Sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2024, quốc tế có những phản ứng đầu tiên liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã mạnh tay viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm đối phó với cuộc xung đột với Nga. Những khoản viện trợ khổng lồ, bao gồm vũ khí và trang thiết bị hiện đại, đã giúp Ukraine duy trì sức mạnh quân sự và lòng tin trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, viễn cảnh ông Donald Trump trở lại vị trí lãnh đạo nước Mỹ với cam kết chấm dứt giao tranh trong vòng “24 giờ” đã khiến các lãnh đạo Ukraine cảm thấy bất an. Thủ tướng Slovakia Robert Fico thậm chí cho biết, khi gặp Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Budapest vào ngày 7/11, nhà lãnh đạo Ukraine tỏ ra khá bối rối, lo sợ trước những thay đổi chính trị có thể xảy ra.
Fico đã thẳng thắn nói trên đài phát thanh Slovensko rằng: “Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người lo rằng chiến tranh sẽ kết thúc chưa? Tôi đã gặp ông ấy, và đó là Zelensky”. Ông Fico nói thêm rằng, ông Zelensky có vẻ “sốc khi ông Trump thắng cử”. Theo ông, thái độ của Zelensky cho thấy một mức độ lo lắng không chỉ vì chiến thắng của ông Trump, mà còn vì những hậu quả to lớn khi Mỹ, một quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ Ukraine, có thể thay đổi chính sách viện trợ. Việc Mỹ ngừng viện trợ quân sự và tài chính sẽ khiến Ukraine mất đi nguồn lực quan trọng, buộc các đồng minh châu Âu phải đối mặt với một câu hỏi khó khăn: liệu họ có đủ khả năng tài chính và quân sự để gánh vác phần còn lại?
Thực tế là, EU hiện đang cân nhắc các phương án tiếp tục hỗ trợ Ukraine nếu Mỹ rút lui. Một trong những phương án này là sử dụng khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga bị đóng băng để làm nguồn quỹ cho Ukraine. Zelensky đã đề xuất mạnh mẽ ý tưởng này, khẳng định rằng số tiền đó “hoàn toàn thuộc về” Ukraine và sẽ là phương án khả thi nhất nếu Mỹ thực sự ngừng viện trợ.
Thủ tướng Fico lập luận rằng xung đột ở Ukraine sẽ không thể chấm dứt chừng nào phương Tây còn đổ tiền và vũ khí vào khu vực. Lãnh đạo các nước EU trong hội nghị Budapest cũng đồng tình với quan điểm này, nhưng họ phải đối mặt với một thực tế rằng, nếu ông Trump quyết định rút lại sự hỗ trợ của Washington, gánh nặng sẽ đổ dồn lên các nước châu Âu.
Trước hội nghị thượng đỉnh EU, Zelensky đã nhấn mạnh rằng Kiev phải là bên duy nhất có quyền “quyết định điều gì nên và không nên đưa vào chương trình nghị sự để chấm dứt cuộc chiến này.” Tuy nhiên, nếu mất đi sự ủng hộ của Mỹ, lựa chọn của Ukraine sẽ bị thu hẹp đáng kể. Đó là lý do tại sao, với viễn cảnh Trump đắc cử, nỗi lo sợ của Zelensky không chỉ là về chiến tranh mà còn là nguy cơ mất đi nguồn viện trợ thiết yếu từ nước ngoài.
“Trong 38 ngày nữa, ông sẽ mất trợ cấp” Dự báo này được con trai của Donald Trump đưa ra với nhà lãnh đạo ukraine Volodymir Zelensky ngày 10/11 đã thổi bùng lên làn sóng dư luận trong bối cảnh cuộc thảo luận quy mô lớn về các phương án chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ngay sau đó, quân đội Ukraine mở đợt tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) quy mô lớn nhất vào khu vực Moscow từ trước đến nay, với hàng chục chiếc bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ. Cuộc tấn công này, theo giới phân tích, không chỉ là hành động quân sự, mà là thông điệp chính trị Zelensky muốn gửi đến Washington – rằng ông sẽ làm mọi cách để bảo vệ “trợ cấp” của mình, bất kể ai ngồi ghế tổng thống.
Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin thông báo, có tới 32 máy bay không người lái bị bắn rơi chỉ riêng khu vực ngoại ô Moscow, còn Bộ Quốc phòng Nga xác nhận tổng cộng 84 máy bay không người lái đã được Ukraine triển khai. Kết quả, một số ngôi nhà bị cháy, và có người bị thương – điều này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đây là đợt tấn công đầu tiên của Ukraine kể từ khi Trump chiến thắng, như một động thái đáp trả trước cam kết của ông Trump về việc chấm dứt xung đột.
Nga ngay sau đó đã lập tức đáp trả, thực hiện đợt tấn công kỷ lục với 145 máy bay không người lái Geran-2 vào các mục tiêu ở Ukraine, một động thái cho thấy rằng Nga không còn phải đợi 1, 2 ngày cho đòn đáp trả mạnh mẽ như trước đây.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, không giấu giếm sự nghi ngờ về những tháng cuối nhiệm kỳ của Biden, ám chỉ rằng ông còn “thừa sức gây nhiều bất lợi cho Nga”. Những lời này đặt ra câu hỏi về khả năng Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, ngay cả khi Trump cam kết hòa bình.
Giới phân tích nhận định rằng cuộc tấn công bằng UAV không chỉ mang tính quân sự mà còn nhắm vào khía cạnh chính trị, các chuyên gia quân sự quốc tế đang dấy lên lo ngại về động thái của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo trung tá Mỹ đã nghỉ hưu Daniel Davis, Zelensky vẫn chưa từ bỏ tham vọng lôi kéo NATO vào cuộc đối đầu với Nga, bất chấp rủi ro tiềm ẩn của một cuộc xung đột toàn cầu.
Davis nhận định rằng, Những dấu hiệu từ Mỹ về việc sớm rút khỏi xung đột, đã khiến Zelensky đang đứng trước áp lực lớn để tìm kiếm giải pháp duy trì nguồn viện trợ. Đối với ông, việc kéo NATO vào cuộc chiến là con đường duy nhất còn lại, bởi lẽ điều này sẽ khiến phương Tây phải tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine – dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Trong bối cảnh đó, việc Ukraine liên tiếp tăng cường các cuộc tấn công vào lãnh thổ của Nga cũng có thể được xem là tín hiệu gửi tới phương Tây, như thể muốn chứng minh rằng Ukraine vẫn “còn đủ sức chiến đấu” nếu nhận thêm viện trợ. Theo các chuyên gia, những hành động này là nước cờ liều lĩnh của Zelensky nhằm duy trì sự quan tâm và hỗ trợ từ NATO.
Mặt khác, Các tuyên bố của Zelensky không còn che giấu ý định này, khi ông liên tục kêu gọi phương Tây phải “nghiêm túc” hơn và đứng về phía Ukraine. Thế nhưng, chuyên gia Daniel Davis cho rằng: “Tại sao các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải mạo hiểm an ninh quốc gia cho một cuộc chiến mà Ukraine đã gần như cạn kiệt khả năng giành chiến thắng?”
Vấn đề đặt ra là, các quốc gia Châu Âu sẽ phản ứng ra sao trước những hành động liều lĩnh hơn của Zelensky? Câu hỏi này càng thêm phần bức thiết khi áp lực từ Mỹ và Nga đang không ngừng gia tăng, và bất kỳ động thái leo thang nào cũng có thể kéo cả thế giới vào một cuộc xung đột hạt nhân không thể lường trước.