Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi Trung Quốc hợp tác một cách minh bạch trong giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, lần này tập trung vào các phòng thí nghiệm.
- Nghiên cứu của châu Âu cảnh báo về vắc xin AstraZeneca
- Malaysia hủy bỏ ‘siêu dự án’ tỷ USD với Trung Quốc
Trong một cuộc họp kín hôm 16/7 với đại diện các nước thành viên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đề xuất 5 ưu tiên trong giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, theo The Guardian.
Các ưu tiên bao gồm “việc điều tra các phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu liên quan hoạt động ở những khu vực phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 12/2019”.
Ông Tedros cũng đề nghị các nhà điều tra tập trung “nghiên cứu ưu tiên những khu vực địa lý có dấu hiệu sớm nhất về sự lây lan của virus SARS-CoV-2”. Ông đồng thời kêu gọi tiến hành thêm các nghiên cứu đối với chợ bán động vật trong và xung quanh thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi Viện Virus học Vũ Hán đặt trụ sở và có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận.
Trước đó, vào ngày 15/7, người đứng đầu WHO bất ngờ thay đổi thái độ khi thừa nhận trong cuộc họp báo rằng còn quá sớm để loại trừ khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, theo tờ The Hill.
Ông Tedros dẫn lại những kinh nghiệm của mình khi là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và nhà miễn dịch học, ông nói “tai nạn trong phòng thí nghiệm là điều phổ biến”, vì vậy phải “kiểm tra chuyện gì đã xảy ra, đặc biệt là trong phòng thí nghiệm”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ tuyên bố ngày 15/7 của ông Tedros, dẫn lại kết luận từ cuộc điều tra đầu tiên của nhóm chuyên gia WHO đến Vũ Hán hồi tháng 2, rằng virus corona “hoàn toàn không thể” bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, theo tiết lộ trên tờ The Washington Post đăng ngày 15/7, báo cáo điều tra trên của WHO có rất nhiều sơ hở. Ví dụ, chính quyền Vũ Hán tuyên bố bệnh nhân số 0 phát bệnh vào ngày 8/12/2019 và sống ở quận Vũ Xương, Vũ Hán. Trong khi bệnh nhân số 0 theo báo cáo của WHO lại sống ở bên kia sông. WHO sau đó biện minh rằng đó là “lỗi chỉnh sửa”.
Trước phản ứng của WHO khi đó, ông Hà Ngạn Tuyền (He Anquan), cựu Bác sĩ ngoại khoa Trung Quốc và là người từng đứng đầu Đảng Dân tộc Thượng Hải, nói rằng: “WHO đã đóng một vai diễn khó xử. Chính phủ Trung Quốc không cung cấp dữ liệu thật và WHO đã cung cấp cho họ một nền tảng. Điều này thật vô nhân đạo đối với hàng triệu sinh mạng đã chết”, theo NTD.