Site icon Tin360

Trung Quốc âm thầm đổi tên Học Viện Khổng Tử?

Tập Cận Bình và học viện Khổng Tử

Ngày 20/06/2010, Tập Cận Bình (lúc đó là phó chủ tịch nước) khai trương Học Viện Khổng Tử đầu tiên của Trung Quốc tại đại học RMIT, Melbourne, Úc (ảnh chụp màn hình AFP).

Một nguồn tin tiết lộ với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng, hôm 24/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đổi tên trụ sở Học Viện Khổng Tử thành Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ. Giới phân tích đang đặt ra nghi vấn: Trung Quốc thực sự từ bỏ mô hình Học Viện này, hoặc đây chỉ là chiêu “bình mới rượu cũ”?

Trước đó, Trung Quốc đối mặt với làn sóng phản đối từ Mỹ và nhiều quốc gia về việc đặt hàng loạt Học Viện Khổng Tử trên khắp thế giới. Theo Đài phát thanh quốc tế Pháp, kể từ năm 2004, đã có khoảng 550 Học viện Khổng Tử đã được mở ra trên toàn thế giới, với gần 100 ở Mỹ và 29 ở Vương Quốc Anh. Theo ông Andreas Fulda, (Viện Nghiên Cứu Châu Á của Đại học Nottingham tại Anh Quốc), các Học Viện Khổng Tử trong các trường đại học phương Tây đóng một vai trò kép, vừa là một cơ quan văn hóa, vừa là một tổ chức chính trị.

Trái ngược với các tuyên bố của Bắc Kinh là giới thiệu văn hóa Trung Quốc ra thế giới, các Học Viện này tập trung vào việc tẩy não giới trẻ và can dự chính trị các quốc gia nó đặt chân tới. Truyền thông phương Tây đã đưa ra những bằng chứng cho thấy các tài liệu học tập của Viện đã bóp méo lịch sử Trung Quốc đương đại và ém nhẹm các thảm họa nhân đạo do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra như cuộc Đại Nhảy Vọt (1958-1961) và Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976).

Một người trong cuộc – bà Sonia Zhao – cựu giáo viên người Trung Quốc tại Viện Khổng Tử Đại học McMaster của Canada, đã cất tiếng nói với báo giới Mỹ. Theo bà Zhao, trong quá trình đào tạo nghiệp vụ tại Bắc Kinh, bà và đồng nghiệp được yêu cầu tránh đề cập đến các chủ đề nhạy cảm như vụ thảm sát Thiên An Môn, Tây Tạng, Đài Loan và cuộc bức hại Pháp Luân Công trong lớp học. Trường hợp học sinh nước sở tại khăng khăng yêu cầu trả lời câu hỏi, thì giáo viên phải trích dẫn đường lối của ĐCSTQ về vấn đề này, chẳng hạn như: Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, và Tây Tạng đã được Trung Quốc “giải phóng”.

Một học viên Pháp Luân Công bị cảnh sát bắt, đánh đập trên quảng trường Thiên An Môn (ảnh: Wikipedia). Những sự thật như thế này tại Trung Quốc sẽ không được Học Viện Khổng Tử đề cập.

Bà Peterson – Giám đốc chính sách Hiệp hội học giả quốc gia (NAS) – một tổ chức giáo dục của Hoa Kỳ, kể rằng, vào năm 2016, Yin Xiuli, giám đốc Viện Khổng Tử tại Đại học New Jersey đã nói với bà rằng Học Viện Khổng Tử không được đề cập đến các vấn đề về Đài Loan, Tây Tạng và cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Theo Đài phát thanh quốc tế Pháp, những năm gần đây, giới lãnh đạo các trường đại học trên khắp thế giới đã bớt nhiệt tình hẳn đối với việc đón nhận các Học Viện Khổng Tử. Bên cạnh đó, số lượng các viện này bị đóng cửa ngày càng tăng. Giới học thuật quốc tế dường như đã nhận thức rõ hơn bộ mặt thật của những Học Viện này.

Nhiều trường đại học ở Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp… đã đóng cửa Viện Khổng Tử trong những năm gần đây. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, Vrije Universiteit Brussel (VUB) – đại học nghiên cứu nổi tiếng tại Brussels, Bỉ đã đóng cửa Viện Khổng Tử bên trong khuôn viên đại học này sau khi người đứng đầu viện này bị phía Bỉ cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.