Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 12/6 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau
Tin trong nước:
- Tạm đình chỉ phát hành ‘Từ điển chính tả tiếng Việt’
- Bắt giữ nhóm mua bán các cô gái trẻ làm nhân viên quán karaoke
- Bóp cổ bạn gái chết rồi tự tử đủ cách không thành, đành… báo công an
- Nhập heo sống của Thái Lan từ 12/6
- Bắt giam kẻ thả chó 50kg cắn người, không cho đưa nạn nhân đi cấp cứu
Tin thế giới:
- Đức yêu cầu Trung Quốc công bằng với doanh nghiệp FDI
- Thủ tướng Úc: Không để Trung Quốc bắt nạt hoặc ép buộc
- Việt Nam phản đối Trung Quốc lắp cáp biển quân sự ở Hoàng Sa
- Nhật sắp nới hạn chế nhập cảnh với Việt Nam
- Taxi bay 145km/h đi vào hoạt động
- Cập nhật tối 11/6: Nhiều hộ nghèo phải trích tiền hỗ trợ cho cán bộ thôn ‘uống nước’; Mỹ điều 2 biên đội tàu sân bay đến Thái Bình Dương
- Điểm tin kinh tế: Đường sắt do Trung Quốc làm đội vốn và chậm tiến độ; Tòa án Hàn từ chối bắt giữ người thừa kế Samsung
- Indonesia dũng cảm chấm dứt với Trung Quốc trong dự án đường sắt 5,5 tỷ USD, cầu cứu Nhật Bản
Sau đây là nội dung chi tiết
Tin trong nước
(Người Lao Động) – Tạm đình chỉ phát hành ‘Từ điển chính tả tiếng Việt’. PGS Hà Quang Năng cho biết chiều 12/6 đã nhận được thông tin Nhà xuất bản (NXB) Đại Học Quốc Gia Hà Nội có văn bản tạm đình chỉ cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của ông và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương.
Lý do tạm đình chỉ phát hành là cuốn sách “đang có nhiều tranh cãi chưa ngã ngũ từ độc giả, có nhiều vấn đề cần mổ xẻ”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tạm đình chỉ phát hành để có thêm những trao đổi với các tác giả và tham vấn thêm ý kiến của các nhà chuyên môn khác, “chứ không phải chỉ chạy theo dư luận”.
(Infonet) – Bắt giữ nhóm mua bán các cô gái trẻ làm nhân viên quán karaoke. Ngày 11/6, thông tin từ Công an Thanh Hóa cho biết, vừa triệt phá chuyên án 620M và bắt giữ 4 đối tượng, gồm: Trần Ngọc Tâm (SN 1988, trú xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa); Nguyễn Xuân Trường (SN 1996, trú xã Định Tiến, huyện Yên Định); Nguyễn Tuấn Anh (SN 1992) và Lê Quốc Bình (SN 2002) đều trú phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa về hành vi mua bán người và bắt giữ người trái pháp luật.
4 đối tượng trên câu kết với một số đối tượng khác là người địa phương thiết lập một đường dây mua bán các cô gái trẻ. Các đối tượng này lên mạng xã hội như Zalo, Facebook làm quen, tìm hiểu rồi rủ rê các cô gái trẻ không có công ăn việc làm ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Hà Giang, Hà Tĩnh về Thanh Hóa để ép làm nhân viên phục vụ tại các quán Karaoke.
(Tuổi Trẻ) – Bóp cổ bạn gái chết rồi tự tử đủ cách không thành, đành… báo công an. Khoảng 5h40 ngày 9/6, Nguyễn Thiện Khiêm (28 tuổi, ngụ xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chủ động gọi điện thoại cho cơ quan công an và trình báo đã bóp cổ “vợ mình” chết tại nhà trọ M.C.T. (ấp Phước Hòa, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Công an tới hiện trường phát hiện chị Ngô Thị Cẩm T. (27 tuổi, ngụ xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã chết. Khiêm nằm bên cạnh chị T. và bị hôn mê, trên hai cổ tay chảy nhiều máu và có dấu hiệu bị ngộ độc, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu.
Qua điều trị, sức khỏe Khiêm dần hồi phục. Bước đầu Khiêm khai nhận mình và chị T. quen biết từ 8 năm trước, cùng thuê nhà trọ sống chung như vợ chồng. Gần đây có mâu thuẫn, chị T. đòi chia tay nhưng y không đồng ý, bèn bóp cổ chị T. đến chết.
Sau khi dùng dây điện cột vào ngón chân của mình ghim điện để tự tử nhưng không thành, Khiêm tiếp tục dùng dao và lưỡi lam cắt hai bên cổ tay, đồng thời uống thuốc ngủ, thuốc diệt cỏ để tự sát nhưng vẫn không chết, nên đành gọi điện báo công an.
(VnExpress) – Nhập heo sống của Thái Lan từ 12/6. Chiều 11/6, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết heo thịt và giống chính thức được nhập khẩu để “hạ nhiệt” giá thịt heo trong nước, bắt đầu từ ngày mai.
Heo sống sẽ được nhập từ 8 doanh nghiệp của Thái Lan với sức cung gần 5 triệu con. Heo thịt khi nhập về phải kiểm dịch, cách ly ít nhất 5 ngày trước khi giết mổ, heo giống cách ly 14 ngày.
Theo ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Thú y, lý do nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vì đây là nước có hệ thống chăn nuôi phát triển, không có dịch tả heo châu Phi, phòng chống bệnh truyền nhiễm tốt. Tuy nhiên, Cục vẫn đưa ra quy trình nhập khẩu nghiêm ngặt.
(Zing News) – Bắt giam kẻ thả chó 50kg cắn người, không cho đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ngày 11/6, Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa có quyết định khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Thế Nguyên (còn gọi là Nguyên Trễ, 44 tuổi), trú xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa về tội Chống người thi hành công vụ.
Một tuần trước, do mâu thuẫn cá nhân, Nguyên đã thả chó béc Hà Lan, nặng khoảng 50kg đã được huấn luyện cắn 2 người bị thương.
Khi công an đến làm việc, gã đàn ông 44 tuổi cản trở, chống đối không cho đưa người bị thương đi cấp cứu. Cảnh sát đã khống chế, bắt giữ Nguyên.
Tin thế giới
(Tuổi Trẻ) – Đức yêu cầu Trung Quốc công bằng với doanh nghiệp FDI. Ngày 11/6, người phát ngôn của Thủ tướng Đức – ông Steffen Seibert cho biết, bà Merkel đã “nhấn mạnh sự cần thiết của các bước tiến sâu hơn trong việc mở cửa thị trường, sự có đi có lại và đối xử công bằng cho doanh nghiệp ngoại” tại Trung Quốc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp trực tuyến.
Các cuộc đàm phán xoay quanh một thỏa thuận đầu tư như trên đã kéo dài suốt 6 năm qua, và bà Merkel kỳ vọng có thể chốt hạ trong năm 2020. Đức sắp tới sẽ nhận chức chủ tịch luân phiên của EU trong vòng 6 tháng.
Bà Merkel nói với thủ tướng Trung Quốc rằng Đức muốn một nền thương mại đa phương tự do và có quy tắc, đồng thời củng cố Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
(Người Lao Động) – Thủ tướng Úc: Không để Trung Quốc bắt nạt hoặc ép buộc. Ngày 11/6, Thủ tướng Úc – ông Scott Morrison khẳng định: “Chúng tôi là một quốc gia giao thương mở nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị của mình, để đáp lại sự ép buộc đến từ bất cứ nơi nào”.
Tuyên bố trên được Thủ tướng Úc đưa ra khi đài phát thanh địa phương 2GB hỏi về việc Canberra có thể hứng chịu các đòn thương mại của Trung Quốc hay không. Úc đang chịu áp lực từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này trên 2 lĩnh vực giáo dục và nông nghiệp.
Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Úc đã trở nên tồi tệ hơn sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc và sự lây lan của dịch Covid-19 khiến Bắc Kinh tức giận.
(Tuổi Trẻ) – Việt Nam phản đối Trung Quốc lắp cáp biển quân sự ở Hoàng Sa. Trước các hoạt động của một tàu rải cáp Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa đã bị vệ tinh ghi lại. Một số chuyên gia lo ngại việc con tàu được điều động tới khu vực có thể liên quan tới âm mưu quân sự hóa mới của Trung Quốc.
Chiều 11/6, trong cuộc họp báo thường kỳ bà Lê Thị Thu Hằng – phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Mọi hoạt động liên quan đến hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình ở Biển Đông”.
(VnExpress) – Nhật sắp nới hạn chế nhập cảnh với Việt Nam. Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản hôm nay cho biết nước này đang lên kế hoạch cho phép 250 người nước ngoài nhập cảnh mỗi ngày, gồm công dân đến từ các nước Việt Nam, Australia, New Zealand và Thái Lan. Nhật Bản chọn 4 quốc gia này vì đã kiểm soát được Covid-19 và do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nhật.
Kế hoạch này dự kiến được thực hiện từ mùa hè năm nay, ban đầu được ưu tiên áp dụng với các doanh nhân như giám đốc điều hành và kỹ sư, tiếp đó là sinh viên và khách du lịch. Nhóm chuyên trách chống Covid-19 của chính phủ Nhật Bản sẽ sớm hoàn thiện kế hoạch.
Công dân 4 nước trên đến Nhật Bản theo cơ chế này sẽ được yêu cầu trình kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trước khi khởi hành, và họ sẽ tiếp tục được xét nghiệm sau khi hạ cánh tại Nhật Bản. Họ cũng cần nộp hành trình chi tiết về khách sạn sẽ ở, những nơi dự định ghé thăm và không sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
(VnExpress) – Taxi bay 145km/h đi vào hoạt động. EHang hôm 27/5 thông báo họ đã xin được giấy phép từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CACC) để dùng drone vận chuyển hàng hóa. Với tốc độ lên tới 145 km/h, mẫu taxi bay có thể chở 150kg hàng hóa giữa vùng đồng bằng và đồi núi hoặc giữa đất liền và các đảo ở thành phố Thai Châu trong đợt thử nghiệm.
Công ty EHang chia sẻ video ghi hình mẫu taxi bay EHang 216 bay qua mặt biển và những ngọn núi với nhau. Phương tiện bay thử nghiệm lần đầu tiên ở châu Âu hồi tháng 4/2019. EHang 216 có thể chở hai hành khách cùng lúc.
Hồi tháng 5/2020, EHang ký thỏa thuận với khách sạn LN Garden Hotel ở Quảng Châu để cung cấp dịch vụ cho du khách trong tương lai gần. Hiện nay, Trung Quốc chưa cấp phép cho drone chở khách. Nhưng việc lấy được giấy phép chở hàng được xem là một bước tiến quan trọng đối với EHang.