Nhân sinh đời người sống trong đau khổ cũng chỉ vì toan tính thiệt hơn. Người hạnh phúc là người không tranh giành, biết hài lòng với những gì mình có.
- Biết đủ thường thấy an vui, không tham lam thì nhân sinh luôn hạnh phúc
- Người giàu và người nghèo: 10 điểm khác biệt nhất về thói quen
Nội dung chính
Không tranh giành mới có thể sống vô tư, không phiền não
Lão Tử nói: “Thiện thiện nhược thủy, thủy thiện lợi nhi bất tranh. Thất duy bất tranh, cố vô ưu.”
Con người sống trên đời, không tranh không giành, mới có thể sống vô tư, không phiền não; đó mới là cuộc sống hạnh phúc thật sự.
Chua Lam, một nhà báo, nhà phê bình ẩm thực và người dẫn chương trình truyền hình người Singapore từng kể về trải nghiệm thú vị của chính mình rằng: Khoảng thời gian ông ở trên Kepayang Hill, có một cô gái bản địa hàng ngày thường nướng gà cho ông ăn; và có vẻ như là cô gái này chỉ biết làm mỗi món gà. Thấy vậy nên ông đã hỏi cô ấy có từng thưởng thức cá chưa?
Cô ấy ngạc nhiên nói: “Cá là cái gì?”.
Ông vẽ một con cá thật to cho cô ấy xem và nói: “Cô chưa từng nếm mùi vị món cá ư? Thật đáng tiếc!”
Cô ấy mỉm cười nói: “Tôi chưa từng thưởng thức món cá thì có gì mà đáng tiếc?’”
Câu chuyện về ông lão đánh cá
Chua Lam tiên sinh cũng từng gặp một ông lão đánh cá, thấy cá của người khác đều to và nhiều hơn cá của ông lão, ông mới có ý tốt nói với ông lão: “Này ông lão, cá ở bên kia to hơn, ông hãy qua đó mà câu sẽ được nhiều hơn.”
Ông lão vui vẻ mỉm cười đáp lại: “Tôi chỉ câu cá vừa đủ về ăn trưa thôi.”
Những con cá chưa từng được ăn, không phải điều đáng tiếc trong cuộc đời; những con cá tuy nhỏ, nhưng đối với ông lão thì một bữa trưa, như vậy là đủ.
Những thứ chưa từng bước vào cuộc đời thì không thể xem là mất đi; những thứ đang có được ở hiện tại, chính là hạnh phúc của chúng ta.
Bất kể là cô gái ở Kepayang Hill hay ông lão đánh cá, “bất tranh” mới là cảnh giới sống đáng quý nhất. Không tranh lớn nhỏ, không tranh ít nhiều; nếu chúng ta nhìn qua thì có vẻ như là bỏ lỡ một cơ hội, nhưng thực ra lại là đang có được sự bình yên trong tâm hồn.
Câu chuyện rùa và thỏ
Có một hôm, thỏ hỏi rùa: “Này rùa, anh có ngôi nhà để ở không?”
“Không có”, rùa trả lời.
Thỏ hỏi tiếp: “Hàng ngày anh có được ăn ba bữa trái cây không?”
“Không có”.
“Vậy có ai dỗ dành và đưa anh đi ra phố chơi không?”, thỏ lại hỏi.
“Không có”, rùa trả lời.
Nghe vậy, thỏ liền bĩu môi: “Cuộc sống của anh thật tẻ nhạt. Sao cái gì anh cũng không có vậy hả?”.
Rùa cười: “Cuộc sống của tôi chính là đơn giản như vậy. Tôi có cách sống riêng của mình. Tôi là một con rùa cô độc nhưng tự do; còn anh là một con thỏ tự cho rằng mình hạnh phúc hơn người khác”.
Có được nhiều hay ít không phải là điều quyết định hạnh phúc
Hạnh phúc hay không? Điều đó tùy thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người. Bởi vậy nên, đâu thể nào dùng cái tiêu chuẩn của tự mình mà đo lường hạnh phúc của người khác. Cũng đừng vì thấy ai đó nghèo khó hay địa vị thấp kém mà vội cho rằng mình hạnh phúc hơn người.
Có những người cả đời chỉ biết tranh đấu ngược xuôi, bon chen, giành giật; đầu óc chẳng khi nào ngơi nghỉ, toan toan tính tính suốt ngày dài, đến đêm về cũng chẳng có nổi một giấc ngủ ngon. Nhưng có người tuy cuộc sống kham khổ, thiếu thốn đủ điều nhưng lại chẳng hề mang chút ưu phiền, buồn tủi; cuộc sống của họ đạm bạc nhưng quả là ung dung tự tại.
Vậy nên, hạnh phúc của đời người không phải ở chỗ có được nhiều hay ít mà đơn giản chỉ là đã biết hài lòng với những gì mình đang có hay chưa.
Người không tranh giành sẽ tự nhiên ung dung, thản đãng.
Không tranh giành thì có gì mà tốt? Không tranh giành thì làm sao có được nhiều điều? Thoạt nghe thì có vẻ có lý, nhưng nếu suy xét sâu xa hơn thì chúng ta còn có thể phát hiện ra được nhiều điều. Hãy thử bớt tranh giành một chút, coi nhẹ những thứ mà mình cho là quan trọng đi một chút, tự khắc sẽ thấy tâm hồn khoáng đạt và thế giới quanh mình thoáng chốc trở nên tươi đẹp hơn.
Bởi vì biết đủ nên chẳng cần thêm; vì chẳng cần thêm nên cũng chẳng cần đi tranh, đi giành; cái lẽ ấy tuy đơn giản nhưng mấy ai hiểu được, người không tranh giành mới chính là người giàu có đích thực trên thế gian.