Giới chức y tế Bắc Kinh gần đây tuyên bố người dân có thể cần tiêm 3 liều vắc xin Covid-19 của Trung Quốc để tăng hiệu quả. Thông báo này xuất hiện sau khi xảy ra một số trường hợp nhiễm Covid-19 dù đã tiêm 2 liều vắc xin Trung Quốc.
Một nhà virus học nói với The Epoch Times rằng các ca nhiễm này khả năng là do vắc xin Trung Quốc chất lượng kém; bên cạnh đó là do mức độ nguy hiểm gia tăng của các biến thể Covid-19.
Nghi ngờ chất lượng vắc xin Covid-19 Trung Quốc
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, một bác sĩ Trung Quốc họ Lưu đến từ thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19; dù đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trước đó, bác sĩ này được tiêm 2 liều vắc xin Covid-19 của Trung Quốc, theo giới truyền thông Trung Quốc ngày 18/3. Các báo cáo không tiết lộ bác sĩ đã được tiêm loại vắc xin nào của Trung Quốc.
Trong các vụ việc khác, 7 người ở Hồng Kông đã chết sau khi được tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc chưa đầy ba tuần. Hiện chưa rõ liệu vắc xin Sinovac có góp phần gây ra các ca tử vong đó hay không. Nhưng những vụ việc này đã làm dấy lên nghi ngại về chất lượng vắc xin của Trung Quốc.
Một nhà bình luận trên phương tiện truyền thông Hồng Kông đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc sử dụng chính người dân của họ làm “chuột thí nghiệm” cho vắc xin Sinovac.
Quan chức Trung Quốc: 2 liều không đủ thì thêm liều thứ 3
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào ngày 20/3, ông Cao Phúc (Gao Fu), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), giải thích tại sao hai liều vắc xin Covid-19 có thể không đủ hiệu quả và cần thêm liều thứ ba.
Ông Cao nói virus lây nhiễm qua đường hô hấp, nhưng các kháng thể được tạo ra trong cơ thể sau khi tiêm vắc xin. “Các kháng thể trong cơ thể [được tạo ra sau khi tiêm vắc xin] có thể không hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp”, ông Cao nói.
Sau đó, ông Cao nói rằng hai liều vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất là vắc xin bất hoạt, có thể không tạo ra đủ kháng thể và cần phải tiêm liều thứ ba.
Ông Cao đã cố gắng trấn an công chúng về hiệu quả của các loại vắc xin “cây nhà lá vườn” bằng cách nhấn mạnh rằng chúng có thể bảo vệ dân số chống lại dịch bệnh Covid-19.
Nhà nghiên cứu phản bác: Vắc xin Trung Quốc hiệu quả rất thấp
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, Tiến sĩ Sean Lin, người từng là nhà nghiên cứu virus học của Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, đã bác bỏ những lời biện minh của Trung Quốc.
Ông Lin cho biết tất cả các loại vắc xin Covid-19 hiện nay đều được tiêm qua bắp. “Về cơ bản, sau khi được tiêm, nó tạo ra các kháng thể bên trong cơ thể và tất cả đều giống nhau”, ông Lin nói.
Vì vậy, đây không thể là lý do biện minh cho việc tiêm 2 liều vắc xin Trung Quốc không hiệu quả như ông Cao nói. Đây không thể là cái cớ để chính phủ Trung Quốc né tránh vấn đề chất lượng của vắc xin, theo ông Lin.
“Ông Cao Phúc đã đề cập rằng có thể cần đến mũi tiêm thứ ba. Các loại vắc xin của Trung Quốc là vắc xin bất hoạt. Mũi tiêm thứ hai thực sự là một chất tăng cường. Nếu nó không tạo ra đủ kháng thể, thì có nghĩa là loại vắc xin bất hoạt này thực sự có hiệu quả rất thấp. Và đó là vấn đề về chất lượng của vắc xin” ông Lin giải thích.
Tiến sĩ Lin chỉ ra rằng cả vắc xin Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc đều chưa trải qua các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ở đại lục và không có dữ liệu về các tác dụng phụ.
“Mặc dù vắc xin Trung Quốc đã được cung cấp trên quy mô lớn trên toàn quốc; nhưng trên thực tế, cả các cơ quan chính phủ cũng như Sinovac hay Sinopharm đều không cung cấp bất kỳ số liệu thống kê nào về hiệu quả và tác dụng phụ của vắc xin; sau khi đã tiêm cho hàng chục triệu người”, ông Lin nói.
Tiến sĩ Lin nói rằng ở Trung Quốc, bất kể người dân tiêm vắc xin Sinovac hay Sinopharm; họ đều phải đối mặt với vấn đề là họ có thể thiếu khả năng miễn dịch chống lại các biến thể mới của virus corona.