Trong khi căng thẳng biên giới Trung-Ấn không hạ nhiệt, tranh chấp trên biển Trung-Nhật đang được nhìn nhận là một mồi lửa quân sự chờ chực cháy bùng.
Tình hình căng thẳng đang diễn ra trên các chuỗi đảo cách khoảng 1.900 km về phía tây nam Tokyo, khu vực này phía Nhật gọi là Senkakus, còn Trung Quốc đặt là Điếu Ngư, khi cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền lịch sử khu vực này từ hàng trăm năm trước đây.
Hiện giờ động thái khẳng định chủ quyền ở khu vực này ngày càng gia tăng. Tuần trước phía Nhật Bản đưa ra con số thống kê về số lượng tàu Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã đạt mức kỷ lục mới. Nhật Bản cho biết có 67 ngày liên tiếp tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực tính đến ngày 19/6.
Phản ứng về sự xuất hiện với mật độ nhiều như vậy trên biển của tàu Trung Quốc, trong buổi họp báo vào ngày 16/06, thư ký nội các của Nhật Bản, bà Yoshi Suga đã khẳng định lại lập trường của Tokyo như sau: “Quần đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và chắc chắn là lãnh thổ của Nhật Bản trong lịch sử và theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi coi hành động của phía Trung Quốc là rất nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ phản ứng với phía Trung Quốc một cách kiên quyết và bình tĩnh”.
Sau đó, vào ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo: “Đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của nó là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc, và đó là quyền vốn có của chúng tôi để thực hiện các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật ở các vùng biển này.”
Khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư đã từng là địa điểm xảy ra xung đột lên đến cao trào vào năm 2012. Tại thời điểm đó, Nhật Bản đã quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân. Việc này đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên đường phố Trung Quốc, những người biểu tình ném các mảnh vỡ vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, đập phá các cửa hàng và nhà hàng Nhật Bản ở Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định rằng nếu Trung Quốc tìm cách đổ bộ lên khu vực đảo này, lực lượng của Nhật bản sẽ có phản ứng và điều này sẽ dẫn đến sự phản kháng đáng kể từ Bắc Kinh.
Ông William Choong, một thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định rằng việc Trung Quốc khuấy động tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sớm muộn sẽ xảy ra, ông nói: “Vấn đề không phải là Trung Quốc có leo thang căng thẳng hay không, mà là liệu Mỹ có đứng về phía Nhật Bản trong tranh chấp ở biển Hoa Đông hay không. Đây là điều mà giới chức Nhật Bản hồi hộp dõi theo”.