Tuần qua, Trung Quốc đã đưa ra khuyến cáo đối với các công dân Trung Quốc là nên tránh du lịch tới Úc, với lý do người dân Úc có các hành động phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người Trung Quốc liên quan đến đại dịch Covid-19
- Trung Quốc triển khai lính dù và xe bọc thép tới biên giới Ấn Độ
- Đi ngược lợi ích quốc gia, một bang của Úc ký Vành đai Con đường
- Kinh tế Mỹ đang hồi phục, số liệu việc làm tốt chưa từng có
Báo Tin tức nước Úc cho biết trong tuần qua, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã đưa ra khuyến cáo đối với các công dân Trung Quốc là nên tránh du lịch tới Úc, với lý do người dân Úc có các hành động phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Bộ trưởng Văn hoá Du lịch Trung Quốc Lạc Thụ Cương nói “Gần đây đã có sự gia tăng đáng báo động trong các hành vi phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người Trung Quốc và người châu Á ở Úc, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, tuy nhiên thông báo này không đưa ra bất kỳ ví dụ cụ thể nào về sự phân biệt đối xử hoặc hành vi bạo lực nào.
Trước động thái này, Bộ trưởng Du lịch Liên bang Simon Birmingham bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về các hành vi phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người Trung Quốc và khẳng định “cáo buộc của chính quyền Tập Cận Bình không dựa trên cơ sở thực tế”,
Ông Birmingham cho biết Úc là một quốc gia đa văn hóa, “an toàn và chào đón mọi du khách” và nói rằng sự thành công trong chiến lược đa văn hóa của Úc dựa trên “sự tôn trọng đối với tất cả người dân Úc và du khách bất kể chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc hay giới tính của họ”.
“Đó là quyền tự do của chúng tôi trong một xã hội dân chủ, cho phép chúng tôi chào đón rất nhiều dân tộc mà vẫn đạt được sự thống nhất và hòa nhập, điều khiến Úc nổi bật trong đám đông toàn cầu,” ông Birmingham nói.
Đồng thời, Bộ trưởng du lịch liên bang Úc đã nói rằng thật không may khi Úc phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc để bảo vệ người dân Úc khỏi dịch COVID-19 lan truyền từ Vũ Hán, một quyết định từng bị Chính phủ Trung Quốc chỉ trích vào thời điểm đó.
Nhưng ông nói rằng kết quả việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc đã chứng tỏ rằng đây là một quyết định quan trọng trong việc giữ an toàn cho người Úc khỏi nguy cơ nhiễm bệnh mà phần lớn thế giới phải đối mặt. ông Birmingham nói thêm rằng “Úc mong muốn sớm chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới khi các khuyến cáo sức khỏe cho phép”.
Cảnh báo mới này của Trung Quốc xuất hiện khi quan hệ đối ngoại giữa Trung Quốc và Úc ngày càng trở nên xấu đi, đặc biệt sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-1 vào ngày 21/04/2020. Việc Úc trở thành quốc gia hăng hái nhất kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc virus corona cũng như phản ứng của WHO đã vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc.
Úc cũng đang xem xét vai trò của WHO trong việc để đại dịch bùng phát ra toàn cầu. Theo Reuters, Úc đang đặt vấn đề tại sao WHO lại có quyền hạn như một thanh sát viên quốc tế và tự ý vào điều tra, kết luận về ổ dịch khi chưa có sự đồng ý của của Liên Hiệp Quốc hay cụ thể hơn là các nước có đóng góp lớn về tài chính cho WHO hoạt động.
Tiếp nữa trong cuộc họp báo chiều 1/5/2020, Thủ tướng Australia – Scott Morrison tiếp tục nhắc lại đề nghị cộng đồng quốc tế điều tra về sự khởi phát của dịch của Covid-19 nhằm mục đích hiểu và rút ra kinh nghiệm phòng tránh không xảy ra trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Ông nói rằng còn quá nhiều điều về sự khởi phát của dịch bệnh mà thế giới chưa được biết và một cuộc điều tra độc lập sẽ giúp thế giới làm sáng tỏ những điều này.
Đáp trả lại lời kêu gọi của Thủ tướng Úc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc đã chỉ trích Úc là “cơ quan ngôn luận” của Mỹ, rằng các nhà lập pháp Úc “đang lặp lại như vẹt những gì người Mỹ nói và hùa theo Mỹ trong các cuộc công kích có ý đồ chính trị nhắm vào Trung Quốc”.
Trang tin tiếng Anh do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, thời báo Hoàn Cầu đã đăng một bài phân tích về cuộc tranh cãi thương mại leo thang giữa hai nước, trong đó nói rằng: “Chính phủ Úc đã gây nên những ồn ào mang tính chính trị, yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về dịch COVID-19 ở Trung Quốc, trong nỗ lực nhằm mục đích bôi nhọ và bêu xấu Trung Quốc”.
Tờ báo Hoàn Cầu này cũng trích dẫn lời của một số chuyên gia đối ngoại và thương mại Trung Quốc, đơn cử như bình luận của Yu Lei, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu các quốc đảo Thái Bình Dương tại Đại học Liaocheng, người nói rằng việc Trung Quốc có thể áp mức thuế 80% đối với lúa mạch Úc có thể được xem như một “lời nhắc nhở nhẹ nhàng” tới Úc. Yu Lei bình luận rằng: “Thương mại cần phải độc lập với chính trị, nhưng thật khó để phân chia chúng hoàn toàn trong thực tế”.
Doanh thu từ việc xuất khẩu lúa mạch từ Úc sang các nước khác có trị giá khoảng 2 tỷ đô la mỗi năm, và phần lớn hàng xuất khẩu có điểm đến là Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa tin rằng rượu và sữa của Úc, cùng với hải sản, bột yến mạch và trái cây là những sản phẩm có thể nằm trong danh sách đen, hậu quả của việc áp thuế này có thể khiến hàng tỷ đô la hàng xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc phải trải qua những đợt kiểm tra chất lượng, chống bán phá giá nghiêm ngặt và thời gian chờ thông quan lâu hơn.
Như vậy, sau việc Trung Quốc đưa ra cảnh báo về hạn chế về hàng hoá thương mại của Úc thì tuần vừa qua đã chứng kiến Trung Quốc khuyến cáo công dân không đi du lịch Úc, điều này có thể cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ giữa hai nước lớn này.