Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mang Yang (Gia Lai) cho biết, vừa yêu cầu Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đak Djrăng) báo cáo việc hội phụ huynh trường thu tiền trực đánh trống và vệ sinh lớp học.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, theo phản ánh của một phụ huynh có con học tại trường, trong cuộc họp đầu năm học, hội phụ huynh đưa ra khoản thu “tiền trực đánh trống và vệ sinh lớp học” với mức thu học 150.000 đồng/học sinh.
Vị phụ huynh nhận định, việc đánh trống có thể phân cho bảo vệ hoặc giáo viên nghỉ giờ có thể đánh trống. Còn việc vệ sinh lớp học thì trước nay học sinh vẫn có thể làm. Đó coi như là hoạt động mang tính chất giáo dục cộng đồng. Các em có thể tự phân công theo tổ, thay phiên nhau vệ sinh lớp học và lau bảng.
Chiều 22/9, cô Lê Thị Tâm – hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết trên báo Tuổi Trẻ rằng: “Khoản tiền trực trống và vệ sinh này không phải nhà trường yêu cầu. Cái này là hội phụ huynh đóng. Mà các phụ huynh đòi đóng, vì không muốn con em mình phải bẩn tay, bẩn chân, chỉ lo việc học thôi.
Nhà trường muốn các cháu học đi đôi với hành, phải rèn luyện tu dưỡng đạo đức, biết quý trọng công sức lao động, nên nhắc đi nhắc lại với phụ huynh về mục này. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay phụ huynh đề xuất thu khoản tiền đó. Khi họp phụ huynh cũng không thấy ai ý kiến gì về nội dung này, đều thống nhất cả”.
Hiệu trưởng của trường cũng cho rằng, việc trực đánh trống không phải là nhiệm vụ của nhân viên bảo vệ, vì nhân viên này chỉ có hai nhiệm vụ là bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trật tự tại trường. Các phụ huynh cũng thống nhất đóng 150.000 đồng/em để thuê vợ của nhân viên bảo vệ lo việc vệ sinh lớp học và trực đánh trống, vì không ai nhận làm. Hiện nhà trường có 405 học sinh. Tuy nhiên, các học sinh nghèo, khuyết tật và dân tộc thiểu số sẽ không phải đóng khoản tiền này.
Ông Hồ Văn Diệp – trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo Mang Yang cho biết trên báo Tuổi Trẻ: “Nghe khoản đóng tiền này thấy vô lý. Vừa qua, tỉnh có văn bản chỉ đạo về việc chống lạm thu đầu năm. Theo nguyên tắc, nhà trường thu khoản gì phải lập danh sách, có UBND xã xác nhận, sau đó gửi lên Phòng Giáo dục và đào tạo thẩm định và phê duyệt thì mới được thu. Phòng cũng đã quán triệt các trường khuyến khích các học sinh lao động ở trường như lao động, vệ sinh. Đó cũng là cách giáo dục và rèn luyện ý thức cho các em. Phòng sẽ sớm có văn bản chấn chỉnh các trường thực hiện nghiêm vấn đề này, không để xảy ra tình trạng lạm thu”.
Trước đó, báo VietNamNet thông tin rằng, nhiều phụ huynh trường THCS Bình Chánh xôn xao về phiếu thu ghế ngồi học sinh, được lập ngày 18/7, có đóng dấu, kèm số tiền phải đóng trong 4 năm học là 40.000 đồng/cháu.
Được biết, đây là tiền ghế nhựa để học sinh lớp 6 ngồi chào cờ. Số tiền do đại diện hội phụ huynh đề xuất nhưng khi thu lại lập phiếu có dấu đỏ của nhà trường. Sau khi biết thông tin sự việc, phòng GD-ĐT Bình Chánh yêu cầu Trường THCS Bình Chánh tạm dừng thu tiền ghế ngồi và trả lại số tiền đã thu. 400 học sinh Trường THCS Bình Chánh đóng tiền đã được nhà trường trả lại.