Bộ Công thương vừa đưa ra một số phương án về việc tính giá điện. Trong đó có 2 phương án tính “điện một giá” là 2.703,438 đồng/kWh và 2.889,882 đồng/kWh.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, bộ công thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014, chính thức đưa ra lấy ý kiến.
Phương án thứ nhất: Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút từ 6 bậc xuống còn 5 bậc.
Phương án thứ hai: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá (khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá).
Với phương án này, Bộ Công thương đưa ra 2 lựa chọn là 2A hoặc 2B.
Điểm khác biệt lớn nhất của 2 phương án phụ 2A và 2B là giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.
Đồng thời, mức giá bán điện bậc 5 (từ kWh thứ 701 trở lên) cũng có sự chênh lệch lớn.
Nếu chọn phương án 2A, thì giá điện bậc 5 là 274% so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu chọn phương án 2B, thì giá điện bậc 5 là 185% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Với phương án 2 này, người dân được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Hiện Bộ Công Thương quy định mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh. Do đó, nếu khách chọn điện một giá thì giá mỗi kWh có giá khoảng 2.703 đồng/kWh (phương án 2A) hoặc 2.889 đồng/kWh (phương án 2B). Mức giá này chưa gồm VAT.
Người dân nghĩ gì?
Theo Trithucvn, người đọc đã có những nhận xét khác nhau về ý tưởng mới của Bộ Công thương, dưới đây là một số bình luận trên các trang báo
Phạm Văn Phúc: “Mọi người để ý đang tách bậc 1 (0-100)kw; bậc 2(101-200), trong khi đó bậc 3 (201-400)kw. Mà thu tận 141%. Thế những hộ muốn tiết kiệm dùng trong khoảng (201-300) họ lại bị thiệt. Bộ công thương nên tách bậc này ra từ (201-300) và (301-400)kw.”
Lan: “Tính giá này thì chẳng khác nào chặn đường người có thu nhập thấp”.
Thúy Vy: “Không có cách tính giá điện nào mà có thể vừa tốt cho dân mà vừa tốt cho Bộ Công thương sao, sao càng tính càng đẩy giá bậc thang vậy”.
Đặng Ba: “Bài học xe gắn máy, điện thoại di động,… vẫn còn đó. Còn độc quyền phân phối điện thì giá điện vẫn còn cao, người tiêu dùng vẫn còn thiệt”.
Vy: “Cứ lấy tổng chia đều rồi lấy điện một giá thì chẳng phải người xài nhiều sẽ không giảm, chỉ người xài ít tự nhiên phải trả gấp đôi sao?”.
Minh Luân: “Tôi chẳng thấy người dân được lợi ích gì khi EVN đưa ra các dự thảo cách tính giá điện mới? Chỉ khi nào có nhiều công ty kinh doanh điện khác cùng tham gia thị trường điện (giống như viễn thông) thì may ra người dân mới được hưởng lợi về giá điện”.
Lê phong thi: “Dân không được tham gia định giá thì vẫn mãi bị thiệt mà thôi”.
VVM: “Một khi còn độc quyền ngành điện thì giá điện không phản ánh đúng giá cả trên thị trường. Điện lực đưa ra giá điện nếu khách hàng không mua thì hết sự lựa chọn? Thông tin của hai bên là không tương xứng.
Nếu Nhà nước muốn trợ giá cho hộ nghèo thì nên hỗ trợ trực tiếp, họ dùng tiền muốn chi tiêu như thế nào là do họ quyết định, như vậy sẽ tối đa hóa thỏa dụng của người nghèo. Việc phân chia bậc thang trong tính giá lại càng thiếu cơ sở thực tiễn và khoa học (tại sao có bậc thang như vậy? Cơ sở nào chứng minh là các KW điện ở các bậc thang sau là tốn chi phí hơn là KW ở bậc thang trước?”
Ưu Viết Chánh: “EVN tính kiểu gì thì thì dân cũng chẳng giảm được gì”.
Đình Thủy: “Đã là độc quyền cung cấp thì không thể nói là rẻ hay trung thực được. Chấp nhận độc quyền chỉ khi có sự giám sát chặt chẽ của một bộ phận kiểm sát, giám sát thu chi của nhà cung cấp mới hy vọng phần nào tính minh bạch và người dân mới có thể chấp nhận được”.