Giới chức y tế Anh Quốc mới công bố phát hiện sơ bộ cho thấy những người nhiễm Covid-19 biến thể Delta dù đã tiêm phòng hay chưa đều có tải lượng virus ngang nhau.
Biến thể Delta của Covid-19 hiện là chủng virus gây ra phần lớn các ca nhiễm ở nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Việt Nam.
Điều này trùng khớp với phát hiện tương tự của một nghiên cứu gần đây tại bang Wisconsin, Mỹ.
Theo The Epoch Times, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (Public Health England – PHE) hôm 6/8 công bố báo cáo cho biết: “Một số phát hiện ban đầu… chỉ ra rằng tải lượng virus ở những người bị nhiễm chủng Delta đã tiêm chủng có thể tương tự với tải lượng ở những người chưa được tiêm chủng”.
Báo cáo cho biết, như vậy việc tiêm vắc xin tạo ra “khác biệt hạn chế trong mức độ lây nhiễm” đối với biến thể Delta.
“Điều này có thể có tác động đến khả năng lây nhiễm của mọi người, cho dù họ đã được tiêm phòng hay chưa”, PHE cho biết thêm.
“Tuy nhiên, đây là phân tích khám phá ban đầu và cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác nhận liệu có đúng như vậy hay không.”
Trong một nghiên cứu gần đây từ bang Wisconsin, giới chức y tế Hoa Kỳ cũng đã quan sát thấy kết quả tương tự.
Cuộc nghiên cứu tại bang Wisconsin đã công bố bản dự thảo báo cáo, chưa được đánh giá đồng cấp. Báo cáo cho rằng “không có sự khác biệt về tải lượng virus” được tìm thấy ở những người chưa được tiêm chủng và những người đã tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu của Đại học Imperial College London (ICL) cho thấy phát hiện khác. Các nhà nghiên cứu của ICL đã công bố báo cáo cho rằng các vắc xin “có thể kém hiệu quả hơn” trong việc chống lại biến thể Lambda. Biến thể này lần đầu tiên xuất hiện ở Peru vào tháng 12 năm 2020.
Theo PHE, Anh có 37 trường hợp được xác nhận là biến thể Lambda. Tài liệu của PHE cho biết có bằng chứng chỉ ra rằng biến thể Lambda có khả năng tự biến đổi và né tránh hệ miễn dịch của cơ thể.
Những trường hợp đã tiêm phòng nhưng vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 được gọi là các ca nhiễm đột phá.