Nam thanh niên 19 tuổi bị điện giật vừa được cứu sống ngoạn mục bằng phương pháp “ngủ đông” nhân tạo.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng, Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết ngày 8/9, nam thanh niên đang làm việc tại xưởng may ở Quảng Nam thì bị điện giật, gục xuống bàn, tim ngừng đập, ngừng thở, theo báo Vnexpress.
Sau khi được ép tim và sơ cứu, anh được chuyển gấp ra Bệnh viện Đà Nẵng. Lúc này, tim bệnh nhân đã đập lại, nhưng rơi vào tình trạng hôn mê sâu, nguy cơ tổn thương não sau ngừng tim.
“Bệnh nhân rất dễ bị di chứng như sa sút trí tuệ, hôn mê nằm tại chỗ, sống thực vật”, bác sĩ Hùng nhớ lại.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho thở máy, truyền thuốc vận mạch. Để bảo vệ não người bệnh khỏi các tổn thương, bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt bằng các vật liệu đặc biệt đắp trên da có gắn thiết bị trao đổi nhiệt.
Ban đầu, nhiệt độ cơ thể được hạ xuống còn 33 độ C, bệnh nhân đi vào trạng thái “ngủ đông” trong 24 giờ liên tục. Sau đó, nhiệt độ nâng dần lên 0,15 độ C mỗi giờ cho tới 37 độ C. Qua ba ngày kiểm soát nhiệt độ sát sao, bệnh nhân dần mở mắt, chớp mắt và cử động được.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, ăn uống bình thường, trí nhớ khôi phục. Ngày 15/9, anh được xuất viện. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân không có di chứng tổn thương não về cả vận động và thần kinh, có thể sinh hoạt, lao động như trước tai nạn.
“Chúng tôi đã chiến đấu cùng em, cả khi những dấu hiệu ban đầu thực sự không khả quan. Nhưng cuối cùng kỳ tích đã xuất hiện. Vui mừng vì sự trở lại của em, của Bệnh viện Đà Nẵng”, bác sĩ Nguyễn Văn Đồng (Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BV Đà Nẵng) chia sẻ niềm vui khi BN trẻ tuổi được cứu sống ngoạn mục, cùng thời điểm BV Đà Nẵng chính thức hoạt động trở lại sau thời gian kiểm soát, khống chế dịch Covid-19.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt, áp dụng ba năm qua tại Bệnh viện Đà Nẵng, đã giúp cứu sống ít nhất 10 bệnh nhân trẻ tuổi bị ngừng tuần hoàn. Nhóm bệnh nhân có thể áp dụng kỹ thuật này gồm người bị điện giật, đuối nước, rối loạn nhịp tim… hoặc bị chấn thương sọ não, đột quỵ não.
Bác sĩ Hùng giải thích, khi cơ thể ngừng tuần hoàn, trái tim không cung cấp máu cho não mà chỉ tập trung cho chính nó, lúc này não thiếu máu. Khi tim hoạt động lại, bơm máu ồ ạt lên não gây úng tế bào. Do đó, cơ chế hạ thân nhiệt, cho cơ thể ngủ đông được áp dụng khi não chưa được tái tưới máu. Bác sĩ chủ động giảm nhu cầu chuyển hóa cơ thể bệnh nhân, điều chỉnh lượng máu lên não phù hợp, hạn chế tổn thương tế bào não và hỗ trợ não hồi phục.
Hiệu quả của phương pháp này được đánh giá cao bởi gần như không để lại bất cứ di chứng thần kinh nào, hạn chế tổn thương não ở mức thấp nhất cho người bệnh.
Trước đó, Bệnh viện Xuyên Á TP. HCM cũng áp dụng kỹ thuật này giành lại sự sống cho một nam thanh niên 26 tuổi bị điện giật ngưng tim ngưng thở.