Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức thề sẽ trừng phạt Nga trong lúc phía Ukraine bắt đầu đưa nhóm quân từng bám trụ hơn 100 ngày qua ra khỏi Bakhmut.
Biden, Scholz thề trừng phạt Nga
Tại Washington, hôm 3/3 (giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt ‘cái giá phải trả’ lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine; theo một quan chức EU, bất kỳ vũ khí nào do Trung Quốc cung cấp cho Nga sẽ là ngòi nổ kích hoạt các biện pháp trừng phạt.
Theo Reuters, ông Biden và ông Scholz đã gặp riêng tại Phòng Bầu dục trong hơn một giờ, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết. Cuộc thảo luận của họ tập trung vào tầm quan trọng của việc tiếp tục “đoàn kết toàn cầu” với người dân Ukraine và những nỗ lực không ngừng nhằm cung cấp hỗ trợ an ninh, nhân đạo, kinh tế và chính trị cho Ukraine.
Một đơn vị Ukraine rút quân khỏi Bakhmut
Thông tin được Robert Brovdi, chỉ huy đơn vị máy bay không người lái UAV Ukraine đang đóng tạu Bakhmut đưa ra hôm 3/3. Sĩ quan này nói rằng họ được lệnh rời thành phố tới địa điểm mới khi hỏa lực của Nga tiến đến mỗi lúc một gần.
“Chúng tôi được yêu cầu lập tức rời chiến trường Bakhmut. Tại sao họ lại đưa ra mệnh lệnh này trong giai đoạn then chốt nhất, sau khi chúng tôi đã bám trụ 110 ngày ở đây? Tôi không bình luận về quyết định của bộ chỉ huy, chúng tôi chỉ làm theo lệnh”, Robert Brovdi nói.
Phía Ukraine chưa lên tiếng về sự việc này.
Quan chức tình báo Ukraine thừa nhận thực tế đáng buồn
Hôm 2/3, Serhiy Rakhmanin, thành viên Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo Quốc hội Ukraine cho biết, các đơn vị cố thủ ở Bakhmut đang ở trong tình thế rất nghiêm trọng. “Sớm muộn chúng ta sẽ phải rời bỏ Bakhmut. Giữ thành phố bằng mọi giá là hành động vô nghĩa”, ông nói.
Ngày 3/3, báo Nga đưa tin, ông Yevgeny Prigozhin, ông trùm tập đoàn Wagner, thông báo họ đã bao vây gần như toàn bộ Bakhmut và quân đội Ukraine chỉ còn một tuyến đường để rút quân. Phía Wagner ra ‘tối hậu thư’ cho tổng thống Ukraine và nhấn mạnh rằng “thời gian sinh tồn của binh sĩ Ukraine ở Bakhmut chỉ khoảng 1-2 ngày, hãy để họ có cơ hội rời thành phố”.
Cựu Đại sứ Mỹ: ‘Đảng Dân chủ bây giờ là đảng xã hội chủ nghĩa’
Đó là phát biểu của cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 3/3 tại Hội nghị Hành động Chính trị Cánh hữu 2023 (CPAC). Trước đó, bà đã tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ 2024, hiện là thách thức lớn nhất của ông Trump trong cuộc đua nhận được đề cử của Đảng Cộng hòa.
“Tôi tranh cử tổng thống để ngăn chặn nước Mỹ tuột dốc không phanh tới CNXH và tâm lý chán ghét chính mình vốn đang chi phối đất nước này”, bà Haley nói tại hội nghị.
“Tôi tranh cử tổng thống để làm mới nước Mỹ vốn là quốc gia mạnh mẽ và đáng tự hào, không phải là yếu kém và thức tỉnh”, bà Haley nói thêm và khẳng định rằng: “Đảng Dân chủ bây giờ là đảng xã hội chủ nghĩa”.
“Hãy xem Tổng thống Biden đã tiêu xài lãng phí bao nhiêu tiền của người nộp thuế kể từ khi ông ta nhậm chức”, bà Haley nhấn mạnh (Đọc tiếp trên Trithucvn).
Động đất gần Sakhalin (Nga) và New Zealand
Hãng truyền thông Nga TASS đưa tin, các nhà địa chấn học đã ghi nhận một trận động đất mạnh 4,1 độ richter ở vùng biển gần bờ biển phía đông Sakhalin vào ban đêm.
Trên mạng xã hội, cư dân quận Makarovsky phàn nàn rằng trận động đất làm họ mất ngủ, vật nuôi sợ hãi. Truyền thông địa phương đưa tin đồ đạc trong nhà của người dân rung chuyển, đèn chùm đung đưa và đồ sành sứ kêu lạch cạch.
Chính quyền cho biết không có cảnh báo sóng thần nào được công bố. Theo thông tin ban đầu, không có thương vong hay thiệt hại nào.
Cũng trong khoảng thời gian đó, một trận động đất mạnh 5,0 độ richter đã được ghi nhận ở Thái Bình Dương trong khu vực quần đảo Kermadec, một phần của New Zealand. Tâm chấn động đất nằm cách thành phố Tauranga với dân số 110 nghìn người 761 km về phía đông bắc. Không có báo cáo về thương vong hoặc thiệt hại. Một mối đe dọa sóng thần cũng được loại bỏ.