Bộ Tài chính lo ngại nhiều hộ kinh doanh nhỏ có thể ngừng hoạt động vì không theo kịp quy định thuế mới, đặc biệt là bỏ thuế khoán và áp dụng hóa đơn điện tử.

Bộ Tài chính cảnh báo nguy cơ hộ kinh doanh nhỏ dừng hoạt động do quy định thuế mới

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất xây dựng dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), trong đó đề cập đến việc bãi bỏ hình thức thuế khoán và bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/6 đối với các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.

Theo Bộ Tài chính, đây là bước đi phù hợp với xu hướng quản lý thuế hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này được cho là sẽ gây ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mô hình siêu nhỏ như quán nước vỉa hè, tạp hóa trong hẻm, bán hàng online…

“Việc xóa bỏ thuế khoán có thể dẫn đến nguy cơ một số hộ kinh doanh nhỏ phải ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu về công nghệ và kế toán”, Bộ Tài chính cảnh báo.

Chênh lệch nghĩa vụ thuế: Bất công cần xóa bỏ

Dữ liệu năm 2024 cho thấy cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó 2,2 triệu hộ hoạt động ổn định. Tổng thu ngân sách từ nhóm này đạt khoảng 25.953 tỷ đồng. Riêng quý I/2025, số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh ước đạt 8.695 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ 2024.

Đáng chú ý, hơn 4.000 hộ có doanh thu trên 10 tỷ đồng nhưng vẫn nộp thuế khoán với tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 0,4% doanh thu – trong khi những hộ kê khai chịu mức thuế 25-30%. Bộ Tài chính cho rằng sự chênh lệch này tạo ra tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng, dẫn tới thất thu ngân sách.

Khó khăn cho hộ yếu thế, nhưng là cú hích chuyển đổi số

Bộ Tài chính thừa nhận quy định mới có thể tạo rào cản đối với nhóm hộ kinh doanh yếu thế như phụ nữ, người lớn tuổi, dân tộc thiểu số – những người ít tiếp cận công nghệ. Việc tiếp cận, sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện chế độ kế toán dù đơn giản nhưng vẫn là thách thức lớn với nhóm này.

Tuy nhiên, Bộ khẳng định, việc bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử không chỉ đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế, mà còn là bước quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa ngành thuế, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết 68.

Tạo nền tảng phát triển doanh nghiệp tương lai

Quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số, giúp hộ kinh doanh từng bước quản trị tài chính bài bản. Từ đó, họ có thể phát triển lên mô hình doanh nghiệp, tiếp cận các chính sách hỗ trợ lớn hơn theo Nghị quyết 198, như ưu đãi tín dụng, đào tạo kỹ năng, hay hỗ trợ thị trường.

Theo: Dantri