Trung Quốc vừa làm mới một hiệu lệnh cũ, được đánh giá thể hiện rõ bản chất diều hâu: Cấm các quốc gia khác đánh bắt cá trên Biển Đông.
- Biển Đông: Trung Quốc lại vi phạm luật quốc tế
- Biển Đông: Công hàm 1958 không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc
Tân Hoa Xã – Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói, chính quyền quốc gia này vừa ban hành lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè bắt đầu từ trưa thứ Sáu ở vùng biển từ phía Bắc đến 12 độ vĩ Bắc ở Biển Đông.
Phía Trung Quốc tuyên bố, lệnh cấm đánh bắt cá bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ ngày 1/5 đến 12 giờ ngày 16/8.
Cùng hùa theo lệnh này, lực lượng hải cảnh Trung Quốc nói, hơn 50.000 tàu cá sẽ dừng hoạt động trong 3 tháng rưỡi. Hải cảnh nước này cho sẽ nghiêm ngặt thực thi lệnh cấm theo các luật và quy định liên quan để bảo vệ “quyền và lợi ích nghề cá và môi trường sinh thái biển” của Trung Quốc.
Sở dĩ nói Trung Quốc “làm mới một hiệu lệnh cũ” vì chính quyền nước nay đã coi việc ra tuyên bố cấm đánh bắt cá trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông là hoạt động thường niên. Thường vào đầu tháng 5 hàng năm, Trung Quốc sẽ tự cho mình quyền “tuýt còi” toàn bộ hoạt động đánh bắt trên Biển Đông. Hoạt động này của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1999, dưới thời Giang Trạch Dân.
Trong ngày hôm nay 2/5, báo giới Việt Nam đã lên tiếng về hành vi này của Trung Quốc. Các báo Thanh Niên, VTC News nêu rõ, phạm vi cấm đánh bắt từ phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc là bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tới trưa 2/5, chưa thấy Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vấn đề này. Trên cổng thông tin Bộ Ngoại giao cũng chưa phát thông cáo phản ánh quan điểm của Hà Nội.
Hiện báo chí và ngoại giới đang tìm hiểu thái độ của Việt Nam trước sự việc này thông qua vụ việc tương tự xảy ra một năm trước. Hồi tháng 5/2019, sau khi Trung Quốc phát lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 01/5-16/8/2019 ở khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói “Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”.
Thông tin về hành vi này của Trung Quốc và phản ứng của các bên liên quan sẽ được Tin360 cập nhật gửi tới quý độc giả trong các bản tin tiếp theo.