Tin sáng 6/4: Việt Nam có 7 tỷ phú hàng đầu thế giới; Lý do Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt
7 tỷ phú Việt Nam lọt vào danh sách giàu nhất thế giới là ai? Vì sao Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai bị bắt?
Dưới đây là các tin chi tiết:
Nội dung chính
Việt Nam có 7 tỷ phú trong danh sách thế giới
Tạp chí Forbes (Mỹ) hôm 5/4 đã công bố danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2022. Việt Nam có 7 tỷ phú lọt vào danh sách này.
7 tỷ phú Việt Nam được nêu tên trong danh sách của Forbes bao gồm:
- Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (xếp thứ 411 thế giới với 6,2 tỷ USD)
- Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (xếp thứ 951 với 3,2 tỷ USD)
- CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo (xếp thứ 984 với 3,1 tỷ USD)
- Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn (xếp thứ 1.053 với 2,9 tỷ USD)
- Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (xếp thứ 1.341 với 2,3 tỷ USD)
- Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (xếp thứ 1.579 với 1,9 tỷ USD)
- Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (xếp thứ 1.818 với 1,6 tỷ USD)
Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt
VnExpress đưa tin, Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã bị bắt giam, khởi tố về cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, cũng bị khởi tố.
Ngoài ra còn 4 người khác cũng bị khởi tố, tạm giam, bao gồm:
- Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt;
- Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil;
- Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông;
- Lê Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh;
- Phùng Thế Tính, nguyên Giám đốc Tài chính kế toán Tân Hoàng Minh.
Về lý do dẫn đến việc khởi tố, Bộ Công an cho biết ông Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định của pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Dân Trí, trong thời gian từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân có liên quan tại Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối nêu trên thông qua việc sử dụng các công ty thành viên gồm:
- Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt
- Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil
- Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan.
Sau khi huy động tiền của các nhà đầu tư, ông Dũng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
‘Không có chuyện Trung Quốc làm nhà bảo trợ an ninh cho Ukraine’
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy từng bày tỏ nguyện vọng Trung Quốc tham gia nhóm các nước “bảo trợ an ninh” cho các thỏa thuận nếu có giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên ông Shi Yinhong, giáo sư các vấn đề quốc tế tại Đại học Renmin (Trung Quốc), điều này không khả thi.
SCMP trích lời ông Shi: “Các nước phương Tây cho đến nay đã từ chối gửi quân đến Ukraine sau hơn một tháng kể từ khi chiến tranh nổ ra, vì vậy rõ ràng là họ không cung cấp cái gọi là bảo trợ an ninh (cho Ukraine”.
“Tại sao Trung Quốc nên ra tay trước khi Mỹ và NATO vẫn chưa cam kết trở thành nhà bảo trợ an ninh?”
Người Indonesia mất thiện cảm về Trung Quốc
Viện Lowy (Australia) hôm 5/4 công bố kết quả khảo sát cho thấy ấn tượng của người Indonesia về Trung Quốc đã xấu đi đáng kể so với 11 năm trước, theo BenarNews.
Khoảng 60% người Indonesia đồng ý hoặc nhất trí mạnh mẽ với việc Indonesia nên tham gia cùng các nước khác nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Kết quả này tăng 10 điểm so với kết quả khảo sát năm 2011.
Nếu xảy ra xung đột Mỹ – Trung, 84% số người cho rằng Indonesia nên giữ thái độ trung lập. Chỉ 4% nói rằng Jakarta nên ủng hộ Washington và 1% nói rằng họ nên ủng hộ Bắc Kinh.