Việc Tổng thống Nga Putin bất ngờ tuyên bố huy động một phần lực lượng quân đội dự bị có vẻ báo hiệu điềm chẳng lành. Liệu sẽ có một cuộc xung đột vũ trang lớn sắp diễn ra trong vòng 2 tháng tới như Tổng thống Serbia cảnh báo? Không ai biết trước được. Chỉ biết rằng, Mỹ và NATO đang như ngồi trên đống lửa. Vì sao lại như vậy?
Nội dung chính
Xung đột thế giới sẽ xảy ra trong 2 tháng tới?
Tổng thống Serbia đã cảnh báo rằng thế giới đang bước vào một “cuộc xung đột thế giới lớn” có thể diễn ra trong vòng hai tháng tới.
Trả lời Đài truyền hình Nhà nước Serbia RTS, Tổng thống Aleksandar Vucic nói: “Bạn có thể thấy một cuộc khủng hoảng ở mọi nơi trên thế giới”, “Tôi nghĩ rằng những dự đoán thực tế thậm chí còn đen tối hơn nhiều”, “Vị thế của những nước nhỏ chúng tôi thậm chí còn tồi tệ hơn, vì LHQ đã bị suy yếu…”.
Nhà lãnh đạo Serbia cảnh báo cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã chuyển sang một giai đoạn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Ông nói:“Tôi giả định rằng chúng ta đang bỏ giai đoạn của Hoạt động Quân sự Đặc biệt và tiến đến một cuộc xung đột vũ trang lớn. Và câu hỏi giờ đây là: Đâu là ranh giới? Liệu có thể là một hoặc hai tháng, chúng ta sẽ bị cuốn vào”.
Phát biểu của Tổng thống Vucic được đưa ra cùng ngày khi Tổng thống Putin ra lệnh “huy động một phần” quân đội lên tới 300.000 binh sĩ ngay lập tức.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cảnh báo ông đã sẵn sàng sử dụng “tất cả các phương tiện theo ý của chúng tôi” để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Moscow.
Tổng thống Putin nói: “Bây giờ họ (phương Tây) đang nói về vụ tống tiền hạt nhân”. “Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị bắn đạn pháo và một số quan chức cấp cao của NATO – đang nói về khả năng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại nước Nga.”
Tổng thống Putin khẳng định một cách đáng ngại rằng, “Gửi tới những người đưa ra những tuyên bố như vậy nhằm vào Nga, tôi muốn nhắc nhở rằng, đất nước chúng tôi cũng sở hữu nhiều loại vũ khí hủy diệt khác nhau, và đối với một số loại vũ khí, chúng thậm chí còn hiện đại hơn cả của NATO”.
Một ngày sau, ngày 22/9, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga – ông Dmitry Medvedev – đã tăng gấp đôi lời cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin như sau:
“Nga đã tuyên bố rằng không chỉ có khả năng huy động bất kỳ loại vũ khí nào của Nga, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật đều có thể được sử dụng để bảo vệ theo cách như vậy”.
Tuyên bố của cả hai ông Putin và Medvedev đánh dấu lần đầu tiên các quan chức cấp cao của Nga khẳng định việc đưa các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga, cũng được bảo vệ theo học thuyết hạt nhân của Moscow.
Lệnh động viên một phần và kế hoạch sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, dường như là nhằm mục đích cảnh báo các nước phương Tây về quyết tâm chiếm ưu thế của Nga, cũng như vạch lằn ranh đỏ với Ukraine và phương Tây.
Tuy nhiên, hiện Nga vẫn chưa kiểm soát 100% bất kỳ lãnh thổ nào trong số 4 lãnh thổ đang bỏ phiếu sáp nhập. Vì vậy có khả năng Ukraine sẽ có các cuộc tấn công pháo kích khiêu khích tại những khu vực này.
Có thể nói, Tổng thống Nga đang đối mặt với thử thách được cho là lớn nhất trong cuộc chiến, nơi mà ông tìm cách định hình vị thế tương lai của nước Nga.
Trong vài tháng qua, đã có các cuộc tấn công gián tiếp vào Nga như cuộc tấn công của Azerbaijan vào Armenia, các cuộc tập trận ở miền nam Moldova, mối đe dọa chiến tranh chống lại Nga từ Gruzia, xích mích ở biên giới Tadzhik-Kirghiz và sự chống đối người Nga ngày càng mãnh liệt ở các nước vùng Baltic.
Bên trong Ukraine, cuộc xung đột ngày càng leo thang bởi thực tế đó là chiến trường giữa Nga và NATO. Thật vậy, nhiều lữ đoàn thiện chiến tinh nhuệ của Quân đội Ukraine đều đã tử trận, bị vô hiệu hóa hoặc bị bắt làm tù binh.
Giờ đây, chính những chiến binh đánh thuê nước ngoài và và Lực lượng đặc biệt NATO trong quân phục Ukraine đang tham gia trực tiếp trên chiến trường với lực lượng Nga.
Các cuộc phản công hiện tại của Ukraine xung quanh Kharkiv, Kherson và các nơi khác ở miền Đông đều do tình báo Mỹ và NATO hướng dẫn và chỉ đạo.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Newsweek hôm 21/9, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã đưa ra nhiều cáo buộc với tập thể phương Tây, mà dẫn đầu là Mỹ đã “công khai tìm cách đánh bại Nga” trên chiến trường Ukraine.
Ông nói:“Vũ khí của NATO và Mỹ được sử dụng để bắn vào lãnh thổ Nga giáp với Ukraine, giết chết dân thường ở đó. Lầu Năm Góc không giấu giếm việc đã chuyển cho chính quyền Kiev thông tin tình báo và xác định mục tiêu để tấn công. Chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của lính đánh thuê và cố vấn Mỹ trên chiến trường”.
“Trên thực tế, Mỹ đang đứng trước bờ vực trở thành một bên trong xung đột. Đây là trả lời cho câu hỏi của bạn về nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân”.
Có thể nói, việc Mỹ có khả năng cung cấp tên lửa đạn đạo ATACMS có tầm bắn 300 km sẽ chỉ khiến xung đột ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” vốn giới hạn phản ứng của Nga, thì nay đã được “cởi trói” bởi phạm vi tấn công đã được mở rộng hơn. Một số cơ sở hạ tầng như nhà máy điện, đường sắt, đường bộ đã trở thành mục tiêu của Nga gần đây.
Khả năng xung đột ở Ukraine có thể trở thành xung đột hạt nhân giữa Nga và NATO như truyền thông phương Tây từng cảnh báo từ hồi tháng 3, và ngày càng gay cấn hơn trong tuần cuối tháng 9 này.
Chắc chắn người Nga sẽ không bỏ cuộc chỉ vì một số lính đặc nhiệm, lính đánh thuê nước ngoài và vũ khí của NATO, bởi đây là cuộc chiến hiện sinh của họ.
Konstantin Malofeyev, doanh nhân nổi tiếng ở Nga nói: “Cả thế giới nên cầu nguyện Nga chiến thắng, bởi vì chỉ có hai cách để xung đột kết thúc: Nga thắng hoặc chiến tranh hạt nhân”, “Nếu không chiến thắng, chúng tôi sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân vì chúng tôi không thể thua”.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu ‘phương Tây tập thể’ cố gắng đánh bại Nga bằng mọi giá, thì liệu người Nga cũng sẽ làm điều tương tự như Tổng thống Putin vừa cảnh báo?
Truyền hình Nga từng tung video răn đe hạt nhân
Còn nhớ hồi tháng 4, những cảnh báo về xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân đã từng được đề cập đến.
Trong khi quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ không tin có mối đe dọa từ việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, thì truyền hình Nga đã bất ngờ phát sóng một chương trình mô phỏng về cách các tàu ngầm hạt nhân của Nga có thể hạ gục nước Anh một cách dễ dàng.
Tờ Dailymail của Anh cho biết, kịch bản mô phỏng về một cuộc tấn công bằng siêu ngư lôi Poseidon của Nga trên quần đảo Anh.
Mỹ đã từng e ngại siêu vũ khí Poseidon của Hải quân Nga, bởi nó không chỉ được trang bị vũ khí hạt nhân mà còn chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Không chỉ thế, Poseidon còn có kích thước khổng lồ, ước tính có đường kính khoảng 2,13m và nặng khoảng 100 tấn, mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Trong khi ấy, một trong những ngư lôi hạng nặng tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ là Mark 48 chỉ có đường kính 53cm và nặng khoảng 1580kg.
Ngoài ra truyền hình Nga còn mô phỏng cách nước này tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào 3 thủ đô ở châu Âu, nhằm đáp lại bình luận của Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey khi ông này công khai lên tiếng ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Những người dẫn chương trình 60 Minutes của “Channel One” thông báo các thành phố London, Paris và Berlin có thể bị tấn công trong vòng 200 giây sau khi tên lửa hạt nhân được phóng đi.
Một bản đồ trên màn hình cho thấy tên lửa đạn đạo “Sarmat” được phóng từ khu vực ngoại ô Kaliningrad của Nga, có thể bay tới thủ đô Berlin trong vòng 106 giây, London trong 202 giây và Paris trong 200 giây.
Phân đoạn này được phát sóng trên “Channel One”, là một trong những chương trình được xem nhiều nhất ở Nga, và có sự góp mặt của Chủ tịch đảng Dân tộc chủ nghĩa Rodina, ông Aleksey Zhuravlyov, người đã tuyên bố rằng: “Một quả tên lửa Sarmat và quần đảo Anh sẽ không còn nữa”.
Tất nhiên, không ai có thể tưởng tượng một cuộc xung đột hạt nhân xảy ra vào thời điểm này, bởi “ngay cả một cuộc giao tranh hạt nhân nhỏ hơn – chẳng hạn như giữa Ấn Độ và Pakistan – cũng có thể dẫn đến 2,5 tỷ người chết trong vòng 24 tháng” như tờ Telegraph của Anh cho biết.
Thực tế, Mỹ và NATO đang thúc đẩy chiến lược chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga với đầy rẫy những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng.
Như Washington Post đưa tin, trong trường hợp xảy ra đối đầu hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Nga, 5 tỷ người sẽ thiệt mạng do sức nổ và bức xạ hạt nhân gây ra. Bụi, mảnh vụn và khói từ vụ nổ hạt nhân sẽ “chiếm hữu” bầu khí quyển Trái Đất, “phong tỏa” ánh sáng Mặt Trời trong nhiều tháng thậm chí nhiều năm.
Một nghiên cứu do Đại học Rutgers tại Mỹ thực hiện cho thấy, chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga sẽ khiến 2/3 dân số thế giới chết đói trong vòng 2 năm.
Lời tiên đoán của nhà tiên tri nổi tiếng Vanga năm nào về một ngày lục địa châu Âu sẽ “hoang vắng” và là “vùng đất hoang vu không có bất kỳ sự sống nào” trở nên thật đáng sợ.
Người ta đang tự hỏi làm thế nào mà cuộc xung đột Ukraine giờ đây lại trở nên nguy hiểm đến vậy?
Mỹ – NATO che giấu nỗi bất an
Chỉ ít giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu quan trọng tuyên bố ‘huy động một phần’ lực lượng quốc gia cho cuộc chiến tại Ukraine, hầu hết các chính trị gia phương Tây đều dùng đến những cụm từ như YẾU KÉM’, ‘THẤT BẠI’ hoặc ‘TUYỆT VỌNG’ để nói về Putin hoặc nước Nga.
Cũng chỉ ít giờ sau bài phát biểu của ông Putin, Tổng thống Joe Biden cũng đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.
Đúng như dự đoán, ông Biden đã thổi bùng cuộc tấn công “thái quá” của Tổng thống Putin, và cho rằng việc Nga huy động ‘một phần’ lực lượng quân đội của nước này là hành động leo thang mới nhất.
Ông Biden nhấn mạnh rằng, “Thế giới nên nhìn nhận những hành động thái quá này. Putin tuyên bố ông ấy phải hành động vì nước Nga bị đe dọa. Nhưng không ai đe dọa Nga, và không ai khác ngoài Nga tìm kiếm xung đột.”
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định “Chúng tôi sẽ đoàn kết với Ukraine. Chúng tôi sẽ đoàn kết chống lại sự xâm lược của Nga”. Ngoài ra, ông Biden cũng nhấn mạnh là “chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” khi đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Putin về việc sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước Nga bị đe dọa.
Điều quan trọng là, bài phát biểu của ông Biden được nhiều đồng minh mong chờ Mỹ sẽ có phản ứng mạnh mẽ, cụ thể, bao gồm khả năng có thêm các biện pháp trừng phạt trước tuyên bố “chấn động” của Tổng thống Putin.
Nhưng bất ngờ là bài phát biểu của Tổng thống Biden không có bất kỳ hành động cụ thể, hoặc biện pháp trừng phạt mới nào của Mỹ để đáp trả lại tuyên bố mới của ông Putin.
Trong khi ấy, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Robert Bauer trả lời phỏng vấn đài truyền hình Estonia ERR như sau: “NATO không tham gia cuộc chiến với Nga. Tôi phải làm rõ điều này”. (newsnpr)
Cũng ngay trong đêm 21/9, EU tổ chức họp khẩn để bàn về những diễn biến liên quan cuộc xung đột Nga – Ukraine và biện pháp trừng phạt với Moscow. Ông Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU nói tóm gọn là EU “sẽ không bị ĐE DỌA và tiếp tục hỗ trợ hết mình cho Ukraine”.
Rõ ràng bài phát biểu gây chấn động của Tổng thống Putin đã khiến Mỹ, NATO và EU phải thận trọng, kiêng dè. Điều này trái ngược hẳn với cách mà các quan chức phương Tây đổ vấy việc Nga huy động thêm quân lực là thể hiện cho sự thất bại, yếu kém, và tuyệt vọng của Putin.
Cũng vậy, truyền thông dòng chính trong những ngày qua đã mô tả những khó khăn của ông Putin không chỉ giới hạn ở chiến trường mà cả trên mặt trận kinh tế, trong đó việc Nga cắt khí đốt để làm suy yếu ủng hộ của châu Âu với chính quyền Kiev, đã không gây ra những rạn nứt trong liên minh như ông Putin mong đợi.
Ngoài ra, truyền thông cũng mổ xẻ các phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm 16/9, và cho rằng Nga đang thất thế vì bị Ấn Độ quay lưng. Liệu tất cả những điều này có đúng hay không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Ai mới đang tuyệt vọng?
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Samarkand hôm 16 tháng 9 đã biến thành một vụ bê bối truyền thông quốc tế.
Các phương tiện truyền thông tập trung mổ xẻ một cụm từ trong phát biểu khai mạc của Thủ tướng Modi, khi ông nói rằng “thời điểm này không phải là lúc để chiến tranh”. Hầu hết truyền thông phương Tây đều nhấn mạnh rằng, Ấn Độ cuối cùng đã không ủng hộ Nga về vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên cách diễn giải này có vẻ thiếu bằng chứng thực tế. Bởi Ấn Độ đang là một trong số hai khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, bất chấp lệnh trừng phạt phương Tây. Cho tới nay, Ấn Độ vẫn từ chối lên án hành động tấn công của Nga tại Ukraine.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh đến mối quan hệ Ấn Độ và Nga, cũng như mối quan hệ “tình bạn đặc biệt” kéo dài hai thập kỷ của ông với Tổng thống Putin.
Phải chăng điều này cho thấy phương Tây đang tuyệt vọng vì thất bại trong việc cô lập Nga, vào thời điểm mà ngay cả chính họ cũng phải thừa nhận điều này là bất khả thi.
Thực tế, nhiều quốc gia đang tăng cường hợp tác với Nga, và thật kỳ lạ là ngay cả các công ty phương Tây cũng không muốn rời khỏi thị trường Nga đầy hấp dẫn.
Một báo cáo trên tạp chí Atlantic council hôm 18/9 nhấn mạnh rằng, mặc dù 1.000 tập đoàn đa quốc gia đã thông báo tự nguyện rời khỏi Nga sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng thực tế đáng tiếc là… có tới 3/4 công ty đa quốc gia nước ngoài có lợi nhuận cao nhất vẫn lựa chọn ở lại Nga”, theo nghiên cứu của liên minh các tổ chức xã hội dân sự B4Ukraine thống kê.
Điều đó có nghĩa là chỉ có 106 công ty phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga, trong khi hơn 1.149 công ty quốc tế vẫn ở lại và chỉ đơn giản là giữ im lặng về điều đó.
Dự án dầu khí tự nhiên khổng lồ Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga là một trường hợp nổi tiếng, khi hai nhà đầu tư năng lượng lớn của Nhật Bản là Mitsui và Mitsublishi đã từ chối lệnh trừng phạt để chọn làm ăn với Nga.
Điều đáng nói, Nhật Bản là thành viên của G7, và khối này không có lựa chọn nào khác ngoài việc miễn trừ cho Nhật khỏi các lệnh trừng phạt liên quan đến đường ống Sakhalin-2, giống hệt như cách EU miễn trừ cho Hungary, Bulgari và một số nước châu Âu lách luật trừng phạt.
Một lần nữa, phương Tây tiếp tục nhập khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga và dỡ bỏ các hạn chế về vận chuyển, bảo hiểm… Nhưng mỉa mai thay, các hạn chế này vẫn tiếp tục được áp dụng khi Nga bán sang các nước khác không thuộc về phương Tây.
Khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt tàn khốc đối với Nga vì hành vi tấn công Ukraine, chính quyền Joe Biden đã vạch ra hai mục tiêu:
- Thứ nhất là phá hủy nền kinh tế Nga
- Thứ hai là tạo áp lực trong nước lên Tổng thống Putin khiến ông có thể mất quyền lực.
Tuy nhiên cho đến nay mọi thứ đã không theo đúng “lộ trình” như Mỹ và châu Âu mong muốn, và có một nghịch lý trớ trêu của chiến tranh đang diễn ra. Đó là:
Cấm vẫn cấm, mà mua vẫn mua
Bất chấp lệnh trừng phạt, Nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga là tập đoàn Rosneft hôm 15/9 đã công bố báo cáo thu nhập ròng nửa đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận ròng của Rosneft đã tăng lên 7,2 tỷ USD (432 tỷ rúp Nga) trong nửa đầu năm 2022. Sản lượng dầu và khí đốt của công ty đã tăng 1,5% lên 4,85 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Không chỉ Rosneft có lợi nhuận và doanh thu cao hơn trong năm nay, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ước tính đã tăng gấp đôi doanh thu xuất khẩu, mặc dù cung cấp ít hơn 43% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu.
Trong khi sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga đã và đang chứng tỏ khả năng phục hồi bất chấp lệnh trừng phạt, thì Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ phải chuẩn bị cho việc mất nguồn cung 2,4 triệu thùng / ngày khi lệnh cấm vận dầu Nga của EU bắt đầu từ tháng 12. Điều này có nghĩa là châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung mới cho 2,4 triệu thùng dầu thô, và có thể khiến xuất khẩu và sản xuất dầu của Nga giảm sâu hơn.
Tuy nhiên, Nga không bán được cho châu Âu thì bán cho các nước khác. Số liệu xuất khẩu dầu, than của Nga sang Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 8.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu của Nga, đã đạt tổng cộng 8,342 triệu tấn, tăng 28% so với năm ngoái, tương đương 1,96 triệu thùng/ngày, và chỉ kém kỷ lục gần 2 triệu thùng/ngày của tháng 5.
Nhưng không chỉ dầu thô, mà nhập khẩu than từ Nga của Trung Quốc cũng bùng nổ trong tháng 8, và đạt mức cao nhất trong vòng ít nhất 5 năm trở lại đây.
Lượng than nhập khẩu của Nga trong tháng 8 đạt 8,54 triệu tấn, tăng so với mức cao nhất trước đó là 7,42 triệu tấn vào tháng 7 và cao hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều trớ trêu là, không chỉ có Trung Quốc hay Ấn Độ, mà chính Châu Âu cũng đang là bên vơ vét dầu của Nga trước khi lệnh cấm do chính EU ban hành sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 12 này.
Ba tháng kể từ bây giờ, lệnh cấm vận trên toàn EU đối với nhập khẩu dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực, đã khiến châu Âu phải vội vã nhập khẩu hơn 1 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày, và đã làm như vậy từ tháng trước.
Trong khi các quan chức EU công khai lên án Nga về các hành động quân sự ở Ukraine, và công khai hứa hẹn với các cử tri của họ rằng, các biện pháp trừng phạt Nga đang có hiệu quả, nhưng họ không hề đề cập đến việc tiếp tục mua dầu của Nga trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Tuy nhiên, Nga đang xuất khẩu khoảng 3,32 triệu thùng dầu thô mỗi ngày bằng đường biển. Điều đó có nghĩa là châu Âu đang mua ⅓ tổng số lượng trên, và chẳng có gì thay đổi kể từ tháng 6 khi lệnh cấm vận dầu thô Nga được thông qua.
Một khi cánh cửa cấm vận dầu thô Nga đóng lại vào tháng 12 tới, rất có thể giá dầu sẽ lại vút cao. Và thật trùng hợp, nó xảy ra vào đúng tháng mùa đông và càng khiến châu Âu cảm thấy đau đớn nhất, trong khi Nga chẳng tổn thất gì.
Có thể thấy vòng xoáy chiến tranh tại Ukraine đang khiến châu Âu tuyệt vọng và Mỹ cảm thấy bất an.
Xem thêm: Nga vs NATO: Cái cớ hoàn hảo để Nga tung đòn trả đũa