọi người quyết định giúp”, Thu Thảo nói.
3 năm làm nhân viên quầy vé giờ chót, chị Thảo gặp nhiều trường hợp khó khăn, nhân viên đều chung tay giúp đỡ, nhưng đây là hoàn cảnh khiến chị xúc động nhất, theo Thanh Niên.
Trong lúc anh Trí dẫn Phương lên cổng an ninh để đảm bảo chàng trai lên được máy bay, chị Thảo cũng kịp chạy quanh, kêu gọi các anh an ninh ở cổng, nhân viên quầy vé ủng hộ thêm cho anh Phương ít tiền làm lộ phí đi từ Hà Nội về nhà.
Sau khi nhận vé và lên phòng chờ, anh Phương bịn rịn nói lời cám ơn nhiều lần và hỏi tên mọi người. Đêm đó, sau khi đáp xuống sân bay Nội Bài, anh đi xe khách về đến nhà vào lúc 21h30.
Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của chàng trai bán vé số nhỏ xíu, bàn tay co cúm cùng tấm vé cuối ngày đi vào phí phòng chờ ai nấy đều cảm thấy lâng lâng trong lòng.
“Tôi rất vui và xúc động khi được các anh chị ở sân bay giúp đỡ. Bố tôi đã đỡ hơn. Tôi sẽ ở nhà chăm sóc ông cho đến khi hết dịch thì sẽ vào lại Sài Gòn”, anh Phương cho biết.
Sau khi bài viết được đăng tải trên các hội nhóm đã nhận được rất nhiều lời khen và cảm ơn tấm lòng nhân ái của những con người nơi đây:
“Cảm ơn những tấm lòng nhân hậu đã viết lên nét đẹp giữa đời thường”.
“Tình người thật ấm áp ! Đâu đó quanh ta vẫn còn rất nhiều người tốt” .
“Thật tuyệt vời .Cảm động quá .nếu có mặt tại đó mình cũng muốn chung tay”.