Hãng Reuters vừa công bố, hôm 23/6, chính quyền của Tổng thống Trump đã liệt kê 20 công ty hoạt động tại Mỹ mà Washington cho rằng do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hậu thuẫn. Ngoài tập đoàn viễn thông Huawei, Hikvision, còn có Tập đoàn Viễn thông di động Trung Quốc (China Mobile), tập đoàn China Telecom, Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC).
- Căng thẳng với Nhật, Trung Quốc đặt tên 50 thực thể ở vùng biển tranh chấp
- Vì sao Triều Tiên bất ngờ thay đổi: Dừng rải truyền đơn, dỡ 10 loa phóng thanh
- Mỹ xác định Huawei và 19 công ty do quân đội Trung Quốc đứng sau
Phía Mỹ cho rằng, quân đội Trung Quốc nhúng tay vào các tập đoàn để khai thác các công nghệ dân sự cho mục đích quân sự. Theo dự kiến, đây sẽ là cơ sở để bước tiếp theo chính quyền Mỹ sẽ gia tăng biện pháp trừng phạt tài chính với Trung Quốc.
Thông tin này đăng tải trên các trang báo chính thống tại Việt Nam khiến nhiều người giật mình lo lắng. Bởi những cái tên xuất hiện trong danh sách đen này đang cung cấp một thị phần to lớn các thiết bị nghe nhìn, theo dõi an ninh cá nhân, gia đình, công sở với người Việt. Trong đó, nổi trội và quen thuộc nhất là hai cái tên Huawei, Hikvision.
Rất nhiều người hẳn cũng thốt lên như độc giả này trên tờ VnExpress: “Ôi, thật khủng khiếp, cái tên Hikvision quá quen thuộc và phổ biến”.
Trên diễn đàn dành cho độc giả ở các trang báo lớn như Tuổi trẻ, nhiều người thể hiện sự quan tâm tới những lỗ hổng trong việc bảo mật thông tin từ các thiết bị điện tử mang thương hiệu các doanh nghiệp Trung Quốc kể trên. Một độc giả ký tên Nguyễn Đình Huy phân tích, tại Việt Nam, “camera Hikvision chiếm hơn 60% thị phần camera trong nước rồi, hầu như gia đình, doanh nghiệp kể cả cơ quan nhà nước cũng dùng loại này. Loại này dễ cài đặt nếu connect với server hikconnect thì Trung Quốc toàn quyền xem luôn rồi. Quá nguy hiểm”.
Một độc giả khác phân tích: “Kinh nghiệm lắp camera của mình thấy là một số phần mềm xem camera trên điện thoại yêu cầu nhiều quyền cực kỳ vô lý. Xem camera thì cần gì quản lý cuộc gọi, tin nhắn, quyền định vị vị trí điện thoại. Một số phần mềm cho bỏ chọn các quyền nhưng Hikvision và một số hãng yêu cầu cứng những quyền vô lý trên mới cho cài đặt và sử dụng!”.
Có thể thấy, việc Mỹ chỉ mặt điểm tên hàng loạt hãng công nghệ lớn của Trung Quốc có thể liên quan đến hoạt động do thám tình báo như một khối thuốc nổ khiến nhiều người giật mình. Nó giúp nhiều người Việt bắt đầu ý thức một cách nghiêm túc hơn về nguy cơ mất an ninh từ chính những chiếc camera an ninh mang thương hiệu Trung Quốc mà họ đang dùng.
Sở dĩ nói là ý thức nghiêm túc hơn, bởi trên thực tế, trước đây đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ này, tuy nhiên, vì nhiều lý do, các thiết bị giám sát an ninh của Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Việt. Trên bài báo phân tích “Camera hàng Tàu độc chiếm thị trường Việt, nỗi lo hacker quay lén” đăng ngày 2 tháng 11 năm 2010 của Vietnamnet từng đưa ra cảnh báo, hầu hết camera đang bán trên thị trường đều thuộc những thương hiệu Trung Quốc như Hikvision, Dahua, Honey Well, Yousee,… Giá của những thiết bị này siêu rẻ, thậm chí với kinh phí eo hẹp hơn thì 500 nghìn đồng cũng có một chiếc camera không dây hoạt động độc lập gắn trong phòng để trông con nhỏ.
Tuy nhiên, đánh đổi lấy mức giá rẻ, những chiếc camera Trung Quốc lại có khá nhiều tai tiếng về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Trên thế giới, đã có phát hiện hãng sản xuất camera Trung Quốc cài “cửa hậu” vào sản phẩm bán ra nhằm bí mật thu thập hình ảnh của khách hàng.
Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019, chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng camera của 2 hãng Hikvision, Dahua tại tất cả các địa điểm cơ sở an ninh, quốc phòng hay tại các vị trí quan trọng như sân bay, nhà ga, văn phòng công quyền. Lệnh cấm còn áp dụng với những công ty liên kết, thương hiệu đến từ nước khác nhưng lõi camera vẫn từ Trung Quốc. Hiện tại, Hikvision và Dahua là hai thương hiệu camera lớn nhất thế giới, nắm giữ 30% thị phần toàn cầu.
Tại Việt Nam, nhiều gia đình sử dụng tính năng theo dõi camera từ xa qua Internet. Để làm được điều này, người dùng phải thuê tên miền camera với mức giá khoảng 200-300 nghìn/năm.
Cách nữa là sử dụng dịch vụ miễn phí do các công ty Trung Quốc cung cấp. Vì muốn tiết kiệm, nhiều người dùng đã lựa chọn những dịch vụ miễn phí mà không biết rằng toàn bộ hình ảnh về căn nhà của mình đã bị chuyển qua máy chủ bên Trung Quốc. Những hacker có thể dễ dàng khai thác những hình ảnh này bởi camera Trung Quốc có tính năng bảo mật rất kém. Thêm nữa, nhiều khách hàng thậm chí còn không đặt mật khẩu truy cập cho camera.
Một chủ cửa hàng chuyên lắp đặt camera tại Hà Nội cho biết: “Phần lớn khách hàng không quan tâm đến vấn đề bảo mật. Người ta chỉ để ý đến giá cả và chất lượng. Riêng khoản này thì không nước nào đọ được với Trung Quốc. Thực ra cửa hàng của tôi cũng chào bán một số dòng camera của Nhật, Hàn như Sony, Panasonic, Samsung nhưng kén khách mua lắm. Camera Nhật giá gấp hàng Tàu đến 5-6 lần nên đầu tư cho cửa hàng, nhà xưởng khá tốn kém. Chưa kể camera Trung Quốc rất sẵn hàng, bảo hành 1 đổi 1 nhanh chóng. Người bán và người mua đều thích”.
Còn trong phân khúc điện thoại, cái tên trong danh sách đen của Mỹ là Huawei đã từng lọt vào top 5 smarphone bán chạy nhất Việt Nam năm 2019. Dù giờ đây, lệnh cấm của Mỹ đã khiến Huawei rớt sàn trên thị trường điện thoại tại Việt Nam, nhưng vẫn có hàng triệu chiếc còn đang hoạt động và mang theo nguy cơ truyền thông tin về máy chủ tại Trung Quốc.
Trên đây mới chỉ là 2 trong số rất nhiều cái tên bị Mỹ liệt kê đang có sản phẩm bán ở Việt Nam. Trước những nguy cơ hiện hữu ngày một rõ ràng, quả là đáng để người Việt thêm một lần nữa giật mình khi đọc danh sách 20 tập đoàn Trung Quốc vừa bị Mỹ cho vào tầm ngắm.