Một lần nữa Chiến tranh Lạnh có khả năng tái diễn trong thời điểm hiện tại, khi Ukraine đang trở thành bãi chiến trường của hai cường quốc hạt nhân. Châu Âu đang đứng trước viễn cảnh đáng sợ, khi toàn bộ cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine có thể sụp đổ, bao gồm các mỏ khí đốt đến các nhà máy nhiệt điện, trạm biến áp bị phá huỷ bởi đòn tấn công của Nga….
Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc phản công của Ukraine tại Kharkiv vừa qua?
Ukraine hồ hởi, Mỹ lại thận trọng e dè?
Giới truyền thông dòng chính Mỹ đang đồng thanh về “đòn búa hạ gục Putin”, rằng “người Nga đang gặp khó khăn”, “thất bại” trước các cuộc phản công của Ukraine.
Trong khi ấy, chính quyền Kyiv tuyên bố giành quyền kiểm soát khu vực Kharkiv rộng tới 6.000km2, với việc tái kiểm soát các thành phố Izyum, Kupiansk và Balakliya của tỉnh này.
Tuy nhiên ngạn ngữ phương Tây có câu “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”.
Điều thú vị ở chỗ, trong khi chính quyền Zelensky khoe khoang chiến công đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi Kharkiv, thì chính giới chức cấp cao của phương Tây lại tỏ ra thận trọng trước thắng lợi này.
theo Reuters, các quan chức phương Tây cho biết còn quá sớm để nói rằng thắng lợi của Ukraine là một bước ngoặt.
Một quan chức phương Tây nói: “Có một cuộc tranh luận đang diễn ra về bản chất của sự rút lui của Nga, tuy nhiên có khả năng … đây là một cuộc rút lui theo mệ nh lệnh, chứ không phải là một sự sụp đổ hoàn toàn.”
Có lẽ quan chức phương Tây nhận thức rõ ràng rằng, các lực lượng Ukraine chỉ đơn giản là tiến vào khu vực “vườn không nhà trống”, để chiếm các khu vực mà người Nga đang bỏ trống.
Thực tế, các lực lượng chính Nga đã rời khỏi Kharkiv trước khi Ukraine tiến vào. Bộ tư lệnh Nga đã biết trước được đợt phản công này và đã chọn phương án rút lui để bảo toàn quân lực. Vì sao lại vậy?
Đơn giản là vì lực lượng Nga đóng tại Kharkiv quá mỏng, và chỉ duy trì ⅓ số quân tại đây do được điều chuyển tới mặt trận Kherson ở miền nam Ukraine.
Việc Nga điều quân từ Kharkiv cho mặt trận Kherson trong những ngày đầu tháng 9, đã khiến “cuộc phản công” của lực lượng Ukraine ở Kherson phải gánh chịu thương vong nặng nề lên tới hàng nghìn binh sĩ.
Chuyên gia quân sự của kênh 19fortyfive là Đại tá Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Daniel L. Davis đ 22ã thừa nhận như sau:
“Khi Putin ưu tiên đánh chiếm Donbass làm mục tiêu chính, Điện Kremlin đã tiến hành những nhiệm vụ ở phía bắc xung quanh Kharkiv và ở phía nam gần Kherson.
Mục đích của Nga ở phía bắc và phía nam là sử dụng càng ít quân càng tốt để giữ chân Lực lượng Ukraine không thể chuyển thêm quân đến Donbass…
Vào cuối tháng 8, Nga đã cắt mỏng hàng phòng thủ hơn nữa tại đây để triển khai thêm binh sĩ, nhằm bảo vệ trước cuộc phản công của Ukraine sắp tới ở gần Kherson.
Quân đội Nga được bổ sung từ Kharkiv đã giúp Moscow gây thương vong nặng nề cho Ukraine ở khu vực Kherson, nhưng lại làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống phòng thủ của Nga ở khu vực Kharkiv.”
NATO tham gia trực tiếp vào cuộc phản công của Ukraine?
Có một điều chắc chắn, cuộc phản công tại Kharkiv của Ukraine đã được lên kế hoạch cẩn thận. Lý do vì sao Kharkiv lại được chọn để tổng phản công? Là vì lực lượng Nga không bao giờ có đủ quân để bảo vệ chiến tuyến dài 1.500 km. Và tình báo Mỹ và NATO đã nhận thức rất rõ về điều đó.
Tờ New York Times đã tiết lộ rằng, Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo quan trọng với quân đội Ukraine, và tham gia vào quá trình chuẩn bị cho “cuộc phản công” tại Kharkiv.
Bất kể động cơ của Chính quyền Joe Biden trong việc công khai vai trò của Mỹ trong vụ phản công này như thế nào, thì sự rò rỉ thông tin từ truyền thông Mỹ càng làm sáng tỏ hơn những diễn biến kịch tính trong những ngày qua.
Đó chính là việc tình báo Mỹ đã nắm được các dấu hiệu tái triển khai các đội hình quân sự của quân đội Nga, và chia sẻ thông tin tình báo với Kiev.
Thực tế, kế hoạch mở cuộc tấn công với lực lượng đông gấp 4 đến 5 lần của Ukraine, nhằm bao vây quân Nga tại thành phố Balakleya và Izyum ở Kharkiv đã bị phá sản. Người Nga đã kịp thời rút lui với tổn thất vô cùng tối thiểu.
Cần lưu ý là Izyum là một thành phố chiến lược khá trọng yếu. Truyền thuyết cổ xưa của Ukraine cũng nhắc đến địa danh Izyum là “cửa ngõ” vào Donbass và Biển Đen.
Lý do chính của Nga khi giữ vững tuyến phòng thủ Izyum, là để sử dụng nó làm bàn đạp tấn công thành phố Sloviansk và Kramatorsk dọc theo đường cao tốc M-03.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Nga trong mấy tháng qua nhằm vượt sông Siverski Donetsk để bao vây quân Ukraine dường như đều thất bại.
Con sông Siverski Donetsk bắt nguồn từ Nga và chảy vào Ukraine, hình thành nên các đầm lầy đã cản trở bước tiến của lực lượng Nga, trở thành cơn ác mộng đối với bất cứ cuộc tấn công quân sự nào.
Thành phố Izyum cũng nằm trong một khu vực có nhiều cây cối rậm rạp, còn được gọi là Rừng Sherwood – nơi các lực lượng Ukraine lập căn cứ sâu bên trong và đánh bại mọi nỗ lực của Nga nhằm tiến vào khu vực hiểm trở này.
Ngoài ra, thành phố Izyum có dân số thưa thớt (chỉ khoảng 40.000 người trước chiến tranh). Vì vậy các lực lượng Nga đóng tại đây từ tháng 3 đã bắt đầu dần rút quân sang các khu vực khác, đặc biệt bổ sung cho lực lượng Nga tại mặt trận Kherson ở miền nam.
Nói một cách đơn giản, Bộ Chỉ huy Nga nhận định, việc Nga tiếp tục kiểm soát thành phố Izyum trước động thái Ukraine tăng cường quân lực phản công, sẽ chỉ làm Nga hao mòn nhân lực, khi theo ước tính Ukraine đã huy động khoảng 15.000 binh sĩ tham gia trong chiến dịch phản công này.
Tuy nhiên kế hoạch rút quân khỏi một khu vực rộng lớn 6.000 km vuông cần phải mất nhiều thời gian. Việc buông bỏ quyền kiểm soát Kharkiv cần phải được quyết định nhanh chóng trước khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu.
Lực lượng Nga đã rút khỏi lãnh thổ Kharkiv về tả ngạn sông Oskol, và phía nam sông Siverski Donets – đây được cho là những vị trí phòng thủ chắc chắn, khó bị tấn công nhất.
Sự thật là không có bất kỳ cuộc giao tranh nào ở Kharkiv, bởi không có Lực lượng Vũ trang Nga tại đây. Những gì còn cắm chốt lại là một nhóm nhỏ dân quân của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Luhansk và một đại đội Vệ binh Quốc gia Nga, vốn chỉ làm nhiệm vụ như là một lực lượng cảnh sát.
Các lực lượng Ukraine do Mỹ và NATO điều hành đơn giản là không thể thực hiện một cuộc phản công bất kỳ đâu ở Donbass, ở Kherson, hay ở Mariupol. Bởi tất cả những nơi đó đều được bảo vệ bởi các đơn vị Quân đội chính quy của Nga.
Cuộc phản công tại Kharkiv chỉ càng làm rõ thêm việc Mỹ và NATO đang tham chiến trực tiếp, với sự hiện diện của “cố vấn” phương Tây và một số lượng lớn lính đánh thuê từ các nước NATO.
Ukraine tổn thất nặng nề bởi pháo binh Nga
Các chuyên gia quân sự tin rằng, Nga đã lựa chọn rút lui để giảm thiểu tối đa thiệt hại, và đó là lý do Ukraine nhanh chóng mở rộng quyền kiểm soát Kharkiv.
Nhưng thật không may, khi Nga rút quân khỏi Kharkiv thì Ukraine lại dồn lực lượng khá đông về đây. ĐIều này đã cho phép Nga dễ dàng tập trung hỏa lực vào lòng chảo này.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 12/9 tuyên bố, Lực lượng Hàng không Vũ trụ và pháo binh Nga “tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công chính xác cao” vào các đơn vị và lực lượng dự bị của Ukraine ở khu vực Kharkiv. Tất cả đã trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích dữ dội của Nga.
Trong video phân tích chiến sự Ukraine, Đại tá Markus Reisner của quân đội Áo cho biết, Ukraine đã điều động 6 lữ đoàn cho cuộc phản công tại Kharkiv, và tổn thất có thể lên tới 4.000 binh sĩ.
Trong khi ấy, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hơn 2.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng gần thành phố Balakleya và Izyum chỉ trong ba ngày, cùng vài nghìn binh sĩ bị thương. Đây là một tổn thất nặng nề mà chính quyền Kiev khó có thể ăn mừng.(tass)
Lực lượng không quân Nga cũng phá huỷ hàng trăm xe tăng và xe bọc thép mà ‘phương Tây’ chuyển giao cho Ukraine tại Kharkiv. Một số quan chức quân đội Ukraine cũng thừa nhận, việc giành quyền kiểm soát lãnh thổ là một chuyện, giữ được chúng lại là chuyện khác.
Trên thực tế, các nhà quan sát cho rằng, nếu Ukraine ở lại quanh Kharkiv và Izyum thêm ngày nào, họ sẽ bị nghiền nát bởi những trận địa pháo khổng lồ của Nga.
Nhà phân tích quân sự Konstantin Sivkov khẳng định: “Hầu hết các đội hình sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ukraine hiện đang bị dồn ứ lại tại Kharkiv và dễ dàng bị tiêu diệt một cách có hệ thống.”
Trong khi đó, trên mặt trận phía nam Ukraine, phó lãnh đạo chính quyền quân sự-dân sự tỉnh Kherson – ông Kirill Stremousov thông báo, rằng tổn thất của quân đội Ukraine tại đây đã vượt quá 3.500 người.
Matxcơva một lần nữa khiến truyền thông Mỹ chưng hửng khi tập trung vào quả cuối cùng ở 3 điểm nhấn quan trọng sau:
- Thứ nhất, Nga đã hoàn thành cuộc rút lui theo hướng Balakleysko-Izyum mà không bị thiệt hại về nhân mạng;
- Thứ hai, Nga nhắm mục tiêu tiêu diệt lực lượng Ukraine tại Kharkiv bằng hoả lực pháo binh;
- Thứ ba, Nga chuyển quân từ Balakleysko-Izyum để tập trung cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn Donetsk.
Đó là lý do tại sao mà mặt trận quanh Bakhmut ở Donetsk trong những ngày sắp tới sẽ có ý nghĩa đặc biệt. Bởi thành phố Bakhmut chắc chắn là trụ cột của toàn bộ chiến tuyến mà chính quyền Kiev dựng lên ở Donbass trong suốt 8 năm qua.
Đây là một ngã ba tiếp tế chiến lược nối các tuyến đường theo nhiều hướng – Lysychansk, Horlivka, Kostiantynivka và Kramatorsk. Nếu kiểm soát được thành phố Bakhmut, đồng nghĩa với việc người Nga thiết lập toàn quyền tối cao đối với vùng Donetsk.
Ngay từ đầu tháng 8, lực lượng Nga và các nhóm dân quân đồng minh đã cố gắng xuyên thủng vào các tuyến phòng thủ của Ukraine tại Bakhmut, nhưng không thành công. Việc Nga bổ sung thêm lực lượng từ khu vực Kharkiv tới, hứa hẹn Bakhmut sẽ là một cuộc chiến quyết định nảy lửa giữa Nga và Ukraine.
Điều quan trọng hơn nữa là Ukraine đang làm yếu ớt các tuyến phòng thủ của chính mình, bởi chính quyền Kyiv đã phải rút quân khỏi các vị trí khác ở Donbass, bao gồm cả việc bảo vệ thành phố quan trọng Bakhmut để tập trung cho cuộc phản công tại Kharkiv.
Một khi thành trì Bahmut thất thủ, tuyến phòng thủ cuối cùng của Ukraine ở Donbass sẽ sụp đổ.
Nga và NATO đối đầu: Diễn biến nguy hiểm
Những diễn biến trong tuần qua được cho là cực kỳ nguy hiểm, khi cuộc xung đột đã leo thang theo hướng khó kiểm soát. Bởi trên thực tế, Nga đang chiến đấu trực tiếp với Mỹ và NATO.
Vụ phản công ‘thành công’ của Ukraine tại Kharkiv dù không có lực lượng Nga tại đó, những vẫn được tô vẽ là một chiến công và trở thành liều thuốc doping phấn khích cho lực lượng vũ trang nước này.
Tuyên bố sấm sét của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm 11/9 đã đặt ra ngưỡng giới hạn của sự ngông cuồng. Ông Reznikov cho biết, Bộ chỉ huy Các lực lượng Vũ trang Ukraine đang đăt ra kế hoạch là “giải phóng hoàn toàn” tất cả các vùng lãnh thổ “bị chiếm đóng”, bao gồm cả Donbass và Crimea.
Tờ Financial Times cho biết, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về việc có gửi cho Ukraine những vũ khí tối tân hơn trong tương lai hay không, bao gồm cả máy bay chiến đấu.
Cuộc phản công Kharkiv rõ ràng đã khuyến khích các quan chức Ukraine gây sức ép mạnh hơn với chính quyền Biden, nhằm buộc Mỹ phải viện trợ các loại vũ khí tiên tiến hơn và có tầm xa hơn.
Ý tưởng của chính quyền Kyiv là, nếu Ukraine có thể chứng minh rằng, họ sẽ giành lại được những vùng lãnh thổ ở miền đông và miền nam, và thậm chí xa hơn là giải phóng Crimea, với điều kiện họ có vũ khí tầm bắn xa hơn và tiên tiến hơn do Mỹ cung cấp.
Mức độ cuồng loạn của chiến tranh Ukraine đang khiến mọi thứ trở nên cực kỳ khó khăn đối với chính quyền Biden, trong việc thực hiện duy trì một cuộc xung đột lâu dài nhưng không cho phép lên cao trào quá mức dẫn tới đối đầu trực tiếp với Nga.
Thực tế, trong khi một mặt chính quyền Biden tiếp tục gây áp lực quân sự lên Nga, với hy vọng phá vỡ tiềm năng quân sự của đối thủ chiến lược lâu năm của Mỹ, thì mặt khác, Washington đã liên tục ra hiệu rằng, họ không tìm kiếm chiến thắng bằng được trước Nga.
Bằng chứng không có gì ấn tượng hơn là gói viện trợ 2,2 tỷ đô la cho Ukraine, nhưng một nửa trong số đó lại dành cho 18 quốc gia khác. Phần còn lại cho Ukraine lại chủ yếu dành cho chi tiêu về đào tạo, huấn luyện chứ không phải để mua trang thiết bị vũ khí.
Cũng giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, áp lực buộc phải ngừng chiến đối với chính quyền Biden cũng rất lớn, đặc biệt là giữa Đảng Dân chủ và Cộng hoà, cũng như tiếng nói của các quan chức tướng lĩnh cấp cao đã nghỉ hưu, các giám đốc điều hành doanh nghiệp… kêu gọi Tổng thống Biden ngừng làm nóng tình hình xung đột.
Nếu đảng Dân chủ của Tổng thống Biden thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ, hoặc nếu đảng Cộng hòa lên nắm quyền vào năm 2024, thì cuộc chiến tại Ukraine về cơ bản có thể diễn ra theo chiều hướng khác. Theo thời gian, những thay đổi tương tự cũng rất có thể xảy ra ở châu Âu.
Vì vậy, tướng Mark Milley, Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng đã thận trọng khi phát biểu về cuộc phản công của Ukraine hôm 10/9 với đài NPR. Vị tướng Mỹ cho biết, “vẫn còn phải xem điều gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới, bởi đó là một nhiệm vụ rất rất khó khăn mà người Ukraine đang thực hiện”.
Tuy nhiên xa hơn, Ukraine đang tìm kiếm một sự đảm bảo an ninh mới từ phương Tây, với tham vọng có thể khiến nước này trở thành một thành viên chính thức của NATO trong tương lai.
Hôm 13/9, Văn phòng Tổng thống Zelensky đã công bố một dự thảo tài liệu có tiêu đề: “Hiệp ước An ninh Kiev – Đảm bảo An ninh Quốc tế cho Ukraine: Khuyến nghị”.
Tờ Newsweek mô tả về đề xuất này của Kyiv như sau: “Hiệp ước An ninh Kiev (KSC) – được đề xuất bởi ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, và cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen – cũng sẽ thiết lập một kế hoạch “nhiều thập kỷ” về đầu tư, huấn luyện quân sự và chia sẻ thông tin tình báo để củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine khi nước này theo đuổi tư cách thành viên chính thức của NATO”.
Các nhà quan sát nhận xét, đây có thể chỉ là một yêu cầu lớn khác của Ukraine, giống như Kyiv yêu cầu Mỹ và NATO cung cấp nhiều tiền hơn và giao nhiều vũ khí tân tiến hơn. Tuy nhiên điều này cũng chứng tỏ Ukraine vẫn quyết tâm gia nhập NATO, dù đất nước đang bị tàn phá bởi chính tham vọng này.
Phản ứng của Điện Kremlin rất nhanh chóng và quyết liệt, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng, đó thực sự là “màn mở đầu cho Chiến tranh Thế giới thứ Ba” nếu “Hiệp ước An ninh Kiev” được ban hành. Ông mô tả rằng chiến tranh hạt nhân sẽ là kết quả cuối cùng.
Giới quan sát phương Tây đã bày tỏ lo ngại rằng, việc lực lượng Ukraine phản công thành công tại Kharkiv, với sự hỗ trợ tình báo của Mỹ có thể khiến nước Nga trở nên khó lường hơn.
Các cuộc điện đàm liên tiếp gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho Tổng thống Putin sau một vài tháng gián đoạn, cho thấy giới lãnh đạo châu Âu đã có chút e dè và buộc phải nói chuyện lại với ông chủ Điện Kremlin.
Tạp chí Spiegel của Đức đưa tin rằng, Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với sự bất đồng trong chính đảng của mình, những người muốn chính quyền Berlin ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev, và thay vào đó phải tham gia đối thoại với nước Nga.
Rõ ràng giới lãnh đạo châu Âu có lý do để lo lắng. Vụ phản công tại Kharkiv của Ukraine đã được chính truyền thông tiết lộ có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, và điều này sẽ kích động Matxcova phản ứng.
Liệu Nga có phóng tên lửa siêu thanh Khinzals từ Biển Đen và vùng biển Caspi nhằm vào các nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở đông bắc và miền trung Ukraine, cùng hầu hết cơ sở hạ tầng năng lượng nằm ở phía đông nam nước này.
Nếu điều này xảy ra, hậu quả thật thảm khốc. Một nửa đất nước Ukraine sẽ bất ngờ bị mất điện và mất nước. Các tuyến xe lửa tê liệt và ngừng hoạt động hoàn toàn.
Nếu Matxcova quyết định phá bỏ tất cả các trạm biến áp chính của Ukraine cùng một lúc, bằng tên lửa hành trình để phá hủy hoàn toàn hệ thống mạng lưới điện Ukraine, thì ngành năng lượng phục vụ cho chiến tranh và dân sự của Ukraine cũng sẽ bị đột tử.
Theo phân tích của một chuyên gia quân sự: “Nếu một trạm biến áp 110-330 kV hư hỏng thì hầu như không thể đưa vào vận hành được nữa.. Và nếu điều này xảy ra cùng lúc với 5 trạm biến áp thì mọi chuyện sẽ trở nên tuyệt vọng mãi mãi”.
Chiến lược gia chính trị người Nga, ông Marat Bashirov còn thẳng thừng tuyên bố: “Ukraine đang quay trở lại thế kỷ 19. Nếu không có hệ thống năng lượng, sẽ không có quân đội Ukraine”.
Và đó là phương cách cuối cùng mà người Nga có thể bước vào một “chiến tranh thực sự” – như câu nói khét tiếng của tổng thống Putin, rằng “chúng ta thậm chí còn chưa bắt đầu bất cứ điều gì một cách nghiêm túc”.
Các chính phủ phương Tây đã đầu tư quá nhiều vào Ukraine và dường như bây giờ muốn rút lui, trước viễn cảnh Nga có thể nghiêm túc khởi động một cuộc chiến.
Hơn bao giờ hết, khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga chấm dứt, đồng nghĩa Nga có thể mở rộng quy mô cường độ hoạt động quân sự nhiều hơn, bằng cách phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng giao thông / năng lượng của Ukraine, từ các mỏ khí đốt đến các nhà máy nhiệt điện, trạm biến áp và đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ thực sự là một thảm họa kinh tế – xã hội chưa từng có ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Xem thêm: Chiến trường rung chuyển: Nga từ bỏ “Chiến dịch đặc biệt” để bắt đầu cuộc chiến ‘nghiêm túc’?