Erich Vad là một chuẩn tướng đã nghỉ hưu và từng là cố vấn quân sự của Thủ tướng Angela Merkel, gần đây đã lên tiếng phản đối cách phương Tây tiến hành cuộc chiến Ukraine. Những bình luận của ông được cho là không phù hợp với quan điểm tường thuật của truyền thông dòng chính phương Tây tại Đức như tờ Bild, Zeit, Der Spiegel hay DW.
Vậy, cựu tướng Erich Vad đã bình luận gì khiến ông bị báo chí Đức tấn công? “Bom tấn” mà tướng Vad gửi tới Tổng thống Zelensky và các quan chức Đảng Xanh ở Berlin vốn cùng quan điểm cánh tả của chính quyền Biden nằm trong cuộc phỏng vấn với tờ EMMA hôm 12/1.
Cần lưu ý là, ngay mở đầu bài phỏng vấn, cựu tướng Vad thẳng thắn nhận mình là người ủng hộ Ukraine khi tuyên bố: “Việc ủng hộ Ukraine là đúng đắn, và tất nhiên cuộc tấn công của Putin là không phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Trong cuộc phỏng vấn hôm 12/1 vừa qua, tướng Vad đã cảnh báo rằng quyết định của chính phủ Scholz cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder do Đức sản xuất “là một hành động leo thang quân sự… ngay cả khi Marder 40 tuổi không phải là vũ khí thần kỳ. Chúng ta đang đi trên một vết trượt… mà chúng ta không thể kiểm soát được nữa.”
Điều đó có nghĩa là cuộc chiến ở Ukraine đã vượt qua thời điểm mà quân đội Đức và ngay cả quân đội Mỹ tin rằng họ có thể kiểm soát kết quả, khi ông thừa nhận rằng cuộc chiến chống lại Nga đang bị thất bại ở Ukraine và “bây giờ hậu quả cuối cùng phải được xem xét”.
Khi được phóng viên hỏi “hậu quả” đó là gì, tướng Vad đã trả lời lại bằng những câu hỏi để ngỏ gửi tới quan chức Đức như sau: “Họ muốn tái chiếm Donbass hay Crimea? Hay họ thậm chí muốn đánh bại Nga hoàn toàn?”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các thành viên NATO/EU đang “gặp bế tắc trong hoạt động quân sự, nhưng không thể giải quyết bằng quân sự”. Điều mà cựu tướng Vad đang ám chỉ không phải là sự “bế tắc” mà là sự thất bại, đó là việc NATO đã thất bại trước quân đội Nga ở Ukraine, bao gồm từ kế hoạch tác chiến cho đến tiếp viện của NATO.
Sau đó, ông đã tấn công các bộ trưởng của Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền của Đức, mà điển hình nhất là Ngoại trưởng Annalena Baerbock và Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Robert Habeck, vốn ủng hộ chính quyền Biden hơn cả Thủ tướng Scholz
Ông nói: “Tôi rất vui vì cuối cùng chúng ta cũng có một ngoại trưởng ở Đức, nhưng chỉ tham gia vào những lời hùng biện về chiến tranh và đi vòng quanh Kiev hoặc Donbass với mũ bảo hiểm và áo chống đạn là không đủ…
Tôi không hiểu sự thay đổi của các thành viên Đảng Xanh, [vốn] từ một bên theo chủ nghĩa hòa bình thành bên hiếu chiến. Bản thân tôi không biết bất kỳ thành viên Đảng Xanh nào từng thực hiện nghĩa vụ quân sự…Việc một bên duy nhất [Đảng Xanh] có ảnh hưởng chính trị lớn đến mức có thể lôi kéo chúng ta vào một cuộc chiến là điều đáng lo ngại”.
Chuẩn tướng Vad cũng chỉ trích Thủ tướng Đức Scholz về bối cảnh nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Khi được phóng viên hỏi nếu là cố vấn quân sự của Thủ tướng, ông sẽ đưa ra lời khuyên gì? Tướng Vad trả lời: “Tôi sẽ khuyên ông ấy [thủ tướng Scholz] vẫn hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng theo cách có cân nhắc và thận trọng để tránh bị trượt vào một bên tham chiến. Và tôi sẽ khuyên ông ấy gây ảnh hưởng đến đồng minh chính trị quan trọng nhất của chúng ta. Bởi vì chìa khóa cho một giải pháp của cuộc chiến nằm ở Washington và Moscow.”
Chuẩn tướng Vad đã kêu gọi Lầu Năm Góc cứu vãn tình hình khi ông tiếp tục lặp lại rằng: “Chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột không nằm ở Kyiv, cũng không nằm ở Berlin, Brussels hay Paris, mà nằm ở Washington và Moscow”. Ông cũng mỉa mai chính quyền Joe Biden khi tuyên bố: “Thật lố bịch khi nói rằng Ukraine phải quyết định điều đó.”
Ông cũng đã nói ra một sự thật hầu như không được công bố trên các phương tiện truyền thông Đức. Đó là những gì đang được tiến hành ở Ukraine là một cuộc chiến tranh tiêu hao. Tướng Vad tuyên bố: “Đó cũng là cuộc đấu tranh giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine… Nhưng nó không phải là toàn bộ sự thật. Đây cũng là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga, và đó là về những lợi ích địa chính trị rất cụ thể ở khu vực Biển Đen.”
Ông cũng bác bỏ luận điệu của truyền thông phương Tây khi cho rằng Tổng thống Putin không muốn đàm phán. Ông nói: “..việc Putin không muốn đàm phán là điều khó tin. Cả người Nga và người Ukraine đã sẵn sàng cho một thỏa thuận hòa bình khi bắt đầu cuộc chiến vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2022. Sau đó, không có gì cả. Cuối cùng, trong chiến tranh, thỏa thuận ngũ cốc cuối cùng đã được đàm phán bởi người Nga và người Ukraine với sự tham gia của Liên hợp quốc”.
Tướng Vad cũng tấn công các phương tiện truyền thông dòng chính phương Tây luôn tuyên truyền mục tiêu chiến tranh cũ của Đức mà không có năng lực quân sự để thực hiện mục tiêu đó chống lại lực lượng Nga.
Ông nói: “Các chuyên gia quân sự [và những người] biết chuyện gì đang xảy ra giữa các cơ quan mật vụ, những người biết về diễn biến cuộc xung đột và ý nghĩa thực sự của chiến tranh – nhưng phần lớn lại bị loại khỏi cuộc tranh luận [của công chúng Đức]. Họ không phù hợp với quan điểm của truyền thông. Phần lớn chúng tôi đang chứng kiến sự phối hợp của các phương tiện truyền thông, những điều mà tôi chưa từng trải qua trước đây ở Cộng hòa Liên bang [Đức].”
Tướng Vad cũng chỉ ra những khó khăn trong lập trường của thủ tướng Scholz đối với cuộc chiến Ukraine khi “Đảng Xanh, FDP [Đảng Dân chủ Tự do] và phe đối lập tư sản – được các phương tiện truyền thông đa số nhất trí ủng hộ – đang gây áp lực đến mức thủ tướng khó có thể cưỡng lại được.”
Tướng Vad cũng cảnh báo các chính trị gia và các nhà báo ở Đức rằng, cuộc chiến của phương Tây chống lại Nga, không chỉ đang tiếp tục thua ở Ukraine mà nó còn đang đe dọa hủy diệt nước Đức khi nước này có khả năng bị cuốn vào Thế Chiến thứ ba.
Điều quan trọng nhất trong cuộc phỏng vấn, chính là chuẩn tướng Vad đã tiết lộ điều mà ông cùng các đồng minh của ông trong Bộ Tổng tham mưu Đức và trong giới kinh doanh Đức. Đó chính là mong muốn chính quyền Biden đàm phán với Điện Kremlin trước khi Quân đội Nga tiến tới “sự hủy diệt hơn nữa đối với Ukraine”.
Theo tướng Vad, nếu Lầu Năm Góc muốn “sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được khôi phục, với sự đảm bảo nhất định của phương Tây” thì “người Nga cũng cần một sự đảm bảo an ninh như vậy”.
Ông cũng đưa ra một thực tế nghiệt ngã mà truyền thông dòng chính Phương Tây lẫn các quan chức Washington và Brussel đều né tránh đề cập. Đó là cho dù Mỹ, NATO “có thể gửi 100 thiết giáp Marder và 100 xe tăng Leopards thì cũng không thay đổi được tình hình quân sự chung… Và câu hỏi hết sức quan trọng là làm thế nào để đối phó với một cuộc xung đột như vậy với một cường quốc hạt nhân hiếu chiến – xin lưu ý rằng, cường quốc hạt nhân mạnh nhất thế giới! – mà không tham gia vào Thế chiến thứ ba. Và đó chính xác là điều mà các chính trị gia và nhà báo ở Đức không nghĩ tới!”.
Tất nhiên, cũng giống như các cựu tướng Mỹ, chuẩn tướng Vad đã bị tấn công vì bình luận “trái ngược với Bộ Ngoại giao Mỹ và các chuyên gia quân sự khác”. Ông cũng bị gán mác là người “coi thường tội ác chiến tranh của người Nga và sợ hãi kho vũ khí hạt nhân của Nga”.
Trang Volksverpetzer của Đức ngay lập tức đã có một bài tổng kết các sai lầm của tướng Vad và kết luận như sau:
“Erich Vad thường được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông với tư cách là một chuyên gia quân sự… theo tư tưởng Cánh hữu Mới. Dưới chiêu bài một “chuyên gia hiểu biết sâu rộng”, ông ấy có thể lan truyền những câu chuyện gần giống với tuyên truyền của Nga và được ca ngợi bởi những người truyền bá những câu chuyện thân Nga và thông tin sai lệch.
Với vai trò là một “chuyên gia”, đầu tiên ông tuyên bố Ukraine thất bại, sau đó bác bỏ các cuộc tấn công của Nga, đề cập đến một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu vũ khí hạng nặng [của phương Tây] được chuyển giao và trái với đánh giá của nhiều chuyên gia khác, ông phủ nhận việc Ukraine có thể chiến thắng trong cuộc chiến.
Nói chung, vị tướng yêu thích của Cánh hữu mới dường như giống một cơ quan ngôn luận của Putin hơn là một tiếng nói có thể đánh giá nghiêm túc tình hình hiện tại”.
Như vậy có thể thấy, những người theo cánh tả Đức hy vọng những bình luận của cựu tướng Erich Vad càng được ít người biết đến càng tốt. Nhưng nó lại trái ngược với sự bất mãn ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân bình thường tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung khi họ mới là những người phải trả chi phí cho cuộc xung đột.
Có thể bạn quan tâm: