Từ hôm nay 4/7, hai tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Nimitz cùng 4 tàu chiến tham gia tập trận ở Biển Đông, cùng lúc Trung Quốc tập trận gần Hoàng Sa.
- Cập nhật sáng 4/7: Thử nghiệm mô phỏng đập Tam Hiệp vỡ, Hồ Bắc chỉ có 1 chỗ lánh nạn
- Dị tượng Trung Quốc: Âm thanh kỳ lạ phát ra ở vùng núi Quý Châu
- Chuyên gia thủy lực: Xả lũ đập Tam Hiệp giống một cơn sóng thần
Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ CNN cho biết, đây là một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong những năm gần đây tại Biển Đông của hải quân Mỹ.
Người phát ngôn Hạm đội 7 – Joe Jeiley cho biết, các nhóm tàu sân bay tấn công chủ lực USS Nimitz và USS Ronald Reagan sẽ tiến hành đồng thời các hoạt động tại biển Philippines và Biển Đông để tạo cơ hội huấn luyện nâng cao cho các quân nhân Mỹ, và khả năng tác chiến linh hoạt trong bối cảnh phải ứng phó với những tình huống thực tiễn của khu vực.
“Sự hiện diện của hai tàu sân bay không nhằm phản ứng với bất cứ một sự kiện chính trị hay thế giới nào. Năng lực tiến bộ là một trong rất nhiều cách để hải quân Mỹ ủng hộ an ninh, ổn định và thịnh vượng trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Đài CNN dẫn lời người phát ngôn của hải quân Mỹ Joe Jeiley.
Cuộc tập trận của hải quân Mỹ diễn ra trong lúc quân đội Trung Quốc tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ ngày 1 – 5/7.
Theo The Wall Street Journal, việc Mỹ điều 2 tàu sân bay đến tập trận ở Biển Đông nhằm gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng việc nước này gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực là không phù hợp. Giới chức Mỹ cho hay họ muốn thách thức những yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc.
Trước đó, hôm 2/7 Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ trích cuộc tập trận của Trung Quốc là “đi ngược lại với những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và duy trì sự ổn định” tại khu vực.
Nói về cuộc tập trận của Trung Quốc ở biển Đông trong họp báo thường kỳ hôm 2/7, phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.