“Nga phải bị đánh bại ở Ukraine”, “Nga không được phép thắng”… là những cụm từ được nhiều chính trị gia phương Tây lặp đi lặp lại theo những cách khác nhau trong nhiều tháng nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố: “Nga không thể và không được phép thắng ở Ukraine”, theo Economictimes.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng vậy, khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Berlin hôm 30/11, ông tuyên bố: “Nga không thể chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine”, theo Reuters.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 29/11 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest cũng nói: “Và nếu chúng ta để Putin chiến thắng, tất cả chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều, trong nhiều năm tới”.
Các nhà lãnh đạo phương Tây khác cũng phát biểu gần giống như vậy, từ Mỹ cho đến các quốc gia vùng Baltics, khi tất cả đều nói rằng Nga không nên thắng. Bởi vì chiến thắng này sẽ trở thành mối đe dọa hiện sinh đối với phương Tây – nghĩa là nó sẽ đe dọa chính sự tồn tại của nó.
Thoạt nhìn, những lời này có vẻ cường điệu. Bởi một chiến thắng của Nga trong một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu, nhưng chỉ là đối với chính quyền Kyiv khi Nga phi quân sự hóa, phi phát xít hóa ở Ukraine và chấm dứt giấc mơ của đất nước này gia nhập NATO.
Nhưng xa hơn, Mỹ và NATO lo ngại một khi Nga chiến thắng, thì khối liên minh Bắc Đại tây dương sẽ trở nên thừa thãi, và một thế giới đa cực sẽ thay thế cho đơn cực mà giới tinh hoa theo chủ nghĩa toàn cầu của phương Tây lãnh đạo.
Địa điểm gặp mặt của các ngoại trưởng NATO vào ngày 29-30 tháng 11— Bucharest ở Romania cũng là nơi mà nhiều năm trước, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã thuyết phục các đối tác xuyên Đại Tây Dương của Hoa Kỳ rằng một ngày nào đó Ukraine và Gruzia sẽ tham gia liên minh quân sự của họ.
Tuyên bố của họ về cuộc xung đột ở Ukraine nhấn mạnh rõ ràng rằng NATO “sẽ không bao giờ công nhận” việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine và nhấn mạnh quyết tâm của liên minh trong việc “tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa sự hỗ trợ chính trị và thực tế” cho chính quyền Kyiv.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo rằng bất chấp sự dũng cảm và tiến bộ trên chiến trường thực địa của Ukraine, Nga vẫn duy trì khả năng quân sự mạnh mẽ với số lượng quân đông đảo, và liên minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiv “chừng nào có thể và chúng tôi sẽ không lùi bước.”
Những tuyên bố như vậy cho thấy không có bất kỳ một suy nghĩ tỉnh táo nào của các quan chức cả Mỹ và châu Âu, mặc dù những diễn biến trên thực địa cho thấy Ukraine – mà đúng hơn là kế hoạch của NATO tại Ukraine – đang thất bại.
Và cũng có nhiều dấu hiệu ngày càng tăng về sự mất đoàn kết về vấn đề Ukraine giữa các đồng minh châu Âu của Mỹ và giữa Đảng Cộng hòa với Chính quyền Biden.
Nhẽ ra ưu tiên số một của châu Âu lúc này phải là quyền tự chủ chiến lược để hành động vì lợi ích của chính mình. Nhưng điều đó lại đòi hỏi các quan chức EU phải lý trí, tỉnh táo để loại bỏ thói đạo đức giả và suy ngẫm thấu đáo hơn về việc châu Âu muốn tự chủ điều gì?
Mục tiêu đầu tiên của châu Âu là đạt được quyền tự chủ kinh tế chiến lược. Nhưng liệu mục tiêu đó có thể đạt được không khi an ninh năng lượng vốn là nền tảng cho sự thịnh vượng và sức mạnh công nghiệp của châu Âu đã bị những bàn tay vô hình phá hoại đường ống Nord Stream dưới đáy biển Baltic?
Một chiến thắng của Nga ở Ukraine chỉ mang lại điều tốt đẹp cho cả châu Âu, đơn giản là về mặt lợi ích kinh tế. Khi chiến sự kết thúc, thì việc hồi phục kinh tế sẽ trở thành ưu tiên số 1 tại châu Âu. Mọi cảm xúc ‘chống Nga’ cuồng nhiệt có thể sẽ lắng xuống và việc mua dầu mỏ, khí đốt của Nga có thể tăng lên.
Kết quả là, lạm phát ở EU sẽ giảm, cũng như chi phí sản xuất công nghiệp ở các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Âu cũng giảm theo. Hơn nữa, việc nối lại quan hệ kinh tế và thương mại bình thường với Moscow sẽ dẫn đến sự ổn định của thị trường dầu mỏ và khí đốt thế giới, điều này cũng sẽ có tác động có lợi đối với nền kinh tế Mỹ.
Cuối cùng, chấm dứt đối đầu với Nga sẽ giúp phương Tây tập trung mọi sự chú ý vào việc kiềm chế một quốc gia không chỉ thách thức trật tự thế giới của Mỹ mà còn tuyên bố sẽ tạo ra trật tự thế giới của mình, đó chính là Trung Quốc.
Dù sao đi nữa, các sự kiện đang diễn ra trên chiến trường Ukraine chắc chắn sẽ tạo ra một động lực mới.
Các cuộc tấn công với cường độ mạnh của Nga ở Bakhmut trong những tuần gần đây, đang rút ngắn đáng kể thời gian đánh chiếm thành phố từ vài tuần trước xuống còn nhiều nhất là vài ngày tới.
Những dấu hiệu tương tự cũng xuất hiện ở Maryinka và Ugledar ở vùng Donbass.
Nếu thành phố chiến lược Bakhmut là trụ cột của tuyến phòng thủ của Ukraine ở Donbass, thì Maryinka là nơi các lực lượng Ukraine đang tạo ra bàn đạp để bắn phá thành phố Donetsk. Việc chiếm được Ugledar sẽ cho phép các lực lượng Nga tiến về thành phố Zaporozhye và chắc chắn ngăn chặn bất kỳ thách thức nào trong tương lai đối với cây cầu nối đất liền tới Crimea và tới các cảng ở Biển Azov.
Trong những ngày này, chủ đề mà giới quân sự thế giới bàn tán chính là việc lực lượng Nga triển khai ở Donbass một lực lượng lên tới 300.000 binh sĩ và đang bắt đầu cho thấy những kết quả đầu tiên. Lần đầu tiên, các lực lượng Nga đông hơn Ukraine và các công sự của Nga đã được tăng cường đáng kể.
Sự thất thủ của Bakhmut sẽ báo hiệu trận chiến Donbass đang bước vào giai đoạn cuối và tuyến phòng thủ của Ukraine ở Donbass đang vỡ vụn. Việc Nga kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass là một viễn cảnh khá u ám đối với NATO, vốn không bao giờ thừa nhận Nga đang đà chiến thắng.
Có thể bạn quan tâm: